Cử tri tìm hiểu tiểu sử các ứng cử viên trước khi quyết định bầu chọn tại Cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
Sắp hết nhiệm kỳ cũ, chuẩn bị bắt đầu một nhiệm kỳ mới; cơ quan có thủ trưởng mới về hoặc mới được đề bạt; lãnh đạo ban nọ, phòng kia chuẩn bị nghỉ hưu hoặc chuyển công tác…Cho dù có nói gì thì nói, đó đều là những dịp mà từ cán bộ đảng viên, cho đến nhân viên bình thường đều rộn ràng công khai hoặc rì rầm to nhỏ bàn tán, đoán định quanh chuyện nhân sự mới. Nhiệm kỳ này ai đi ai ở, ai sẽ là người ở vị trí A vị trí B…; sếp mới, không biết bộ phận tham mưu giúp việc bên dưới có gì xáo trộn, hay lại sẽ là “nhất triều quân nhất triều thần”? Ông/bà ấy hưu, chiếc ghế để lại rồi sẽ vào tay ai? Người thực sự có năng lực, có đạo đức hay thuộc về người được lòng sếp? Vân vân và vân vân…
Rộn ràng hay nhỏ to thế, nhưng hễ thấy bóng lãnh đạo là lập tức im phắc. Ấy là bởi, có người đã từng bị sếp “uốn nắn”: Cán bộ là chuyện của tổ chức, chuyện của Đảng, các anh chị biết gì mà bàn! Sếp mắng là rất hãi, nghiêm trọng chứ không đùa được, cho nên phải cảnh giác. Tôi, thú thật cũng đã không ít lần rơi vào tâm lý như thế, nhưng sau ngẫm lại thấy nó vô lý vô sự thế nào. Đúng chuyện cán bộ là chuyện “trên đầu trên cổ”, nhưng đó là chuyện “then chốt”, chuyện quyết định thành bại của sự nghiệp cách mạng, nó liên quan đến quốc kế dân sinh, đến tương lai phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị, thậm chí đến nồi cơm lọ mắm của mỗi gia đình, thế thì người ta quan tâm là chuyện đương nhiên, là lẽ thường tình. Sao lại mắng?!! Trong quan điểm của Đảng ta về công tác cán bộ cũng không thấy “cấm” chuyện này, ngược lại, Đảng còn rất coi trọng đến chuyện phát huy dân chủ trong công tác cán bộ.
Với góc nhìn biện chứng từ lý luận và thực tiễn, trong một bài viết mới đây, ông Hoàng Đăng Quang, UVTƯ Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức TƯ đã khẳng định: “Phát huy dân chủ trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ là tiền đề quan trọng để bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các cấp ủy và người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Nội dung phát huy dân chủ trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ được nhấn mạnh trong các văn kiện của Đảng và được bổ sung, hoàn thiện qua các đại hội thời kỳ đổi mới: “Dân chủ hóa công tác cán bộ bằng những quy chế rõ ràng”, “bảo đảm tính dân chủ và tập thể trong công tác cán bộ”, “bảo đảm nguyên tắc tập thể, dân chủ đi đôi với phát huy trách nhiệm cá nhân trong công tác cán bộ”, “phát huy dân chủ, dựa vào tập thể và Nhân dân để tuyển chọn cán bộ”(Báo cáo chính trị của BCHTƯ tại các Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX)”.
Không chỉ dừng lại ở các văn kiện đại hội mà những quan điểm, chủ trương, nguyên tắc về công tác cán bộ còn được Đảng ta cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, quy trình, nhằm bảo đảm dân chủ, khách quan, chặt chẽ. Mỗi cán bộ đều được theo sát đánh giá từ khâu tuyển dụng cho đến đào tạo, bồi dưỡng, phân công nhiệm vụ, quy hoạch, đề bạt... Trong đó, khâu lắng nghe ý kiến nhận xét của Nhân dân, của các tổ chức đoàn thể là một trong những khâu hết sức quan trọng và không thể bỏ qua. Tại sao quan trọng, ấy là bởi quần chúng nhân dân luôn có “nghìn mắt nghìn tai”. Có thể giấu giếm, “làm màu” với tổ chức, với lãnh đạo, song với quần chúng nhân dân thì người cán bộ ấy có thực sự gương mẫu hay không, thực sự vững vàng hay không, thực sự có năng lực hay không, có xứng đáng để được cất nhắc, đề bạt hay không… người ta biết hết. Vậy nên, muốn chọn đúng cán bộ, muốn xây dựng được một đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, vừa “hồng” vừa “chuyên” để đội ngũ ấy gánh vác việc quốc gia đại sự, hay ở cấp độ hẹp hơn là việc của cơ quan, đơn vị, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung thì nhất thiết phải xem trọng khâu này.
Dân chủ trong công tác cán bộ phải phát huy từ cả 2 phía, đó là sự thực tâm lắng nghe, cầu thị từ người làm công tác tổ chức và người lãnh đạo; ngược lại từ phía người tham gia góp ý, nhận xét cũng phải thực sự trách nhiệm, trong sáng, công tâm… Tất cả đều hướng đến mục tiêu phát triển chung chứ không nhằm mục đích nào khác thì ý kiến đó sẽ hết sức ý nghĩa và có giá trị. Ngược lại, người tổ chức lấy ý kiến thì chỉ làm cốt cho xong quy trình, thủ tục; người được lấy ý kiến thì đại khái, bàng quan… thì kết quả thu được chỉ là hình thức, tốn kém và mất thì giờ vô ích.
Một xu hướng khác, cực kỳ nguy hại cần phải hết sức cảnh giác đó là việc lợi dụng dân chủ trong công tác cán bộ để “cài cắm”, “liên kết”, xuyên tạc, bôi nhọ, thậm chí chống phá. Thái độ và hành vi ấy dứt khoát phải được xử lý nghiêm và kiên quyết loại trừ.
Dân chủ, công khai, minh bạch và thực sự trong sáng công tâm trong công tác cán bộ - đó sẽ là một trong những điều kiện căn bản để đất nước xây dựng được một đội ngũ cán bộ có đầy đủ sức mạnh về trí tuệ, năng lực và phẩm chất. Quan trọng nữa là chính điều này đồng thời sẽ củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Xã hội có niềm tin, đất nước có đội ngũ cán bộ giỏi giang, đức hạnh thì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà toàn Đảng, toàn dân đang phấn đấu thực hiện nhất định sẽ thành tựu trong một ngày rất gần.
Bài, ảnh: Hiền An