Thị trấn Phú Lộc ngày càng phát triển. Ảnh: CÔNG TUYỂN
1. Bảo rằng đặc biệt là bởi hoàn cảnh ra đời của chi bộ. Sự khủng bố gắt gao của chính quyền Mỹ - Diệm vào những năm tháng sau Hiệp định Genève đã gây nhiều tổn thất nặng nề cho phong trào đấu tranh cách mạng và tổ chức Đảng các cấp ở Phú Lộc. Tình hình cách mạng càng trở nên khó khăn với sự ra đời của chiến dịch “Tố Cộng, diệt Cộng”, đặc biệt sau khi chính quyền Mỹ - Diệm ban hành Luật 10/59 đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật.
Bắt đầu từ đầu năm 1956, Mỹ - Diệm tập trung bình định vùng Bạch Mã - Cầu Hai. Thời điểm này, Tỉnh ủy Thừa Thiên và Khu ủy Khu V do đồng chí Võ Chí Công, sau này là Chủ tịch nước, lãnh đạo đóng ở Bạch Mã. Kẻ địch cũng chọn nơi đây làm nơi đóng quân, hòng gây khó khăn cho các cơ quan lãnh đạo của Khu ủy, Tỉnh ủy và Huyện ủy, thực hiện triệt để chiến dịch “Tố Cộng, diệt Cộng”. Mở đầu cho chiến dịch là tuần lễ “Đồng tâm diệt Cộng” với quyết tâm tiêu diệt tận gốc rễ những mầm mống cách mạng.
Thật xót xa khi biết rằng, trong đợt kiện toàn, củng cố cơ sở Đảng các cấp sau năm 1954, toàn huyện Phú Lộc có 10 xã ủy với 68 chi bộ thì đến cuối năm 1959, chỉ còn lại 1-2 chi bộ ở vùng Thế Lộc (khu 3) và Vĩnh Lộc (Lộc Vĩnh, Lộc Tiến và Lăng Cô). Thế nhưng, trong bối cảnh tình hình cực kỳ khó khăn đó, cuối năm 1959 đầu năm 1960, có một chi bộ Đảng được thành lập ở làng Cao Đôi Ấp.
2. Cao Đôi Ấp thuộc xã Lộc Trì, thuộc khu vực Bạch Mã - Cầu Hai là trung tâm quận lỵ Phú Lộc và còn được biết đến với tên gọi cách mạng Dinh Lộc nổi tiếng qua 2 cuộc kháng chiến. Vào thời điểm này, kẻ địch tăng cường dồn dân và lập ấp. Chúng đã di chuyển dân ở các làng Cao Đôi Sách, Cao Đôi Ấp… về khu vực Cầu Hai; tăng cường càn quét, bình định vùng đồng bằng. Ở Phú Lộc, chúng thiết lập hệ thống đồn bốt dọc theo Quốc lộ 1A từ Nong (xã Lộc Bổn) đến Lăng Cô, trong đó khu vực Cầu Hai là trọng điểm.
Hoạt động ngay trong lòng địch, phải chịu đựng sự bố ráp và khủng bố gay gắt, các đồng chí đảng viên trong chi bộ đã bám trụ khai thác nhiều tin tức tình báo và theo dõi các hoạt động của bọn phản động, cung cấp kịp thời cho huyện ủy và lực lượng an ninh huyện để có kế hoạch tiêu diệt. Đáng nói trong chi bộ có 2 anh em ruột là Lê Chắc và Lê Lư cùng thoát ly lên vùng Bạch Mã với một số thanh niên cốt cán bám trụ hoạt động. Đồng chí Lê Chắc (anh) cùng em và đồng chí Nguyễn Ngọc Đằng hoạt động rất kiên cường, ban đêm thường về đồng bằng xây dựng cơ sở, buổi sáng lại trở lại hậu cứ ở Bạch Mã.
Năm 1967, đồng chí Lê Chắc về đồng bằng bám trụ ngay cả ban ngày. Trên căn gác trong nhà người bà con ở Cầu Hai, đồng chí bị phát hiện. Kẻ địch đã tiến hành bao vây, kêu gọi đầu hàng. Đồng chí Lê Chắc đánh trả quyết liệt, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Không để bị rơi vào tay giặc, đồng chí đã dùng lựu đạn tự sát. Cảm kích trước tinh thần chiến đấu ngoan cường và gan dạ của đồng chí Lê Chắc, bà con nhân dân trong vùng đã đấu tranh không cho kẻ địch mang xác đồng chí về quận lỵ Phú Lộc.
3. Tôi đã nhiều lần có dịp ghé lên Cao Đôi Ấp và được nghe kể về những hoạt động “xuất quỷ nhập thần” của những đồng chí đảng viên trong chi bộ và cái chết anh hùng của người đảng viên Lê Chắc. Tôi được biết, chính từ nhiều nguồn tin do các đảng viên trong chi bộ cung cấp, lực lượng cách mạng ở Dinh Lộc nói riêng và huyện Phú Lộc tổ chức được nhiều trận đánh tập kích và triển khai được hoạt động diệt ác trừ gian, tạo được tiếng vang lớn ở khu vực Bạch Mã - Cầu Hai trong thập niên 60.
Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi muốn kể về trường hợp ra đời và những đóng góp của chi bộ được biết đến với tên gọi Chi bộ Cao Đôi Ấp. Những hiểu biết của tôi vẫn còn sơ sài và chưa có được cái nhìn thật toàn diện nhưng có thể nói, chi bộ này xứng đáng được tri ân và là nét son lưu lại trong lịch sử đấu cách mạng của Nhân dân Phú Lộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đan Duy