ClockThứ Sáu, 16/09/2016 09:28

Đại biểu Quốc hội: Sao chúng ta chưa quản lý tốt nhà công vụ, xe công?

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: “Chính sách có rồi, nhưng sao chúng ta vẫn chưa chưa quản lý tốt nhà công vụ, xe công”.

Chiều 15/9, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự thảo luật lần này sẽ điều chỉnh thẩm quyền quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, xe ô tô công từ Thủ tướng Chính phủ sang Chính phủ để nâng cao hiệu lực pháp lý và thực thi trong thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng 

Đồng thời dự thảo cũng bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công. Hướng sửa đổi cũng nhằm điều chỉnh chế độ quản lý, sử dụng tài sản là bất động sản đã giao cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp từ cơ chế áp dụng như cơ quan nhà nước theo Luật hiện hành sang cơ chế cho phép tổ chức được khai thác bất động sản đã được Nhà nước giao theo hình thức kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết gắn với các điều kiện ràng buộc cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản.

Trong phần thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề: “Chính sách có rồi, nhưng sao chúng ta vẫn chưa chưa quản lý tốt nhà công vụ, xe công” và đề nghị, báo cáo của Chính phủ nên tổng hợp ý kiến đầy đủ từ các bộ, ngành, cơ quan sử dụng tài sản công để mang tính phổ quát, phản ánh đúng tình hình thực tế.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng dẫn báo cáo về sử dụng xe công cho thấy, tình hình quản lý sử dụng xe công sai mục đích đã giảm nhiều nhưng số lượng xe công vẫn còn lớn; vẫn còn tình trạng sử dụng xe quá niên hạn. Ngoài ra Bộ Tài chính cần làm rõ chi phí sửa xe cũ hàng năm là bao nhiêu vì dư luận cho rằng rất lớn.

Theo bà Nga, nhiều nước đang áp dụng phổ biến hình thức khoán xe công, nhưng Việt Nam vẫn chưa chuyển đổi mạnh mẽ. Do đó, cần giải trình rõ hơn việc sử dụng nhà công vụ và xe công vừa rồi vướng gì mà dù đã đưa nhiều chính sách nhưng không thực hiện được.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, chi phí cho xe cũ lớn vì xe cũ tiêu hao nhiều nhiên liệu và sửa chữa. Do vậy phải tổ chức đánh giá hàng năm cho các loại xe.

“Cái chưa tốt là thất thoát, lãng phí lớn, còn tồn tại trên nhiều phương diện. Quốc hội đã nói nhiều về chuyện nhà, xe công, trụ sở, nhưng còn tồn tại là do chúng ta làm chưa tốt” – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh và cho rằng luật này nếu làm tốt sẽ không có chuyện trả xe sớm, cũng không có chuyện 10 năm không chịu trả nhà công vụ.

Ông Việt cũng lo ngại luật này sẽ xung đột với các luật chuyên ngành khác. Ví dụ Trung tâm hành chính Đà Nẵng giả sử không dùng được chuyển đi chỗ khác thì đúng sai về việc này lại được chi phối bởi Luật Xây dựng, như vậy trong trường hợp này thì Luật quản lý sử dụng tài sản nhà nước lại không tác dụng.

Trả lời câu hỏi của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và một số đại biểu về biển số xe số đẹp, các loại phần mềm có được coi là tài sản công hay không, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói: Tài sản phần mềm và biển số xe nếu biết khai thác quản lý tốt, đem đấu giá góp phần tăng thu ngân sách là tốt. Về mặt chi tiết thì như thế, nhưng để cụ thể hóa vào luật thì sẽ phải bàn tính thêm.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên

Sáng 25/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dự và chỉ đạo hội nghị.

Kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên
Return to top