|
Điểm cầu Thừa Thiên Huế tại UBND tỉnh |
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành trên toàn quốc. Tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương.
Theo báo cáo tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 - 2023 của Bộ GD&ĐT, hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đã có những bước phát triển đáng kể nhờ vào sự quan tâm và đầu tư từ Chính phủ, Bộ GD&ĐT cùng sự tham gia mạnh mẽ của các địa phương và các bộ, ngành.
Việc xã hội hóa trong giáo dục đóng vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc kiên cố hóa trường, lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. 10 năm qua, khoảng 36.000 phòng học, 1.300 phòng công vụ cho giáo viên được đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Tổng kinh phí xã hội hóa để đầu tư kiên cố hóa, xây dựng phòng học, phòng công vụ cho giáo viên ước khoảng 33.000 tỷ đồng.
Tại Thừa Thiên Huế, đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đã được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh. Đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt việc bố trí, huy động vốn tham gia thực hiện và hoàn thành cơ bản các công trình đầu tư, góp phần mang lại hiệu quả trong phát triển sự nghiệp giáo dục ở địa phương. Giai đoạn 2013 - 2023, có 6 dự án được cấp phép và hoạt động với tổng kinh phí đầu tư trên 799 tỷ đồng. Diện tích đất đã bố trí cho các cơ sở giáo dục từ nguồn xã hội hóa là 212.591m2.
Tại hội nghị, các đại biểu chỉ ra những khó khăn, tồn tại trong công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên, như hoạt động tuyên truyền về xã hội hóa giáo dục chưa được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả. Mặc dù đã có những chủ trương và chính sách cụ thể, việc phát động các phong trào xã hội hóa tại nhiều địa phương vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực sự tạo ra sự đồng thuận và hưởng ứng từ mọi tầng lớp xã hội. Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục chưa được thực hiện một cách đồng bộ, vẫn còn tồn tại nhiều điểm trường lẻ, quy mô nhỏ lẻ gây khó khăn trong việc quản lý và sử dụng nguồn lực...
Hội nghị đưa ra những giải pháp, kiến nghị, đề xuất như chỉ đạo cắt giảm các thủ tục hành chính liên quan đến việc tiếp cận quỹ đất và các ưu đãi về thuế, tín dụng cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Cần có các chính sách miễn giảm chi phí sử dụng đất, tiền thuê đất và các thủ tục pháp lý khác để hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục tại các khu vực có điều kiện phát triển mạnh; có chính sách hấp dẫn về thuế cho các doanh nghiệp khi tham gia hỗ trợ, xã hội hóa cho giáo dục.
Hội nghị cũng đề xuất tăng cường phân bổ ngân sách cho các vùng sâu, vùng xa và các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, đảm bảo việc kiên cố hóa trường lớp, học và nhà công vụ cho giáo viên. Đồng thời, xây dựng và ban hành các chính sách rõ ràng hơn về mô hình hợp tác công tư trong giáo dục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đầu tư vào xây dựng và quản lý trường học.