ClockThứ Năm, 12/12/2019 06:00

Đẩy lùi thói xu nịnh, lành mạnh hoạt động công vụ

TTH - Với sự vào cuộc của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, chúng ta đã quyết liệt đấu tranh có hiệu quả với những căn bệnh tiêu cực trong cán bộ, đảng viên. Thế nhưng, có một loại bệnh chưa được nhận diện đầy đủ và đấu tranh đẩy lùi. Đó là bệnh nịnh bợ hay thói xu nịnh.

Không lạm dụng “rút kinh nghiệm” trong xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên sai phạmChống chạy chức, chạy quyền sẽ hiệu quả hơn

Nịnh bợ - môi trường thuận lợi cho tiêu cực

Nịnh bợ, thói xu nịnh là cách lấy lòng, nhằm mục đích mưu cầu quyền lợi ích kỷ cho cá nhân. Thói xu nịnh không phải là mới mà đã có từ xa xưa. Ông cha ta đã đúc kết: “Mật ngọt chết ruồi” để  nhắn nhủ nhân gian nên tránh xa những kẻ xu nịnh.

Chu Văn An là bậc đại nhân triều nhà Trần  (thế kỷ XIV). Ông là người minh triết, cương nghị, thẳng thắn, không cầu lợi. Nhận thấy quần thần dưới thời vua Trần Dụ Tông làm nhiều điều vô đạo, được vua tin cẩn, đã dâng “Thất trảm sớ” xin chém 7 tên nịnh thần nhưng không được chấp thuận nên cáo quan về ở ẩn. Đặc biệt nguy hiểm là xu nịnh tất yếu sẽ dẫn đến khuynh đảo xã hội, làm hư hỏng lãnh đạo, gây suy thoái dẫn đến làm suy vong chế độ.

Trong cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc”, Bác Hồ đã chỉ ra nhiều khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, trong đó có “bệnh xu nịnh, a dua”. Bác đã cảnh báo: Mắc căn bệnh đó sẽ làm hư hỏng cán bộ, ảnh hưởng đến sự nghiệp chung.

Nịnh bợ có nhiều cách thức, hình hài khác nhau được biến tướng thành những biểu hiện ngày càng đa dạng, tinh vi. Trước đây, xu nịnh chủ yếu bằng kiểu luồn cúi, nói lời “có cánh”, nhưng hiện nay nịnh còn bằng cả khen quá lời, cung phụng cấp trên một cách quá mức. Không chỉ nịnh cấp trên mà còn nịnh cả vợ con, gia đình, bắc cầu nịnh cả họ hàng của lãnh đạo. Không chỉ bằng lời nói suông mà còn cả những món quà mà thủ trưởng và người nhà đang cần, có khi là  những cái phong bì thay cho lời muốn nói. Thông thường cấp dưới nịnh cấp trên, nhân viên nịnh thủ trưởng, nhưng bây giờ có lúc cấp trên lại nịnh cấp dưới, nhất là vào thời điểm bình xét thi đua, bỏ phiếu tín nhiệm, bầu cử…

Căn bệnh nịnh bợ đã tạo thói quen cho một số lãnh đạo thích được nịnh. Nghe khen tưởng rằng đó là sự thật nên tỏ ra kiêu ngạo, tự mãn, ngỡ là người tài ba, xuất chúng, ảo tưởng về hào quang của bản thân. Hệ quả là say sưa với cảm giác bề trên nên sinh ra mất tỉnh táo, thiếu bản lĩnh, không đánh giá đúng thực chất cán bộ dưới quyền. Người nịnh chỉ quen nói lời có cánh mà quên mất tính phản biện, bình luận đúng - sai cần có của cán bộ. Cấp trên giao việc chỉ biết chấp hành, tuân thủ mà không dám có ý kiến ngược lại hoặc đề xuất khả thi hơn. Việc đơn giản, ở cấp thấp đã khó chấp nhận, nhưng ở cấp cao, tầm chiến lược nếu kéo dài kiểu như vậy sẽ nguy hại khó lường cho nền công vụ quốc gia.

Bệnh nịnh được len lỏi nhiều nhất trong công tác tổ chức, nhất là trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Cấp trên thích nghe nịnh đã say sưa với “lời ngon ngọt” sinh ra xao lòng, thiếu tỉnh táo, thiên vị, tạo điều kiện cho kẻ xu nịnh nhanh chóng được cất nhắc, thăng tiến. Kẻ nịnh và người được nịnh hình thành “cặp bài trùng” dẫn đến phe phái, cục bộ, lợi ích nhóm. Họ  sẽ bất chấp tất cả miễn là có lợi cục bộ cho phe nhóm của mình. Đây chính là môi trường thuận lợi cho tiêu cực, tham nhũng nảy nở, làm tha hóa, biến chất cán bộ trong những bộ phận đã bị bệnh xu nịnh phong tỏa. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân của mất đoàn kết trong nhiều tổ chức như đã từng diễn ra.

Sự nguy hại và hậu quả của bệnh nịnh là đáng sợ nhưng chúng ta chưa nhận diện đầy đủ, đấu tranh chống lại một cách tích cực. Vấn đề đặt ra là biểu hiện này không vi phạm pháp luật, chưa có chế tài xử lý mang tính định lượng, nhưng để tồn tại dai dẳng trong bộ máy là không thể chấp nhận.

Từng bước đấu tranh loại trừ vấn nạn xu nịnh

Trong cuộc họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch”.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 1487/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, trong đó quy định: "Công chức, viên chức không nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng". Sắp tới, một số vấn đề trong đề án sẽ được luật hóa vào  Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức như Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Khi các bộ quy tắc ứng xử, quy định, chế tài được vận hành đầy đủ sẽ là tiêu chí cần thiết tạo ra môi trường lành mạnh, dần dần triệt tiêu thói xu nịnh.

Phê bình, tự phê bình là vũ khí sắc bén trong Đảng, nhưng do không được kiểm soát chặt chẽ nên phê bình một phần đã chuyển thành xu nịnh, làm biến dạng, vô hiệu hóa nguyên tắc đó. Cần thiết phải có nhận thức đúng, vận hành cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, từng bước đấu tranh loại trừ vấn nạn xu nịnh, lành mạnh hóa hoạt động công vụ.

NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảng viên phải nói "không" với vi phạm pháp luật

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án 07-ĐA/TU, ngày 1/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát (KTGS), thi hành kỷ luật Đảng trong Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2026, ủy ban kiểm tra (UBKT) các huyện ủy, thị ủy, Thành ủy Huế thông tin: Thời gian qua, tình trạng các cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật đang có chiều hướng tăng; đặc biệt là tình trạng vi phạm về quy định nồng độ cồn (NĐC).

Đảng viên phải nói không với vi phạm pháp luật
Hương Thủy:
24 đảng viên nhận Huy hiệu Đảng

Nhân kỷ niệm 107 năm Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (7/11/1917-7/11/2024), chiều 6/11, Thị ủy Hương Thủy tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng cho các đảng viên ở các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng bộ thị xã.

24 đảng viên nhận Huy hiệu Đảng
Return to top