Thấu hiểu doanh nghiệp
Khó khăn chung mà các doanh nghiệp thường gặp là tiếp cận nguồn vốn vay. Do vậy, thường xuyên nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để có giải pháp, chỉ đạo, đề xuất hướng giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là vấn đề đặt ra đối với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm hiện nay. Chẳng hạn, khó khăn đối với Công ty CP Xây dựng Giao thông là vốn đầu tư cho cửa hàng xăng dầu tại ngã ba An Lỗ (cạnh chợ An Lỗ). Tuy đã hoàn tất các thủ tục nhưng do khó về nguồn vốn đầu tư nên dẫn đến chậm trong hoạt động kinh doanh.
|
Sản xuất tại Công ty CP Dệt may Huế
|
Hay như ở Viễn thông Thừa Thiên Huế (VNPT), việc dịch chuyển di dời hệ thống hạ tầng viễn thông phục vụ quá trình mở rộng QL1A tiêu tốn kinh phí 10 tỷ đồng; cần kinh phí để tiến hành di dời đồng bộ hệ thống hạ tầng viễn thông. Công ty TNHHNNMTV Xây dựng và cấp nước Thừa Thiên Huế thì gặp khó khăn bởi lãi suất cao, nguồn vốn đầu tư lớn...
Trên đây chỉ là những khó khăn điển hình, mà các doanh nghiệp trên địa bàn gặp phải; vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khác nữa, như vấn đề giải quyết tình trạng dôi dư lao động ở Cty TNHH Bia Huế; việc xử lý các vấn đề liên quan đến phần giá trị vượt tổng mức đầu tư của các công trình xây dựng theo Nghị định số 83 năm 2009 của Chính phủ đối với Công ty CP Xây lắp Thừa Thiên Huế; khó khăn về nguồn nguyên liệu và quá trình cổ phần hóa ở Công ty TNHH NN MTV Khoáng sản Thừa Thiên Huế.
Cùng gỡ khó
6 tháng đầu năm 2014, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp trong tỉnh, cùng nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trong khối góp phần cùng với các ngân hàng khác trên địa bàn tỉnh huy động nguồn vốn đạt 21.330 tỷ đồng (tăng 8,6% so với cùng kỳ), với tổng dư nợ cho vay ước đạt 18.100 tỷ đồng (tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái)...
|
Mới đây, qua hội thảo, tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp liên quan đến quan hệ tín dụng với ngân hàng”, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp cũng như các sở, ban, ngành liên quan đã “nhận diện” các khó khăn của doanh nghiệp. Từ đó, cùng doanh nghiệp đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực đối với từng nhóm doanh nghiệp đang gặp phải những khó khăn, nhất là hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đi đến thỏa thuận “Ký kết hỗ trợ vốn vay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Tạ Hiền, nguyên Giám đốc VietinBank Thừa Thiên Huế cho biết: VietinBank đã tiên phong ký kết thỏa thuận cấp giới hạn tín dụng giữa Chi nhánh Thừa Thiên Huế với 2 Công ty CP Thiên An Phú và Thiên An Thịnh, tổng trị giá hơn 100 tỷ đồng. Ngoài ra, VietinBank Thừa Thiên Huế cũng đã ký kết hợp đồng hợp tác toàn diện với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Điều này khẳng định, ngân hàng đã “đồng hành gỡ khó” cho doanh nghiệp.
Dưới sự lãnh, chỉ đạo, động viên kịp thời của tổ chức Đảng, nhiều doanh nghiệp nỗ lực phấn đấu vươn lên trong sản xuất, kinh doanh. Trong số 43/50 doanh nghiệp của tỉnh, có 13 doanh nghiệp kinh doanh tăng trưởng; 22 doanh nghiệp duy trì hoạt động. Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dệt - May Huế, Hồ Văn Diện cho biết: “Nhờ linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, nên từ đầu năm đến nay, nhiều chỉ số sản xuất kinh doanh đều đạt và tăng. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 293 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ, (đạt 52,5% kế hoạch năm); doanh thu đạt hơn 671 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ, (đạt 46,3% kế hoạch năm)”.
Nhiều doanh nghiệp như Viễn thông Thừa Thiên Huế; Công ty TNHH NNM TV Đầu tư Du lịch; Công ty TNHHNNMTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế; Công ty TNHHNNMTV Khoáng sản Thừa Thiên Huế; Công ty CP Long Thọ... tiếp tục đạt doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập đầu người ổn định, đạt chỉ tiêu đề ra.