Hàng giả, hàng nhái hiện có mặt khắp mọi nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, từ quầy hàng xén đến các cửa hàng lớn sang trọng. Các loại hàng giả cũng đa dạng không kém, từ hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá đến các loại máy móc, thiết bị, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, tiền mặt. Thậm chí, đến cả “tem chống hàng giả” cho các sản phẩm thật cũng đã bị làm giả. Nguy hại hơn, vì lợi nhuận, gian thương bất chấp cả sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính đến tháng 10-2014, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện gần 120 nghìn lượt kiểm tra (tăng khoảng 10 nghìn lượt so với cùng kỳ năm 2013), trong đó đã xử lý gần 64 nghìn vi phạm, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2013; xử phạt vi phạm hành chính hơn 187 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ; trị giá hàng tịch thu chưa bán khoảng 140 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy khoảng 40 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2013. Tại Thừa Thiên Huế, hàng lậu, hàng giả theo nhiều con đường tuồn về, từ trong phía nam ra, phía bắc chuyển vào, từ Lào sang và cả sản xuất tại chỗ. Trong 6 tháng đầu năm 2014, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 3.611 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử phạt vi phạm hành chính hơn 2 tỷ đồng, tiền bán hàng tịch thu 2,8 tỷ đồng, truy thu thuế hơn 20 tỷ đồng…
Nguyên nhân hàng giả, hàng nhái lộng hành có nhiều, nhưng chủ yếu do một số doanh nghiệp và người dân vì lợi nhuận nên tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh, vận chuyển tiêu thụ; không ít người tiêu dùng còn thiếu thông tin và ham rẻ; hệ thống văn bản pháp lý còn nhiều “lỗ hổng”, nhất là cơ chế xử lý vi phạm không đủ sức răn đe. Ở một số địa bàn nóng chính quyền địa phương còn buông lỏng quản lý, chưa thực sự quyết liệt với công tác đấu tranh với buôn lậu, hàng giả, hàng nhái.
Trước nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi và lộng hành, để ngăn chặn không thể giao khoán cho lực lượng quản lý thị trường hay để doanh nghiệp đơn độc hoặc yêu cầu người dân phải là “người tiêu dùng thông thái”, mà cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị lẫn nhà sản xuất, người tiêu dùng. Trong đó, các cơ quan chức năng phải khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật, kiên quyết xử lý những cán bộ bộ thoái hoá biến chất bao che, tiếp tay cho những kẻ làm ăn bất chính, tăng cường tuyên truyền đến người tiêu dùng. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước phải chủ động hơn nữa trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình. Một kinh nghiệm luôn mang lại hiệu quả cao cần được phát huy là dựa vào dân để phát hiện, ngặn chặn những kẻ sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái.