Cán bộ Hội CCB ĐH Huế hướng dẫn người dân A Lưới kỹ thuật trồng cỏ phục vụ chăn nuôi
Hiệu quả từ một mô hình
Chị Bình có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng mất sớm, con bị di chứng do chất độc da cam. Từ ngày được hỗ trợ làm chuồng nuôi bò và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, công việc của chị Bình đỡ vất vả hơn. Hiện gia đình chị có 3 con bò.
Gia đình chị Bình là một trong rất nhiều trường hợp được hưởng lợi từ chương trình cải thiện đời sống của các nạn nhân chất độc da cam huyện A Lưới qua việc nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò và heo do Hội CCB ĐH Huế (trực tiếp là CCB Trường ĐH Nông lâm) phối hợp với Quỹ Những trái tim Huế cùng các đơn vị tài trợ thực hiện.
Ông Nguyễn Xuân Bả, Chủ tịch Hội CCB ĐH Huế cho biết, người dân nuôi bò chủ yếu chăn thả tự do, không chuồng trại, không sử dụng thức ăn bổ sung; việc nuôi dưỡng, phòng bệnh kém dẫn đến hiệu quả chăn nuôi thấp. “A Lưới có nhiều gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của chất độc dioxin trong chiến tranh. Tìm mô hình sản xuất, chăn nuôi phù hợp để giúp họ cải thiện sinh kế là điều chúng tôi luôn trăn trở. Khi thấy nhiều gia đình nơi đây có sẵn nghề chăn nuôi nhưng hiệu quả thấp, chúng tôi đã nghiên cứu và giúp đỡ những cái họ còn thiếu như giống tốt, kỹ thuật chăn nuôi…”, ông Bả nhấn mạnh.
Chương trình được triển khai chính thức năm 2013, cho hơn 130 hộ gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam ở các xã Hồng Trung, Hồng Kim, Hồng Quảng, Hồng Thượng và A Ngo (A Lưới). Người nuôi được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn và hỗ trợ vật liệu xây dựng chuồng trại, hỗ trợ vắc xin, cung cấp cỏ giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. “Sau khi triển khai chương trình này, 100% bò của các hộ nuôi không bị chết, giúp các hộ có thêm thu nhập đáng kể, có hộ có thu nhập 50 – 70 triệu đồng/năm từ việc nuôi bò”, ông Bả thông tin.
Anh Trương Trọng Khánh, Chủ tịch Quỹ Những trái tim Huế (đơn vị thường xuyên phối hợp CCB ĐH Huế trong các hoạt động xã hội) khẳng định, hiệu quả rõ nhất từ chương trình là đến nay người dân vẫn duy trì, phát triển tốt việc chăn nuôi, cải thiện được thu nhập. Mô hình đã được Trung tâm Khuyến nông huyện và nhiều đơn vị vận dụng để nhân rộng ở các địa phương khác.
Lấy kinh nghiệm để phát triển hoạt động
Ngoài mô hình trên, Hội CCB ĐH Huế còn triển khai nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa khác, như: hỗ trợ mô hình sản xuất (nuôi gà, vịt, chim cút...) để cải thiện bữa ăn cho các bệnh nhân mắc bệnh tâm thần ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh; hỗ trợ mô hình sản xuất và tạo việc làm cho các bệnh nhân mắc bệnh tâm thần tái hòa nhập cộng đồng ở các huyện, thị xã, nhiều nhất là thị xã Hương Trà (30 hộ); khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con vùng sâu, vùng xa; xây nhà tình nghĩa cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và CCB… Ông Bùi Như Ý, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh đánh giá, đây là các mô hình có hiệu quả, phù hợp, giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống.
Theo ông Nguyễn Xuân Bả, Hội CCB ĐH Huế đã phát huy được trí tuệ nguồn nhân lực giàu chuyên môn từ tăng cường mối quan hệ của các hội viên hiện đang công tác ở các Hội CCB các trường thành viên (Nông lâm, Y Dược, Kinh tế…). Ngoài công tác vận động, các hội viên tham gia các hoạt động hỗ trợ người dân và theo dõi, giám sát nên các chương trình mang lại tính hiệu cao.
Tại mô hình hỗ trợ sản xuất, giúp bệnh nhân tái hòa nhập cộng đồng ở Hương Trà, quá trình triển khai, cán bộ hội có kinh nghiệm chăn nuôi thú y thường xuyên đến nhà người dân trao đổi kỹ thuật, theo dõi tình hình dịch bệnh và động viên người chăn nuôi. Cách làm này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn tạo niềm vui, giúp tinh thần họ ổn định.
Đại diện Hội CCB nhiều trường thành viên cho biết, từ những mô hình hiệu quả, các chương trình hiện đang triển khai đã lan tỏa tới nhiều tổ chức, cá nhân và nhiều đơn vị đã liên hệ để tiếp tục có những nguồn hỗ trợ, giúp đỡ nhằm phát triển, nhân rộng.
Bài, ảnh: Hữu Phúc