Các đảng viên xuất sắc tiêu biểu của Đảng ủy Khối Cơ quan & Doanh nghiệp giao lưu tại lễ tuyên dương
Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết cũng nêu rõ: Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa phải xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.
Xây dựng văn hóa trong Đảng, trong bộ máy nhà nước phải bắt đầu từ đâu? Có rất nhiều ý kiến, nhiều “xuất phát điểm”. Đó là phải xây dựng từ tư tưởng, từ sự kiên định quan điểm lập trường, lý tưởng cách mạng, từ tư cách đạo đức, từ lối sống của các đảng viên… Tất cả đều cần thiết và cấp thiết, tuy nhiên, đề cập cùng lúc nhiều tiêu chí, với không ít đảng viên sẽ không khỏi thấy “choáng ngợp” và quá “vĩ mô”. Vậy thì, nên chăng cần khu trú lại với một vài tiêu chí dễ hình dung, dễ hiểu để mọi đảng viên lưu tâm và cùng nhau giám sát thực hiện. Theo thiển ý của chúng tôi, có lẽ nên khởi đi từ sự giữ gìn phẩm chất đạo đức, và sự gương mẫu đi đầu của người đảng viên - Những tiêu chí gần gũi, dễ nhớ nhưng lại bao trùm và hết sức trọng yếu.
Phẩm chất đạo đức của người đảng viên trước hết là sự trung thành. Trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với sự nghiệp cách mạng mà bản thân người đảng viên đã long trọng tuyên thệ dưới cờ Tổ quốc, cờ Đảng và chân dung lãnh tụ trong ngày kết nạp. Người đảng viên phải hơn quần chúng ở chỗ luôn biết khiêm cung cầu thị, ham học hỏi để không ngừng trau dồi kiến thức và kỹ năng công tác chứ không phải hơn ở chỗ chức quyền và bổng lộc. Người đảng viên phải sống chuẩn mực với thuần phong mỹ tục của dân tộc, luôn tự dặn mình tránh xa thói hợm hĩnh, xa hoa lãng phí, bê tha trụy lạc. Người đảng viên còn phải là người luôn giữ gìn kỷ cương kỷ luật, có tinh thần thượng tôn pháp luật, đồng thời vận động người thân và những người chung quanh cùng có ý thức tự giác tôn trọng và chấp hành luật pháp.
Tiếp nữa là sự gương mẫu đi đầu. Đảng lãnh đạo, dẫn dắt quần chúng không chỉ bằng cương lĩnh, nghị quyết, bằng chủ trương đường lối mà bằng cả hành động, việc làm cụ thể từ mỗi đảng viên. Nói phải đi đôi với làm; nói ít, làm nhiều, làm hiệu quả. Người đảng viên không ngại khó, không ngại khổ, không ngại hy sinh, luôn tiên phong đi đầu trong mọi công việc, trong mọi phong trào. Chính sự gương mẫu đi đầu ấy mới là sự cổ vũ mạnh mẽ nhất, cụ thể và truyền cảm hứng nhất để quần chúng nhân dân tin yêu, thán phục, hưởng ứng noi theo, đưa mọi phong trào, mọi cuộc cách mạng đi đến bến bờ thắng lợi. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Hồ Chủ tịch kính yêu đã dạy chúng ta một cách dân dã và dễ hiểu như thế.
Ngày nay trong hòa bình, trong thời kỳ đổi mới và xây dựng XHCN, sự nêu gương của cán bộ đảng viên không hề giảm đi mà ngược lại càng được đặt ra cấp thiết hơn nữa. Trong bối cảnh xã hội đầy rẫy cạm bẫy của cám dỗ vật chất, của những “viên đạn bọc đường”, sự gương mẫu và trách nhiệm nêu gương của người cán bộ đảng viên càng đứng trước thử thách “nghiệt ngã” hơn. Bối ảnh ấy đòi hỏi mỗi một cán bộ đảng viên phải luôn biết tự trọng, luôn biết “tự soi”, “tự sửa”, tự nhắc nhở bản thân sống xứng đáng, không hổ thẹn với danh hiệu người đảng viên Đảng CSVN.
Sống tử tế, trọng danh dự và đạo đức, luôn thực lòng gương mẫu tiên phong trong mọi công tác được giao, làm việc một cách có trách nhiệm và hiệu quả, chỉ cần như vậy thôi, thiển nghĩ đó chính là văn hóa của người cán bộ đảng viên. Đất nước hơn 5 triệu đảng viên, hơn 5 triệu người đều gương mẫu đi đầu, phẩm cách trong sáng như thế, sẽ là hơn 5 triệu hạt nhân quý và đầy sức mạnh để đưa đất nước sớm cập bến bờ khát vọng mà toàn Đảng, toàn dân đang hướng đến, bến bờ của “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Bài, ảnh: Hiền An