Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng ta phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thực sự là đạo đức là văn minh...” tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sáng 9/12/2021. Ảnh: TTXVN
Nhiệm vụ luôn được coi trọng
Sứ mệnh lịch sử, địa vị lãnh đạo của Đảng yêu cầu sự cần thiết phải có một tổ chức Đảng vững mạnh. Từ năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm Tự chỉ trích, xác định mục tiêu, phương châm: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch ra lỗi lầm của mình và tìm phương pháp sửa chữa, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không làm yếu Đảng và làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ” [1].
Ngay từ những ngày đầu xây dựng chính quyền nhân dân sau khi giành lại được độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời chấn chỉnh những khuyết điểm của một số cán bộ, đảng viên vừa mới có chút chức quyền trong tay. Trong "Thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng", ngày 17/10/1945, Người đã nghiêm khắc phê phán, ngăn đe, cảnh báo một số căn bệnh của một số đồng chí nắm chức vụ quyền hạn trong bộ máy chính quyền như: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo… Tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh (với bút danh X.Y.Z) viết tác phẩm nổi tiếng "Sửa đổi lối làm việc", được ví như “cẩm nang” về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cũng trong tác phẩm này lần đầu tiên Người sử dụng từ “chỉnh đốn Đảng”.
Trong Di chúc để lại cho chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trước hết nói về Đảng”. Người yêu cầu về xây dựng Đảng phải tập trung vào ba nội dung lớn: Phải tăng cường đoàn kết, tính thống nhất trong Đảng - giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm túc, tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”; Hết sức coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân và những tiêu cực, thoái hóa trong Đảng.
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng bằng những giải pháp quyết liệt
Từ các Đại hội Đảng XI, XII đến Đại hội Đảng XIII, Đảng đã đẩy mạnh hơn nữa công tác tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng bằng những giải pháp quyết liệt. Hai Hội nghị Trung ương 4 của khóa XI và khóa XII đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, đã thể hiện quyết tâm cao của Đảng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sự nghiêm khắc, nghiêm minh của Đảng khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng như sự quyết liệt, đồng bộ trong các chủ trương thể hiện rất rõ quyết tâm và bản lĩnh của Đảng ta khi quyết loại bỏ những “ung nhọt” để giữ lấy niềm tin của Nhân dân với Đảng.
Đại hội Đảng XIII yêu cầu: “Trong những năm tới, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết quan trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, nhấn mạnh: “Chúng ta đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam; Đảng ra đời, tồn tại và phát triển là vì lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc... Ý thức được nguy cơ đối với đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái hóa..., nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa... trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị”.
Mở rộng phạm vi, chủ động phòng ngừa
Khai mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải tích cực phòng ngừa và chủ động, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực...”.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII đã mở rộng phạm vi - không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... Quy định mới về những điều đảng viên không được làm là căn cứ, cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tổ chức ngày 9/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng ta phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thực sự “là đạo đức là văn minh”; chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức để lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn, trong đó có việc phát huy những tác động tích cực, khắc phục những tác động tiêu cực, mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế” [2].
Thực hiện quyết liệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng cùng với việc thực hiện nghiêm, có hiệu quả Quy định 37/TW về những điều đảng viên không được làm sẽ mang lại tác động tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn mới.
Ngô Vương Anh
[1] Trí Cường - Tự chỉ trích - Dẫn từ Nguyễn Văn Cừ Tiểu sử - Nxb CTQG, Hà Nội, 2007, tr. 165
[2] https://special.nhandan.vn/xaydung_Dang/index.html