Hội nghị Ban chấp hành Trung ương là sinh hoạt chính trị quan trọng của Đảng, mỗi hội nghị là một lần Trung ương tập trung trí tuệ, công sức, quyết định những vấn đề trọng yếu của Đảng, đất nước.
Hội nghị Trung ương 2: Nền tảng cho 5 năm bứt phá
Trung ương biểu quyết thông qua chương trình hội nghị. Ảnh: VGP
Trong diễn văn bế mạc hội nghị của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người dân được biết, Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội; cho ý kiến về báo cáo Bộ Chính trị để Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn; thông qua chương trình làm việc toàn khóa.
Số phiếu tập trung cao
Số phiếu tập trung cao là kết quả Trung ương bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Điều này cho thấy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, chu toàn trọng trách với Đảng, với dân. Khác biệt vốn là quy luật nhưng qua bàn bạc có sự đồng lòng.
Hội nghị Trung ương 2 thêm lần nữa khẳng định, sau Đại hội 13 là thời gian hành động để đưa nghị quyết của Đại hội đi vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo nền tảng cho 5 năm bứt phá. Những khó khăn đất nước đang phải đối mặt vì dịch bệnh do Covid-19, những thử thách đặt ra cho công cuộc chuyển đổi số, những khát vọng hùng cường sẽ được giải quyết.
Số phiếu tập trung cao còn thể hiện sự trung thành của Đảng với lợi ích dân tộc, kết quả sự đoàn kết trong Đảng trên nền tảng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thượng tôn luật pháp.
Mong có nhiều tư lệnh ngành xuất sắc
Sau hội nghị Trung ương 2, Quốc hội khóa 14 tiến hành kỳ họp thứ 11, dự kiến khai mạc ngày 24/3. Ban chấp hành Trung ương xem xét toàn diện vấn đề nhân sự đệ trình Quốc hội, người dân quyết định thông qua đại biểu của mình. Ý Đảng cao cả, lòng dân sẽ hài hòa.
Nhiệm kỳ qua, Chính phủ và Quốc hội đạt nhiều thành tựu quan trọng, tình hình trong nước ổn định, có mặt phát triển nổi trội; uy tín Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội sẽ tiếp tục bàn bạc kỹ lưỡng và trực tiếp bầu các chức danh chủ chốt: Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Ở những vị trí đó, cá nhân có vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi lòng dân cộng hưởng với ý Đảng, cái kết là, tư duy đột phá của cá nhân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Giữ cương vị Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội là những con người được đào tạo bài bản, trui rèn qua thực tiễn và trưởng thành, tiến cử theo quy trình chặt chẽ - nguồn lực tinh hoa kích hoạt mọi tiềm năng xây dựng Việt Nam phồn vinh.
Chính phủ mạnh khi và chỉ khi có nhiều tư lệnh ngành xuất sắc. Hiện, có tư lệnh ngành là ủy viên Trung ương, có vị không là ủy viên Trung ương; có vị đến tuổi vui thú điền viên và có vị chờ được phê chuẩn đảm đương trọng trách đầu ngành.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đâu là giải pháp cho nông nghiệp hiện đại? Bộ Công thương - chiến lược nào cho nền kinh tế số? Bộ Giáo dục Đào tạo - bước đi nào trong bối cảnh đổi mới vì sự nghiệp trăm năm? Văn phòng Chính phủ - quyết sách nào để đạt được Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động? Và, còn nhiều những đợi chờ từ các bộ, ngành khác.
Đại hội Đảng 13, hội nghị Trung ương lần thứ 2, kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa 14… Các sự kiện chính trị dồn dập diễn ra trong những tháng đầu năm nhằm mục tiêu duy nhất: chuẩn bị cho con thuyền cách mạng Việt Nam vượt sóng, đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới, 2021 - 2025.
Theo Vietnamnet