Là cơ quan tham mưu tổng hợp, Văn phòng cấp ủy phát triển những ý tưởng ban đầu của các đồng chí trong Thường vụ cấp ủy, xây dựng dần thành đề án thảo luận và quyết nghị trong cấp ủy để thành nghị quyết của cấp ủy.
Cả hai công việc trên, Văn phòng cấp ủy đều nắm chắc. Từ đó các cấp ủy dưới, các ban, ngành, đoàn thể liên quan đều nể trọng Văn phòng cấp ủy, tin cậy vào những thông tin của Văn phòng cấp ủy.
Hồi tôi công tác ở Văn phòng Khu ủy Trị Thiên Huế, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, Thừa Thiên và Thành ủy Huế mỗi lần lên báo cáo, làm việc với Thường vụ Khu ủy đều ghé qua chỗ chúng tôi. Các anh thân tình bảo: “Bọn bay nắm chắc tình hình, tao phải hỏi bọn bay thêm để báo cáo Thường vụ Khu ủy, nếu không các ông xoay tao cũng mệt”. Chúng tôi nắm sâu tình hình vì ngoài báo cáo của các tỉnh, huyện, chúng tôi còn nhận được báo cáo từ nhiều nguồn khác, kể cả thông tin mật...
Đầu tháng 3/1975, khi bắt đầu mở màn chiến dịch trong đêm đầu tiên, các đội công tác xã và lực lượng vũ trang của ta đã tấn công 36 phân chi khu quân sự của địch trên toàn Khu Trị Thiên Huế. Chúng tôi nhanh chóng thông báo cho các Tỉnh ủy, Thành ủy, có đồng chí hỏi lại: “Làm sao mà các anh nắm tình hình nhanh thế, ở đây chúng tôi theo dõi, mới nghe tiếng súng tấn công lác đác nơi này, nơi khác”. Sở dĩ chúng tôi nắm tình hình nhanh là nhờ có thông tin từ Quân khu Trị Thiên Huế và cả tin tức từ cơ sở nội tuyến (cơ sở ta trong hàng ngũ địch) báo ra.
Không chỉ trong chiến tranh chống Mỹ, mà cả khi hòa bình cũng vậy. Trong một cuộc họp Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, Văn phòng Tỉnh ủy báo cáo tình hình thiếu đói ở các xã biên giới. Các đồng chí Bí thư Huyện ủy ở miền núi cũng ngạc nhiên, phân vân hỏi lại: “Tại sao các đồng chí nắm được tình hình kỹ như vậy?”. Trước cuộc họp Tỉnh ủy, chúng tôi đã đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, xin các anh báo cáo của các đồn biên phòng về tình hình các nơi mà biên phòng đóng đồn. Các đồng chí đó nắm rất chắc dân tình ở xã mình đóng quân.
Là người giúp cấp ủy xây dựng các nghị quyết nên Văn phòng nắm chắc tư tưởng của nghị quyết. Các cấp ủy dưới, các ban, ngành, đoàn thể xung quanh thường dựa vào Văn phòng cấp ủy để hiểu sâu thêm nghị quyết.
Từ tình hình trên, các đồng chí công tác ở Văn phòng cấp ủy nếu không tăng cường rèn luyện, tự xác định trách nhiệm, vị trí công tác của mình thì sẽ mất dần đức tính khiêm tốn, dễ sinh ra kiêu ngạo, dần dần xa quần chúng, xa cơ sở, xa đồng chí, bạn bè, thoái hóa.
Nhiều đồng chí công tác ở Văn phòng cấp ủy trưởng thành nhanh và khi được chuyển sang công tác khác vẫn giữ đức tính khiêm tốn thì phát triển tốt.
Hồi ở Bình Trị Thiên, có một đồng chí học ở Trường Đảng rất giỏi. Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã xin Thường vụ Tỉnh ủy điều động về công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy. Công tác với chúng tôi một thời gian, đồng chí thấy cấp ủy dưới lên, các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đều nể trọng. Từ đó đồng chí tự cho mình là giỏi hơn người khác, sinh ra kiêu ngạo. Chi bộ nhiều lần phê bình, xây dựng, đồng chí vẫn không sửa chữa được. Chúng tôi đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy bố trí công tác khác cho đồng chí.
Có một trường hợp mà tôi cứ băn khoăn mãi. Một đồng chí tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp về công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy, được phân công làm chuyên viên theo dõi kinh tế nông nghiệp. Khiêm tốn học hỏi, đồng chí làm việc khá tốt, có nề nếp, có sáng tạo. Sau khi cân nhắc các mặt, do nhu cầu của một huyện và cũng để đồng chí có điều kiện phát triển, Thường vụ Tỉnh ủy điều động đồng chí về làm Phó Bí thư Huyện ủy.
Với thái độ khiêm tốn, năm đầu đồng chí làm việc khá tốt, được mọi người xung quanh nể trọng. Nhưng do rèn luyện không liên tục, bền bỉ đồng chí coi thường đồng chí Bí thư Huyện ủy, cho rằng đồng chí ấy không giỏi hơn mình, sinh ra kiêu ngạo, lủng củng nội bộ, từ đó không phát triển lên mà đi xuống.
Cùng với những công việc hàng ngày, quan hệ đối xử với các đồng chí trong Thường vụ cấp ủy là vấn đề rất lớn và phức tạp. Có đồng chí Bí thư cấp ủy hay nóng nảy. Cấp dưới lên báo cáo cũng bị đồng chí to tiếng, đi về cơ sở đi xuống cấp dưới đồng chí cũng mắng mỏ anh em. Từ sự nóng nảy đó mà có những quyết định những chủ trương có tính độc đoán, Văn phòng cấp ủy chúng tôi đã phải gian khổ dàn xếp.
Khiêm tốn là đức tính tốt, nhưng không phải nhịn nhục mà là tốt, mà phải biết can gián, can ngăn. Lúc công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, tôi đã phải mạnh dạn đương đầu nhiều chuyện. Có trường hợp đồng chí Phó Văn phòng Tỉnh ủy báo cáo tình hình có một điểm sai thực tế. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giận dữ tuyên bố ngay giữa cơ quan đình chỉ công tác đồng chí Phó Văn phòng. Đồng chí Phó Văn phòng lủi thủi ra về. Cả cơ quan nặng nề, im lặng chờ cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bớt giận, hôm sau trong giờ làm việc tôi thưa với đồng chí: “Hôm qua anh quyết định như vậy là sai. Sai ở hai điểm: Một là, cử một đồng chí làm Phó Văn phòng Tỉnh ủy là quyết định của tập thể Thường vụ Tỉnh ủy, nay một mình anh quyết định đình chỉ công tác Phó Văn phòng là không đúng nguyên tắc tổ chức. Hai là, nếu thông tin của đồng chí Phó Văn phòng sai, có tác hại to lớn thì trách nhiệm trước hết là tôi – Chánh Văn Phòng Tỉnh ủy”.
Đấu tranh vừa nhẹ nhàng, tôn trọng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhưng cũng phải kiên quyết và cả kiên cường nữa. Dần dần đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhận ra và bảo tôi gọi đồng chí Phó Văn phòng trở lại làm việc. Tôi cũng phải khó nhọc thuyết phục mới mời được đồng chí ấy về làm việc vui vẻ và dặn dò anh em cơ quan coi như không có việc gì xảy ra.
Can gián về các quyết định, các chủ trương sai, không thực tế, còn khó khăn hơn nhiều. Trong nhiều trường hợp chúng tôi phải kiên trì, bền bỉ.
Làm công tác ở Văn phòng cấp ủy khó thật - Nhưng với đức tính khiêm tốn, kiên trì, thì đều vượt qua được, phục vụ tốt sự lãnh đạo của cấp ủy.
Nếu kiêu ngạo, xen vào chút cá nhân chủ nghĩa thì không vượt qua được khó khăn. Bệnh kiêu ngạo phá hoại công tác xây dựng Đảng về nhiều mặt.