1. Thời kỳ sơ khai của loài người, do chưa có đồng tiền nên con người trao đổi sản vật theo kiểu hàng đổi hàng. Đó chính là tiền thân của kinh tế hàng hóa, giai đoạn đầu của KTTT sau này. Cho nên, không thể nói KTTT là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, mà đó là sự phát triển chung của nhân loại. Ở các thời kỳ trước còn manh nha, đơn giản thì đến chủ nghĩa tư bản đạt đến trình độ cao hơn. Điều đó khiến người ta nhầm tưởng KTTT là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản và cũng là cách để các thế lực chống đối tuyên truyền chống phá “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong phát triển kinh tế của chúng ta.
Kinh tế thị trường không phải chỉ có một mô hình duy nhất mà có nhiều hình thức được áp dụng ở các quốc gia khác nhau. Có 3 mô hình chủ yếu là: KTTT tự do, KTTT xã hội và KTTT XHCN. Đó là 3 mô hình đang bao trùm kinh tế thế giới hiện nay.
Đô thị Huế hướng đến mục tiêu “Xanh - sạch - sáng” (ảnh minh họa). Ảnh: Nguyễn Phong
KTTT tự do được áp dụng ở hầu hết các nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Mô hình này đề cao vai trò sở hữu tư nhân, tự do cạnh tranh và tự do cá nhân. Phát triển kinh tế chủ yếu do tư nhân điều hành dưới sự điều tiết của “bàn tay vô hình”, tự do cạnh tranh, quy luật cung cầu, giá trị thặng dư. Nhà nước với chức năng chính là bảo hộ sở hữu tư nhân, quản lý vĩ mô, tạo điều kiện cho nền kinh tế vận hành thuận lợi.
KTTT xã hội áp dụng ở các nước Bắc Âu như: Thụy Điển, Phần Lan, Na-Uy, Đức và mức độ tương tự áp dụng ở Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Bỉ. Về cơ bản đó là một nền KTTT đầy đủ, nhưng có đặc điểm nổi bật về công bằng xã hội, phúc lợi cho người nghèo, người lao động. Đảm bảo cân bằng giữa phát triển kinh tế với chế độ phúc lợi xã hội cho số đông dân chúng, xem đó là một trong những mục tiêu chính.
Mô hình KTTT XHCN được hình thành ở Việt Nam và Trung Quốc. Chúng ta khác Trung Quốc là có gắn thêm “định hướng”, Trung Quốc chỉ là “KTTT xã hội chủ nghĩa”. Mô hình này một mặt thực hiện đầy đủ KTTT, mặt khác gắn kinh tế với thực hiện phúc lợi, an sinh xã hội, tạo mức cân bằng giữa kinh tế và dân sinh.
2. Do thiếu hiểu biết và sự tuyên truyền chống phá của thế lực thù địch nên một bộ phận cán bộ, người dân coi KTTT định hướng XHCN là sai lầm về đường lối. Cho rằng KTTT là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, Việt Nam áp dụng là phát triển theo con đường tư bản. Đường lối “định hướng xã hội chủ nghĩa” là khập khiễng, “đầu Ngô mình Sở”, không giống ai, chưa có tiền lệ sẽ dẫn đến ngõ cụt, thất bại…
Vậy tại sao chúng ta lại phải gắn thêm “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong nền KTTT? Trả lời vấn đề này có thể so sánh mô hình KTTT tự do ở Mỹ với KTTT xã hội ở các nước Bắc Âu. Mặc dù Mỹ có nền kinh tế giàu có nhất thế giới, nhưng mức sống dân chúng lại không bằng các nước Bắc Âu. Số người giàu nhất nước Mỹ chỉ chiếm 1% dân số nhưng lại sở hữu gần 90% tài sản toàn xã hội. Đã là tài sản cá nhân thì họ có quyền sở hữu, định đoạt, có chăng được phân phối lại cho xã hội bằng hình thức tài trợ, quỹ nhân đạo hay các khoản từ thiện xã hội… tùy tâm từng ông chủ. Pháp luật không thể bắt buộc phải chi phí cho xã hội ngoài khoản họ đóng góp bằng thuế cho nhà nước. Ngược lại, ở các nước Bắc Âu lại mở rộng phân phối lại cho những người thu nhập thấp, thất nghiệp và mở rộng phúc lợi xã hội. Đó chính là cái gốc của XHCN trong tương lai, vì công bằng, an sinh xã hội.
3. Muốn phát triển đất nước giàu mạnh cần phải trải qua giai đoạn phát triển KTTT, đó là tính tất yếu và phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới. Nước ta đi lên từ chế độ phong kiến, thuộc địa, trải qua hàng chục năm chiến tranh, cơ sở vật chất lạc hậu, không qua giai đoạn phát triển tư bản nhất thiết phải có mô hình đáp ứng nhu cầu vật chất rất lớn cho xã hội. Sự đổi mới tư duy kinh tế chuyển sang nền KTTT định hướng XHCN, xóa bỏ kế hoạch hóa tập trung bao cấp đã đạt được những thành tựu nổi bật. Mô hình này đã khẳng định tính đúng đắn đường lối phát triển nền KTTT có định hướng mà chúng ta đang áp dụng. Chỉ có như vậy mới thoát khỏi tình trạng lạc hậu, tạo điều kiện vật chất và tinh thần cho các mục tiêu xã hội và nhân đạo. Cho nên, khẳng định KTTT định hướng XHCN mà Đảng ta đã áp dụng là một sự đổi mới tư duy khoa học, được chứng minh qua những thành tựu vượt bật đã đạt được. Đây cũng là mô hình chưa có tiền lệ cần được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.
Nước ta chưa phát triển như các nước Bắc Âu, nhưng không thể chỉ lo làm giàu mà quên các vấn đề xã hội, nhân đạo. Nhà nước ta khuyến khích và tạo điều kiện cho tư nhân làm giàu hợp pháp, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Những đóng góp cho ngân sách và sự điều tiết của Nhà nước chính là góp phần cho phúc lợi xã hội, tăng ngân sách phục vụ cho xây dựng, bảo vệ đất nước. Tuy mới phát triển khoảng 30 năm trở lại đây nhưng đã tỏ rõ là một mô hình có sức sống mạnh mẽ, nhân văn cần tiếp tục hoàn thiện. Những gói an sinh chưa từng có, những chuyến bay nhân đạo chở công dân từ các vùng dich về nước điều trị như trong đại dịch COVID-19 vừa qua đã thể hiện rõ nhất về chính sách mang tính “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà Đảng ta đã vạch ra.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH