Cư dân thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (Quảng Điền) chủ yếu sinh sống bằng nghề sông nước, trình độ dân trí thấp… Để phát triển đảng viên, tiến tới thành lập chi bộ thôn là vấn đề trăn trở của Đảng ủy xã. Sau nhiều cuộc họp, Đảng ủy xã Quảng Lợi quyết định đưa đảng viên ở nơi khác về sinh hoạt tại thôn Ngư Mỹ Thạnh.
Phong trào Đoàn là môi trường thuận lợi giúp tổ chức Đảng phát hiện quần chúng ưu tú để kết nạp Đảng
“Năm 2007, tôi được phân công về thôn Ngư Mỹ Thạnh với nhiệm vụ phát hiện quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp Đảng, tiến tới thành lập chi bộ thôn. Sau một thời gian, có 2 quần chúng ưu tú trong thôn được phát hiện, bồi dưỡng và vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng" - ông Hà Bình, Bí thư Chi bộ thôn Ngư Mỹ Thạnh thông tin. Cũng theo ông Bình, kinh nghiệm để có nguồn giới thiệu cho tổ chức Đảng xem xét, kết nạp ở các địa bàn nông thôn là các cấp ủy Đảng phải tăng cường lãnh đạo Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ… nhằm tạo các phong trào để quần chúng tham gia. Đây là môi trường thuận lợi để kịp thời phát hiện quần chúng ưu tú, điển hình giới thiệu cho Đảng”.
Với cách làm trên, Đảng ủy xã Quảng Lợi đã xóa được tình trạng “trắng” tổ chức Đảng trong nhiều năm ở Ngư Mỹ Thạnh. Hiện Chi bộ thôn Ngư Mỹ Thạnh có 9 đảng viên, là những hạt nhân trong phát huy dân chủ, giữ vững mối đoàn kết, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trước thực trạng nhiều thanh niên thường đi làm ăn xa hoặc không có việc làm ổn định, Đảng ủy xã Quảng Thành (Quảng Điền) bàn với các doanh nghiệp trên địa bàn tạo công ăn việc làm cho thanh niên trong xã kết hợp với đào tạo, nâng cao tay nghề. Qua đó, nhiều thanh niên đã có việc làm và gắn bó với quê nhà; đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại địa phương. Đây cũng là điều kiện để tổ chức Đảng phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp những thanh niên ưu tú vào hàng ngũ của Đảng. “Trung bình mỗi năm, Đảng ủy xã Quảng Thành kết nạp được 10 đảng viên mới, hoàn thành chỉ tiêu kết nạp Đảng theo nghị quyết Huyện ủy Quảng Điền đề ra. Kết quả đó phần lớn nhờ vào số thanh niên làm việc tại địa phương ngày càng nhiều, nguồn kết nạp Đảng nhờ vậy cũng tăng”, ông Đào Lý, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thành cho biết.
Nhiều năm liền, thôn Dỗi luôn thuộc diện nghèo nhất xã Thượng Lộ (Nam Đông). Nguyên nhân được Đảng ủy, chính quyền nơi đây chỉ ra là do vai trò của đảng viên khá mờ nhạt, chưa phát huy hết chức trách, nhiệm vụ của mình. “Bên cạnh xốc lại đội ngũ đảng viên tại chỗ, chúng tôi chú trọng tạo nguồn để tạo thêm sức mạnh cho tổ chức Đảng nơi đây. Sau một thời gian về tận các thôn, bản tìm nguồn để đào tạo, bồi dưỡng kết nạp Đảng, đến nay, toàn Đảng bộ xã có 9 chi bộ. Trong đó, Chi bộ thôn Dỗi có lực lượng đảng viên nhiều nhất, với 25 đảng viên. Đây không chỉ là một tập thể đoàn kết, mà luôn nỗ lực tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế hộ gia đình. Giờ thôn Dỗi không chỉ xóa được đói, giảm được nghèo mà còn là thôn dẫn đầu về phát triển kinh tế của xã Thượng Lộ”, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Lộ Trần Văn Tơ phấn khởi.
Tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng về tổ chức năm 2017, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, do Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển đảng viên, tổ chức Đảng tại các thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư cần xác định rõ nguồn, cách thức tổ chức sát hợp với tình hình thực tế địa phương và điều quan trọng là phải tạo ra môi trường thuận lợi bằng các phong trào tại cơ sở.
Ông Hoàng Văn Kỳ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phong Điền chia sẻ: "Chi bộ nào cũng kêu thiếu nguồn phát triển Đảng. Chúng tôi làm việc với các chi bộ và chỉ ra rằng, muốn có nguồn phát triển phải biết gây dựng. Lựa chọn người rồi đào tạo, dìu dắt mà thành nguồn kết nạp Đảng, chứ không thể ngồi đợi "nguồn" xuất hiện". Sau khi có sự đốc thúc, gợi mở, các chi bộ đã vào cuộc quyết liệt. Các chi bộ tập trung xây dựng nguồn chủ yếu từ các đoàn viên thanh niên nông thôn. Sau khi xác định nguồn, các chi bộ đã huy động tổng lực để vận động, thuyết phục và bồi dưỡng đối tượng để họ phấn đấu sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng”.
"Mở rộng đối tượng tạo nguồn, không chỉ nhìn vào lực lượng thanh niên mà phải “ngắm” nhiều đối tượng như hội viên phụ nữ, nông dân, bộ đội xuất ngũ, công nhân trong các doanh nghiệp chưa có chi bộ độc lập... cũng là một giải pháp, kinh nghiệm cần nghiên cứu”, ông Hoàng Hồng Sơn, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phú Lộc đúc rút.
Với những kinh nghiệm từ thực tế và với sự lãnh, chỉ đạo linh hoạt của các cấp ủy Đảng, mục tiêu từ nay đến năm 2020, Đảng bộ tỉnh phấn đấu 100% tổ dân phố, thôn, bản có tổ chức Đảng và đảng viên; bình quân hàng năm kết nạp hơn 2.000 đảng viên; xóa tình trạng thôn, bản, tổ dân phố “trắng” tổ chức Đảng và đảng viên.
“Do trình độ văn hoá của quần chúng và nhận thức của cấp uỷ ở một số địa phương, cơ sở còn có mặt hạn chế nên công tác phát triển đảng viên mới ở những nơi này vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 87 tổ dân phố, 60 trạm y tế chưa có tổ chức Đảng; 6 tổ dân phố, 33 trạm y tế của TP. Huế chưa có đảng viên”, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Nhật Quang thông tin. |
Bài, ảnh: Anh Phong