Cần linh hoạt trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Ðảng. Ảnh minh họa.
Cho đến nay, việc họp trực tuyến đã không còn là điều xa lạ đối với nhiều tổ chức cơ sở đảng. Trong suốt hai năm qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tổ chức đảng đã ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động hành chính đảng. Việc học tập, quán triệt nghị quyết cũng có nhiều sáng tạo khi ứng dụng hình thức học tập trực tuyến qua các ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiều cấp ủy cũng đầu tư nghiên cứu các hình thức vấn đáp, trắc nghiệm để kiểm tra kết quả học tập, quán triệt nghị quyết của đảng viên, đạt hiệu quả tích cực.
Xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang là một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, địa hình chia cắt, đi lại phức tạp, cơ sở vật chất thiếu thốn. Tuy vậy, vào tháng 3/2020, xã đã mạnh dạn tổ chức Ðại hội Ðảng bộ xã Linh Hồ nhiệm kỳ 2020-2025 bằng hình thức trực tuyến với hơn 200 điểm cầu truyền hình. Thời điểm này dịch COVID-19 chưa phải là một mối lo đối với nhiều nước trên thế giới. Lúc đó, nhiều người cảm thấy "lạ" với một địa phương miền núi "dám" thực hiện cầu truyền hình cho một sự kiện quan trọng như vậy.
Theo lời kể của đại diện lãnh đạo xã, mục đích ban đầu là để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, đi lại cho đại biểu, thêm nữa là cơ sở vật chất tại trung tâm xã thời điểm đó chưa bảo đảm tổ chức những sự kiện lớn. Ðại hội Ðảng bộ xã Linh Hồ đã thành công tốt đẹp dù lúc đầu không ít đại biểu bỡ ngỡ do chưa bao giờ dự một cuộc họp trực tuyến.
Nhờ có sự đầu tư, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm này mà chỉ sau một thời gian, mô hình trực tuyến của xã Linh Hồ trở thành điển hình để nhiều địa phương khác học tập. Cho đến nay, việc tổ chức hội nghị trực tuyến từ Trung ương tới địa phương đã trở nên phổ biến trong mọi hoạt động đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội.
Ở một địa phương miền núi khác là huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai thời gian qua cũng đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động hành chính đảng. Ðáng chú ý có mô hình "Sổ ghi danh điện tử" nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều tầng lớp nhân dân tại địa phương. Sở dĩ có mô hình này là bởi vì việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của nhân dân trong huyện diễn ra sôi nổi, có nhiều gương điển hình tiên tiến. Chủ trương của huyện gắn hoạt động biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân tiêu biểu với các buổi chào cờ trong các ngày lễ, tết, sự kiện lớn tại địa phương. Việc làm này rất ý nghĩa, song nếu chỉ ghi danh rồi để đấy thì sẽ hạn chế sự lan tỏa. Từ đó, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị chức năng đẩy mạnh tuyên truyền các tấm gương điển hình tiên tiến thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình, tuyên truyền miệng và mạng xã hội. Riêng năm qua đã có 37 gương điển hình được vinh danh, quay video, viết bài tuyên truyền trên nhiều kênh thông tin tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.
Cùng với đó, huyện phát triển một hệ thống phát thanh, truyền hình và fanpage đăng tải "Những tấm gương bình dị mà cao quý", "Câu chuyện Bác Hồ" hằng tuần. Việc làm này tác động tích cực đến tư tưởng, nhận thức và tình cảm của nhân dân, qua đó chủ trương, đường lối, nghị quyết của Ðảng được tuyên truyền rộng rãi, góp phần vào thành tích về đích nông thôn mới của huyện.
Qua thực tế, có thể thấy một điều rất đáng suy ngẫm, đó là việc xây dựng nghị quyết đôi khi không thể bao quát được hết những diễn biến phức tạp trong cuộc sống để có thể kịp thời đưa ra những mục tiêu, giải pháp cụ thể sát với thực tế. Dịch COVID-19 vừa qua là một thí dụ, nhiều nghị quyết không dự báo trước được biến cố này. Tuy vậy, với sự chỉ đạo sát sao của Trung ương và nhất là tâm thế sẵn sàng thích ứng, nhiều tổ chức đảng đầu tư nghiên cứu cách làm mới, mô hình mới trong việc học tập, quán triệt nghị quyết của Ðảng, vận dụng chủ trương, chính sách từ Trung ương cũng tạo ra xu hướng mới phù hợp thực tiễn, đem lại nhiều kết quả bất ngờ.
Mới hay, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cán bộ, đảng viên và nhất là người đứng đầu cấp ủy sâu sát thực tiễn nắm chắc tình hình, dám nghĩ, dám làm thì sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực
Theo nhandan.vn