ClockThứ Năm, 08/09/2022 07:15

Luân chuyển, điều động cán bộ: Đổi mới tư duy, ưu tiên xây dựng đội ngũ then chốt - Kỳ 1: Không được phép đánh mất lòng dân

TTH - Luân chuyển, điều động cán bộ là nội dung quan trọng trong công tác cán bộ, với nguyên tắc bảo đảm tập trung dân chủ, gắn với trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu. Để việc luân chuyển, điều động cán bộ thực chất, hiệu quả cần tránh ích kỷ, cục bộ địa phương, kéo bè, chia rẽ...

UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn trao quyết định về công tác cán bộ

Khi hoàn thành nhiệm vụ, hình ảnh người dân luôn hằn sâu trong mỗi cán bộ được luân chuyển, điều động. Với họ, góp phần hồi sinh, đổi thay một vùng đất hay “cải tổ” được một tổ chức, cơ quan không bằng “đi dân nhớ, ở dân thương”.

Tăng nguồn lực cho vùng khó khăn

Ngày gặp lại ông Bùi Viết Dũng, ông đã là Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, bây giờ là Trưởng phòng Tư pháp huyện A Lưới. Nhớ khi còn làm Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy (huyện A Lưới), địa phương vùng giáp biên gặp nhiều khó khăn, ông nhiều lần về với dân gây dựng mô hình phát triển kinh tế.

Hồng Thủy nhiều năm trước, cái khó, cái nghèo đeo đẳng. Lối du canh, du cư ăn sâu vào tiềm thức người dân. Bây giờ, Hồng Thủy bạt ngàn màu xanh của rẫy bắp, chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, đặc biệt kỹ thuật sản xuất giống chuối bằng nuôi cấy mô cũng được “du nhập” vào vùng đất này.

Nhiều năm là “thuyền trưởng” của con thuyền giữa bão tố, ông Bùi Viết Dũng cười xua tay, cho rằng, ông không phải người “đánh thức” Hồng Thủy mà tự nhận mình chỉ là thành viên trong ngôi nhà vùng giáp biên, đem những hiểu biết chia sẻ với bà con dân bản. Trước khi nhậm chức tại Hồng Thủy, ông Dũng là Phó Chánh văn phòng UBND huyện A Lưới. “Hồng Thủy vẫn nghèo, nguồn lực còn yếu. Nhưng có điều, tư duy, nhận thức của người dân đang dần thay đổi, đó là tín hiệu vui, nền tảng để người dân thoát nghèo. Bây giờ, dù được tổ chức phân công nhiệm vụ khác nhưng tôi luôn sát cánh với người dân Hồng Thủy”, ông Dũng tâm sự.

Nhắc đến Hồng Thủy, chúng tôi lại nhớ câu chuyện thực hiện Nghị quyết 31/NQ-CP về việc xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị do lịch sử để lại. Lúc ấy, cùng ông Dũng rong ruổi khắp các bản làng tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, hàng loạt câu hỏi khó của đồng bào khiến ông trăn trở. “Nếu không còn là dân A Lưới, đồng bào đau ốm biết khám ở mô? Trở thành dân Quảng Trị rồi thì liệu người ở đó có đối đãi tốt không?"... - "Giải quyết vấn đề đó là cả quá trình vận động, tuyên truyền trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Cả hệ thống chính trị tập trung vào công tác dân vận. Thay đổi nhận thức kết hợp với giải quyết bài toán dân sinh đã giúp người dân đồng thuận”, ông Dũng nói.

Không chỉ Hồng Thủy, A Lưới nói chung còn là vùng khó khăn, thoát nghèo là mục tiêu trước mắt và lâu dài. Nhiều lần rong ruổi, người dân miền sơn cước thường bảo rằng, cán bộ nói dân nghe, nhưng cán bộ phải làm dân mới tin. Hiểu được cái tâm của đồng bào, người đứng đầu thêm phần trách nhiệm.

Nhiều chính sách hướng đến mục tiêu cải thiện đời sống cho đồng bào vùng phía tây tỉnh được áp dụng. Đơn cử như, chính sách tăng cường cán bộ biên phòng về hỗ trợ các địa phương gặp khó thực sự phát huy tác dụng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ tại các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cán bộ, chiến sĩ, nhiều hộ chí thú làm ăn, từng bước thoát nghèo.

Ngoài tranh thủ “ngoại lực”, công tác cán bộ tại địa bàn vùng sâu cũng được chú trọng. Bí thư Huyện ủy A Lưới Huỳnh Công Quảng chia sẻ, công tác luân chuyển, điều động không chỉ giúp cán bộ được trưởng thành mà mục tiêu cuối cùng là giúp người dân, địa phương thay đổi. “Trước Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ đã điều động, luân chuyển từ huyện về xã 22 trường hợp. Sau Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục điều động thêm 5 trường hợp. Tùy theo đặc điểm địa phương, ngành, lĩnh vực và sở trường công tác của từng vị trí mà chúng tôi bố trí cán bộ một cách hợp lý, đặc biệt là tăng cường nguồn lực cho địa bàn vùng khó. Đến lúc này, công tác điều động cán bộ đang có chuyển biến tốt, nhiều đồng chí đã phát huy vai trò người đứng đầu”, ông Quảng cho biết.

Tư duy mới trên vùng đất mới

Xuôi về phía biển, chúng tôi tìm gặp Bí thư Đảng ủy xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang) Nguyễn Văn Dũng. Ông được Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Vang điều động với kỳ vọng sẽ tạo ra sự tươi mới cho vùng đất giàu tiềm năng từ biển, đầm phá và cả sản xuất nông nghiệp, du lịch…

Dễ nhận thấy vùng đất nằm giữa hai cửa biển lớn là Thuận An và Tư Hiền đang đổi thay từng ngày. Nơi có đội tàu công suất lớn nổi tiếng nhất nhì tỉnh giờ đây nhìn đâu cũng thấy những ngôi nhà cao tầng, san sát. Điều đáng nói, Vinh Thanh là đô thị vệ tinh động lực, được tỉnh phê duyệt quy hoạch Khu du lịch sinh thái biển.

Dù là cán bộ có bề dày kinh nghiệm nhưng trước khi về Vinh Thanh, ông Dũng tự nhận mình chưa thật tường tận vùng đất này, nhiều nếp sống, cách nghĩ của cư dân ven biển buộc ông phải tìm hiểu từ đầu. “Tổ chức phân công, bản thân tôi phải nỗ lực hoàn thành”, ông Nguyễn Văn Dũng quả quyết.

Để thực hiện tốt công tác lãnh, chỉ đạo, ông Dũng phải thường xuyên bám cơ sở, tranh thủ ý kiến từ các cán bộ cựu trào và người dân để nắm rõ vấn đề. Ông xây dựng thông tin bằng mạng lưới các bí thư chi bộ thôn – họ là những người gần dân nhất, bản thân cũng có thể là ngư dân, nông dân.

Bây giờ, từ những vấn đề lớn như các dự án đổ về Vinh Thanh hay sản lượng khai thác biển, sản xuất nông nghiệp, ông Dũng vanh vách nằm lòng mà không cần sổ sách. “Ngoài hoàn thiện hạ tầng đô thị, phát triển kinh tế biển, du lịch sinh thái là hướng phát triển của Vinh Thanh. Để hoàn thiện các mục tiêu cần nỗ lực của hệ thống chính trị và người dân”, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết.

Khác với ông Dũng, ông Nguyễn Ngọc Vũ trưởng thành từ cán bộ đoàn. Trước khi giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Điền Lộc (huyện Phong Điền), ông là Bí thư Huyện đoàn Phong Điền. Dù được đánh giá là cán bộ có năng lực, nhưng để lãnh đạo một địa phương thuộc dạng “năng động” của vùng Ngũ Điền không phải dễ. Điền Lộc không chỉ là trung tâm vùng ven biển Ngũ Điền mà hình hài đô thị vệ tinh đang dần hình thành. Ông Vũ tâm sự: “Nhận nhiệm vụ mới là tôi xác định làm lại từ đầu với tư duy mới và phương pháp làm việc mới. Nếu một cán bộ đoàn cần xung kích, năng động, nhiệt tình thì với người đứng đầu Đảng ủy xã cần phải gần dân”.

Hoàn thiện hạ tầng tại xã Điền Lộc là nhiệm vụ then chốt, buộc người đứng đầu phải có sự quan tâm thấu đáo

Để thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, việc Phong Điền trở thành thị xã có vai trò đặc biệt quan trọng, trong đó, muốn xã Điền Lộc phấn đấu thành phường thì vai trò người đứng đầu là then chốt. “Chúng tôi xác định đầu tư hạ tầng là nền tảng để Điền Lộc khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh nhằm tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, trở thành đô thị động lực của vùng Ngũ Điền”, ông Nguyễn Ngọc Vũ cho biết.

Thực tiễn cho thấy, mỗi giai đoạn, thời kỳ cần có một đội ngũ cán bộ thích ứng, có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Do vậy, luân chuyển, điều động cán bộ là “then chốt của then chốt”. “Vị trí và vai trò của mỗi cán bộ được luân chuyển, điều động phải được xác định ngay từ đầu. Tùy vào năng lực, sở trường công tác mà chọn vị trí phù hợp, nhưng dù ở đâu cũng không được phép đánh mất lòng dân”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Vang Hồ Thế Hùng chia sẻ.

Bài, ảnh: Lê Thọ

(Còn nữa)

Kỳ 2: Niềm tin càng nhiều, trọng trách càng lớn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh (15/12/1964 - 15/12/2024)
Tự hào truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân.

Tự hào truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển

TIN MỚI

Return to top