Một số cán bộ đã đọc nghị quyết, nhất là đọc 2-3 lần bài phát biểu khai mạc và bế mạc hội nghị Trung ương 4 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Những băn khoăn của những đảng viên cả cuộc đời “Vì Đảng, vì dân” bước “theo chân Bác” suốt dặm dài lịch sử, về những hạn chế thiếu sót trong công tác xây dựng Đảng, sự sa sút phẩm chất, đạo đức của một bộ phận đảng viên đã được nghị quyết chỉ rõ và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh:
“Bên cạnh mặt tích cực, thành tựu, công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng còn những tiêu cực, yếu kém đáng lo ngại… Đó là chưa kể các thế lực thù địch đang tìm cách tiến công phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Trong tình hình ấy, nếu Đảng ta không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng, không thống nhất cao về ý chí, hành động, không trong sạch về đạo đức, lối sống, không chặt chẽ về tổ chức, không được nhân dân ủng hộ thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên”.
Tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 là tiếp tục tiến hành củng cố, xây dựng chỉnh đốn Đảng tích cực, mạnh mẽ và quyết liệt hơn, trong đó nêu ra nhiều giải pháp tích cực và chỉ rõ tầm quan trọng công tác xây dựng là bảo đảm sự sống còn của Đảng, của chế độ.
Một số đồng chí băn khoăn không biết hiệu lực và hiệu quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 sẽ ra sao, nhưng rồi cũng trao đổi đàm luận và thống nhất với nhau:
Nghị quyết “Những vấn đề cấp bách công tác xây dựng Đảng” là tiếp nối công tác xây dựng, củng cố Đảng suốt hành trình lãnh đạo cách mạng nước ta như các cuộc chỉnh quân, chỉnh huấn, chỉnh Đảng trong kháng chiến, các đợt củng cố, chỉnh đốn Đảng trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc đã đem lại sức sống mãnh liệt trong sự nghiệp giải phóng dân tộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hơn nữa, trong những tình huống hiểm nghèo của lịch sử, Đảng ta đã có những nghị quyết tạo bước ngoặt lịch sử, thay đổi số phận đất nước, như Nghị quyết 15 của Trung ương (khóa 2), Nghị quyết 12, 21 của Trung ương (khóa 3). Lần này, Nghị quyết Trung ương 4 cũng sẽ tạo bước ngoặt Cách mạng nước ta.
Nghị quyết Trung ương 4 thực sự đã đem lại niềm vui, niềm tin và hy vọng của toàn Đảng, toàn dân, trong đó những đảng viên đã nghỉ hưu hết sức tâm đắc, tin tưởng, vì:
“Dù cho nước chảy đá mòn
Ta còn bên Đảng, Đảng còn bên ta”
Một số băn khoăn, lo ngại về tình hình cụ thể ở một bộ phận cán bộ, đảng viên Đảng bộ Thừa Thiên Huế làm giảm lòng tin trng cán bộ và nhân dân. Nhưng nhìn tổng thể lịch sử phát triển của Đảng bộ trong 82 năm qua, các đồng chí đều có một niềm tin về Đảng bộ tỉnh nhà trong việc thực hiện Nghị quyết 4 Trung ương.
Đảng bộ ra đời sớm (4-1930) giữa trung tâm thống trị của chế độ thực dân phong kiến và đã lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8/1945, trực tiếp chấm dứt chế độ quân chủ, triều đại phong kiến ở nước ta, góp phần quyết định thắng lợi Cách mạng Tháng Tám trong cả nước.
Đảng bộ còn non trẻ, số đảng viên vừa ở các nhà tù đế quốc trở về, đảng viên còn ít, nhưng ý chí, quyết tâm của Đảng bộ đã huy động được gần 20 vạn dân khởi nghĩa giành chính quyền và dự lễ thoái vị của vua Bảo Đại – vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn.
Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Đảng bộ đã lãnh đọa nhân dân vượt qua muôn trùng thử thách, góp phần tạo bước ngoặt lịch sử của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong cuộc tổng tấn công – nổi dậy Xuân 1968, Thừa Thiên Huế “nổi lên là một chiến trường xuất sắc” được Đảng, Chính phủ tặng danh hiệu “Tấn công – Nổi dậy – Anh dũng – Kiên cường” được Trung ương Đảng khen ngợi Đảng bộ Kiên cường về tin tưởng, vững mạnh về tổ chức, trong sạch nội bộ, đoàn kết nhất trí”. Đó là lời biểu dương của Đảng trong chiến tranh trở thành một chuyên đề về truyền thống công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ đáng tự hào, tự tin và phát huy truyền thống vẻ vang đó.
Báo chí nước ngoài đã nói về lòng dân Huế trong Xuân 1968; “chỉ sau một đêm đánh nhau, 95% dân thành phố đã theo Việt Cộng” và “cuộc đánh chiếm Huế đủ thời gian để Việt Cộng thay đổi chế độ”...
Chúng tôi dự các cuộc họp dân ở các khu phố, khi văn công Quân Giải phóng ngâm thơ, đến hai câu:
“Mạ ơi! Đất Thừa Thiên ta gừng cay, muối mặn
Ba mươi mấy năm trời theo Đảng thủy chung”
thì nhiều mẹ, nhiều chị và nam nữ thanh niên xúc động, vỗ tay vang dội. Chúng tôi càng hiểu thêm lòng dân ở vùng tạm chiếm vẫn luôn hướng về Đảng và Bác Hồ.
Thừa Thiên Huế là một địa phương đạt nhiều thành tích quan trọng trên các lĩnh vực trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ.
Ngày nay, Đảng bộ đang lãnh đạo nhân dân trong tỉnh phấn đấu thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị về việc đưa toàn tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương. Đảng bộ đã từng có nhiều thành công trong tổ chức chiến trường, địa bàn hành chính qua nhiều thời kỳ lịch sử, lần này mô hình đô thị mới được xây dựng có nội dung và vị trí mới không chỉ trong nước mà còn có quan hệ với các đô thị khu vực và thế giới. Đó cũng là quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền, là cống hiến quan trọng của Thừa Thiên Huế trong tiến trình phát triển đất nước, dân tộc.
Một số nét điểm qua gắn liền với công tác xây dựng Đảng bộ suốt 82 năm qua và sự gắn bó máu thịt của nhân dân với Đảng trong quá trình gian nan, thử thách và thắng lợi, vinh quang của lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nhiệm vụ trọng đại xây dựng quê hương, đất nước trong giai đoạn hiện nay góp phần thực hiện Nghị quyết đại hội 11 của Đảng và Nghị quyết 14 của Đại hội Đảng bộ tỉnh, chúng ta có niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Tỉnh ủy trong việc thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 về: “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”.
Ngô Kha