1. Với tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách” của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cần nhận rõ rằng: Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém. Trong quan hệ với quần chúng, chi bộ là cầu nối vô cùng quan trọng, song tình trạng dễ thấy ở nhiều chi bộ hiện nay là: “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của Nhân dân” (trích Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII). Trong sinh hoạt, nhiều chi bộ không nghiêm túc, nghiêm khắc tự phê bình và phê bình mà thường xuê xoa, “dĩ hòa vi quý”, thích liên hoan chè chén vui vẻ. Thậm chí ở nhiều chi bộ, nhiều đảng viên còn vi phạm những biểu hiện trầm trọng hơn: “Đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội”. Tất cả những điều này đã làm cho “năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu”. Và một trong những vấn đề đặt ra trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay với hệ thống tổ chức các cơ sở đảng được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhấn mạnh là: “Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Xây dựng quy định tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh”. Đồng thời, phải gắn công việc này với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
2. Các tổ chức cơ sở đảng giữ vai trò quyết định trong việc đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến trong thực tế. Do đó, việc kiện toàn tổ chức, xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh, nâng cao năng lực đề ra nhiệm vụ chính trị ở cơ sở và năng lực tổ chức thực tiễn ở tổ chức cơ sở đảng có ý nghĩa to lớn trong việc hiện thực hóa đường lối, nghị quyết của Đảng trong cuộc sống. Trên bình diện khác, chi bộ còn là môi trường để tu dưỡng, rèn luyện và cũng là nơi giám sát, góp ý thân tình và hiệu quả cho mỗi cán bộ, đảng viên tiến bộ. Vai trò này quan trọng hơn khi chúng ta đang tích cực đấu tranh và xây dựng, kiểm tra và chính đốn từng biểu hiện cụ thể với tất cả 27 biểu hiện đã được nêu để đẩy lùi những sự suy thoái như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) yêu cầu với mỗi cán bộ, đảng viên.
Chỉ khi xây dựng được hệ thống tổ chức cơ sở vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, Đảng mới xây dựng được mối quan hệ gắn bó bền chặt với Nhân dân, tạo nên niềm tin, nguồn sức mạnh, sự thống nhất của toàn Đảng với toàn dân. Chi bộ giữ vai trò quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng và mang những nhiệm vụ quan trọng. “Tác dụng của chi bộ là cực kỳ quan trọng, vì nó là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng. Nhiệm vụ của chi bộ là: Luôn luôn tuyên truyền cho Nhân dân và tổ chức Nhân dân để thực hiện khẩu hiệu và chính sách của Đảng; chú ý đến tư tưởng và nhu cầu của Nhân dân và kịp thời báo cáo cho cấp trên biết rõ; quan tâm đến đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của Nhân dân, đồng thời giáo dục Nhân dân, tổ chức Nhân dân để giải quyết các vấn đề cho Nhân dân. Chỉ có làm đầy đủ những công việc ấy, thì Đảng mới liên hệ chặt chẽ với quần chúng. Đó là những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cho chúng ta từ nhiều năm trước.
Nhìn từ thực trạng, việc xây dựng, củng cố chi bộ hiện nay cần tập trung vào công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cốt cán ở cơ sở, cải tiến, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tập trung tìm ra nguyên nhân và có những giải pháp cụ thể, thiết thực để giải quyết dứt điểm các vụ việc ở các chi bộ yếu kém. Khi xây dựng, củng cố chi bộ, cũng cần nhận thức rõ rằng không có một mô hình nào là hoàn thiện, có thể áp dụng rộng rãi theo kiểu “đồng phục” cho nhiều trường hợp. Cần tìm hiểu, đánh giá khách quan các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, cả về văn hoá, tâm lý, tập quán... để tìm ra cơ cấu - mô hình tổ chức và hoạt động sinh hoạt của chi bộ cho phù hợp trong các điều kiện cụ thể.
Hiện nay, trước tình trạng tổ chức và các hoạt động của chi bộ có nhiều sa sút, mắc bệnh hình thức và nhẹ tinh thần đấu tranh, Trung ương Đảng đặc biệt nhấn mạnh giải pháp: “Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng; rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên; khắc phục ngay tình trạng ăn uống, chè chén, “liên hoan, “gặp mặt” không lành mạnh, với động cơ không trong sáng”, đồng thời với việc thực hiện nghiêm các giải pháp trong nhóm thứ hai: Kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Cấp uỷ các cấp chỉ đạo nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; đồng thời, tiến hành rà soát, sàng lọc và đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng” (trích Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII).
Công việc tiếp theo của của hệ thống bộ máy của Đảng, của tất cả đảng viên là thực hiện tích cực và nghiêm túc.
TS. Ngô Vương Anh