I. Các hoạt động tìm đến với cách mạng
Trong thời kỳ đen tối của những năm 1925 - 1927, tại TP. Huế, nơi đóng kinh đô cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam, đã bắt đầu có những biến động lớn về chính trị, nhiều cuộc biểu tình chống chính quyền thực dân của học sinh, trí thức liên tiếp nổ ra. Các phong trào yêu nước và đòi dân chủ dân sinh đang có sự thay đổi về chất. Tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng Đảng từng bước hình thành cơ sở ở Huế. Tháng 4/1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Thừa Thiên được thành lập[1].
Cùng trong thời kỳ đó, năm 1926, một cuộc bãi khóa đầu tiên của Trường Kỹ nghệ Thực hành nổ ra ở Huế, kéo dài suốt 3 tháng chống sự hà khắc của nền giáo dục Pháp cai trị.
Tháng 4/1927, nhiều học sinh như Nguyễn Chí Diểu bị đuổi khỏi Trường Quốc Học, dẫn đến cuộc tổng bãi khóa của học sinh Trường Quốc Học - Đồng Khánh và một số trường học khác diễn ra sôi động khắp kinh đô Huế kéo dài đến cuối năm 1927.
Một số học sinh quê Phú Lộc, Quảng Điền, Phong Điền đang học tại các trường ở Huế đã tích cực tham gia các cuộc bãi khóa này, tỏ thái độ chống đối chính sách giáo dục của thực dân cai trị cùng với các chính sách xã hội khác của đế quốc, phong kiến. Một số học sinh tham gia lãnh đạo cuộc bãi khóa bị đuổi học. Tuy vậy, chính từ phong trào này đã khơi dậy, thúc đẩy lòng yêu nước trong nhiều tầng lớp xã hội, đặc biệt là học sinh. Nhiều thanh niên ở Thừa Thiên bắt đầu ý thức tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản.
Đầu năm 1928, từ Vinh, Kỳ bộ Thanh niên Trung Kỳ đã phái ba cán bộ vào Huế: Một đồng chí mở cửa hàng tạp hóa Mai Ký ở Bến Ngự để làm điểm liên lạc; đồng chí Nguyễn Luân được phân công mở hiệu tạp hóa lấy tên Ngô Như ở đường Gia Long[2]; đồng chí Nguyễn Thị Hồng được phân công mở cửa hiệu tạp hóa nhỏ, lấy tên là Kim Sinh (gần chợ Đông Ba, bên chân cầu Trường Tiền)[3] để hoạt động. Các cơ sở này đã gây được ảnh hưởng đến nhiều nhân tố tích cực ở Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền.
Cũng trong năm 1928, Tỉnh bộ Thanh niên Cách mạng Quảng Trị tổ chức một cơ sở của Hội ở làng Phước Tích (huyện Phong Điền). Từ đó, một số nhóm thanh niên yêu nước ở vùng bắc Phong Điền được hình thành và tích cực tham gia hoạt động, như: Lê Văn Quýnh (ở Mỹ Cang), Lương Khoan, Lương Địch, Lương Tốn, Nguyễn Quán (ở Phước Tích), Phạm Đình Hy (ở Vĩnh An)…
Trước những diễn biến của tình hình thế giới và trong nước, ngày 14/7/1928, một cuộc họp của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên diễn ra tại nhà ông Đào Duy Anh ở Huế, đã quyết định đổi tên Hội thành Tân Việt Cách mạng Đảng; cơ quan của Tổng bộ đóng ở TP. Vinh được dời vào Huế và Đào Duy Anh được bầu làm Bí thư trưởng.
Theo “Đảng chương” của Tân Việt “Trong nước chia làm ba kỳ, 10 liên tỉnh có bí danh riêng. Trung Kỳ bí danh là Trí Kỳ, đặt đảng bộ ở kinh đô Huế gồm 4 liên tỉnh”, trong đó “Liên tỉnh Ngũ Hoa, đặt đảng bộ ở Huế có 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Savanakhet. Tỉnh bộ lâm thời Tân Việt Thừa Thiên do đồng chí Trần Hữu Duẫn làm Bí thư. Các đảng viên Tân Việt với số lượng ban đầu là 30 đồng chí[4] chủ trương đẩy mạnh phát triển đảng viên chủ yếu trong thành phần trí thức, giáo viên, công chức, nhất là học sinh các Trường Quốc Học, Chaigneau, Kỹ nghệ Thực hành… Hoạt động của đảng viên Tân Việt ở Huế nổi bật là: Ủng hộ các cuộc bãi khóa ở Huế bằng cách lập ra các ban cứu trợ bằng vật chất; tích cực xây dựng và phát triển cơ sở của đảng ở các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền và TP. Huế.
II. Hai tổ chức cộng sản tiền thân của Đảng bộ tỉnh thành lập
Đầu tháng 7/1929, Tỉnh bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Thừa Thiên được thành lập, đồng chí Nguyễn Đức Tịnh được cử làm Bí thư[5]. Chưa đầy một tháng hoạt động thì đồng chí bị Pháp bắt, Tỉnh ủy cử đồng chí Lê Sĩ Thận, công nhân Nhà máy Long Thọ lên thay. Tỉnh đảng bộ chủ trương đưa đảng viên thâm nhập vào quần chúng công nông để xây dựng cơ sở và vận động quần chúng đấu tranh. Phần đông các hội viên thanh niên ở Thừa Thiên đã gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng. Từ đây, việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin càng được đẩy mạnh ở Huế. Nhiều cuộc rải truyền đơn tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản diễn ra từ Phong Điền đến Phú Lộc hoạt động tích cực.
Tuy tích cực nhưng những hoạt động của tổ chức Tân Việt Cách mạng Đảng bắt đầu có sự phân hóa theo hai xu hướng chính trị khác nhau. Tháng 9/1929, những người giác ngộ cộng sản trong tổ chức này ra bản Tuyên đạt “Trịnh trọng tuyên ngôn cùng toàn thể đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng, toàn thể thợ thuyền, dân cày và lao khổ biết rằng chúng tôi đã chánh thức lập ra Đông Dương Cộng sản Liên đoàn”[6]. Cơ sở hoạt động của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn chủ yếu ở các tỉnh phía bắc Trung Kỳ. Lúc này, tình hình Tân Việt Cách mạng Đảng ở Huế vô cùng rối ren, có nguy cơ tan rã.
Tháng 4/1929, đồng chí Lê Viết Lượng, quê Can Lộc, Hà Tĩnh[7], là một nhà giáo hoạt động cách mạng, phái viên của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được cử vào Huế, dưới vai trò là giáo viên Trường Quốc học, đồng thời hoạt động để bắt liên lạc nhằm cải tổ Tỉnh bộ Tân Việt Thừa Thiên, cùng với đồng chí Trần Hữu Duẫn, Bí thư Tân Việt tỉnh Thừa Thiên tập trung chấn chỉnh tổ chức, lựa chọn những đảng viên Tân Việt có xu hướng cộng sản để chuẩn bị chuyển thành Đảng Cộng sản.
Đồng chí Lê Viết Lượng
Trước tình hình có những chiều hướng thuận lợi, cuối tháng 12/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Ủy viên Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng với tư cách là người phụ trách các tỉnh miền Trung đã đến kinh đô Huế để vận động thành lập Đảng Cộng sản.
Về chi tiết này, đồng chí Lê Viết Lượng nhớ lại: “Một đêm tháng 12/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc tức là đồng chí Nguyễn Văn Phúc vào Huế, cùng đi với đồng chí giao thông. Đồng chí Sắc có ghé lại Huế một đêm và họp với tôi để phổ biến nội dung cuộc hội nghị khoách đại thống nhất đồng thời trao cho tôi bức thư của Đại biểu Quốc tế Cộng sản về vấn đề trên kèm theo chính cương tóm tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, điều lệ Hội phản đế và Cứu tế Việt Nam”.[8]
Ở Huế lúc này có Tổng bộ Tân Việt, với Ban Thường vụ gồm Đào Duy Anh, Ngô Đức Diễn, Phan Đăng Lưu. Trong đợt khủng bố của thực dân Pháp năm 1929, hầu hết cán bộ chủ chốt của Tổng bộ và Kỳ bộ Tân Việt bị thực dân Pháp truy lùng bắt giam. Đến tháng 8/1929, Đảng bộ Tân Việt ở Huế hầu như tan rã.
Tuy vậy, các cơ sở Tân Việt Thừa Thiên vẫn duy trì được một số nơi ở TP. Huế như các chi bộ của Nhà máy Đèn, Nhà in và báo Tiếng Dân, Trường Quốc học, Trường Chaigneau, Trường tư thục Vĩ Dạ, phố Bao Vinh và các huyện Phú Lộc, Hương Thủy, Phú Vang, Phong Điền…
Để thống nhất chương trình hoạt động của Đảng Tân Việt theo đường hướng cộng sản, trong hai ngày 29 và 30/12/1929, trên một con thuyền chèo từ chợ Thượng về bến Đò Trai (Đức Thọ, Hà Tĩnh)[9], 8 người trong Đảng Tân Việt là Trần Hữu Chương, Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều) - đại biểu cho Nam Kỳ; Ngô Đức Đệ - đại biểu cho các tỉnh Tứ Định (các tỉnh Nam Trung Kỳ); Lê Tiềm, Nguyễn Xuân Thanh, Nguyễn Tốn, Trần Đại Quả - đại biểu cho Lục Hoan (các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và ba tỉnh của Lào); Ngô Đình Mẫn – đại biểu Bắc Kỳ, tổ chức Hội nghị chính thức bỏ tên gọi Tân Việt, đặt tên mới là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn[10]. Sau Hội nghị này, đồng chí Nguyễn Khoa Văn trở về Huế, việc thành lập Tỉnh ủy lâm thời Đông Dương Cộng sản Liên đoàn Thừa Thiên trở nên khẩn trương hơn.
Đầu tháng 1/1930, Tỉnh ủy lâm thời Đông Dương Cộng sản Liên đoàn Thừa Thiên được thành lập, đồng chí Lê Viết Lượng, phái viên của Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được cử làm Bí thư[11]. Tỉnh ủy chủ trương nhanh chóng tổ chức lại các cơ sở ở Trường Kỹ nghệ Thực hành, Nhà máy Đèn, Nhà in và báo Tiếng Dân, các huyện vùng nông thôn. Một số cơ sở của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được củng cố lại ở Truồi, Bao Vinh, Phong Điền, Phú Lộc và nhất là ở TP. Huế.
Từ các tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân Việt Cách mạng Đảng đến Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn là một quá trình chuyển hóa mạnh mẽ về chất nói riêng trong những năm 1927 - 1930. Sau sự ra đời của hai Đảng bộ cộng sản trong tỉnh gây nhiều ảnh hưởng đến các huyện của Thừa Thiên. Các đảng viên cộng sản phân công nhau bằng nhiều hướng thâm nhập về vùng nông thôn để vận động, tổ chức quần chúng hướng theo nghị quyết của đảng mình. Một số thanh niên yêu nước theo xu hướng mới đang từng bước hình thành, không ngừng bổ sung thêm lực lượng cho phong trào cách mạng.
Vào lúc ấy, trên phạm vi toàn tỉnh Thừa Thiên Huế xuất hiện những nhóm thanh niên yêu nước hoạt động nửa công khai, nửa bí mật như nhóm ở Phú Lộc, Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền, đặc biệt là TP. Huế.
Sự hình thành các nhóm yêu nước, các nhóm cảm tình và tham gia vào tổ chức tiền thân của đảng trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu sự phát triển mới của phong trào yêu nước cách mạng theo xu hướng cộng sản ở Thừa Thiên Huế.
III. Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên thành lập
Ngày 03/02/1930, tại Tống Vương Đài, một địa điểm ở Hồng Kông, nhượng địa thuộc quyền Vương quốc Anh[12], một sự kiện lịch sử vĩ đại đánh dấu một bước chuyển biến to lớn trong quá trình đấu tranh giữ nước của dân tộc ta: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Trong lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đại diện Ủy ban Quốc tế Cộng sản nêu rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập, Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột của chúng ta”[13].
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 24/2/1930[14], tại một cơ sở liên lạc ở kinh đô Huế, theo sự giới thiệu và chủ trì của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Ủy viên Trung ương Đảng[15], Bí thư Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung Kỳ, Bí thư Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ, đại diện của hai Đảng bộ trong tỉnh Thừa Thiên là Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gặp nhau để thống nhất thành một tổ chức cộng sản.
Đoạn này, hồi ký của đồng chí Lê Viết Lượng ghi: “Vào khoảng sau Tết âm lịch mấy hôm, đồng chí Sắc ở Đà Nẵng ra Huế lần thứ hai để tham gia Hội nghị khoách đại. Do thời gian ngắn ngủi, tổ chức cấp bách cũng như quan hệ giữa hai nhóm chưa nhiều nên nội dung hội nghị cũng đơn giản. Thành phần dự hội nghị có đồng chí Sắc ở Trung ương, tôi, đồng chí Nguyễn Chí Huyến và một số đồng chí của Đông Dương Cộng sản ở Huế. Điểm họp ở Bến Ngự (ở ven làng An Cựu, bỏ 3 ngõ vào ngõ 4c, tức là trong xóm nữ đồng chí Cháu). Phía Liên đoàn có tổ chức cơ quan để đón các đại biểu các nơi tới họp, song giao thông khó khăn nên số đại biểu các nơi tới không đủ”.
“Hội nghị khai mạc vào tối chủ nhật, dưới sự chủ tọa của đồng chí Nguyễn Phong Sắc tại cơ quan liên lạc do đồng chí Thông tổ chức. Trong cuộc họp thống nhất hai nhóm thành một bộ phận của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
“Đồng chí Nguyễn Phong Sắc thay mặt Trung ương Đảng công nhận Đảng bộ Thừa Thiên - Huế. Đồng chí còn giải thích thêm về tên Đảng trong lúc này cũng như cương lĩnh chính trị của Đảng đồng thời hướng dẫn thảo luận việc chuẩn bị kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 tới”.
Sau cuộc gặp lịch sử này chỉ một thời gian ngắn, vào ngày 3/4/1930[16], tại nhà của một cơ sở liên lạc ở Bến Ngự, hội nghị bàn việc thống nhất hai tổ chức cộng sản được tiến hành. Hội nghị tuyên bố thống nhất hai tổ chức cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Thừa Thiên và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn tỉnh Thừa Thiên) thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên.
Hội nghị thảo luận chủ yếu ba vấn đề: Tên Đảng, điều lệ các tổ chức quần chúng, chương trình kỷ niệm ngày 1/5/1930 và bầu Tỉnh ủy mới. Sau khi bàn bạc, Hội nghị đồng ý về tên Đảng, song tranh luận nhiều về vấn đề tổ chức các hội quần chúng.
Hội nghị nhận định và nhất trí về tình hình chính trị của địch và ta ở Thừa Thiên; thông qua phương hướng hoạt động trên cơ sở thống nhất nhận định của Chỉ thị Trung ương; cử Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên có 5 ủy viên, gồm: Lê Viết Lượng, Lê Bá Dị, Nguyễn Chí Huyến, Trần Hữu Duẫn và nữ đồng chí Nguyễn Thị Lụt. Đồng chí Lê Viết Lượng được bầu làm Bí thư.
Tiếp đó, từ ngày 7/4 đến ngày 10/4/1930[17], Tỉnh ủy Thừa Thiên tổ chức hội nghị lần thứ I, phân công và thảo luận, thống nhất một số công tác chủ yếu trước mắt:
- Đồng chí Lê Viết Lượng: Bí thư kiêm tuyên truyền và tổ chức.
- Đồng chí Nguyễn Chí Huyến: Thường vụ trực kiêm giao thông.
- Đồng chí Lê Bá Dị: Dân vận, chủ yếu là nông vận.
- Đồng chí Trần Hữu Duẫn: Mặt trận và học sinh.
- Đồng chí Nguyễn Thị Lụt: Dân vận, chủ yếu là phụ vận[18].
Sau đó, Tỉnh ủy bổ sung đồng chí Nguyễn Đức Quang từ Vinh mới được cử vào Huế và đồng chí Cao Hữu Duyệt vào Tỉnh ủy; phân công đồng chí Nguyễn Đức Quang trực tiếp phụ trách công vận.
Vì các địa phương chưa thành lập được huyện ủy lâm thời nên Tỉnh ủy Thừa Thiên đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành phụ trách các huyện: Đồng chí Lê Bá Dị phụ trách huyện Phú Vang, Phú Lộc và Hương Thủy; đồng chí Nguyễn Chí Huyến phụ trách huyện Hương Trà.
Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ I đã quyết định thành lập Thị ủy Thuận Hóa, bầu đồng chí Phạm Thị Xin và Hoàng Văn Diệm vào Ban Chấp hành, phân công đồng chí Phạm Thị Xin, phụ trách giao thông liên lạc; đồng chí Hoàng Văn Diệm làm Bí thư Thị ủy Thuận Hóa, phụ trách nội thành Huế; đồng chí Địch phụ trách huyện Phong Điền[19].
Hội nghị đã truyền đạt chỉ thị của Trung ương và của Xứ ủy Trung Kỳ về tăng cường vận động công nhân, nông dân và chuẩn bị tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động mồng 1/5/1930. Nghị quyết đầu tiên của Tỉnh ủy Thừa Thiên nêu rõ: “Mở rộng phong trào học sinh, công nhân, nông dân chuẩn bị tổ chức ngày 1 tháng 5 trong 15 ngày từ 22 tháng 4 đến 7 tháng 5 năm 1930 để phát động quần chúng, còn ngày 1 tháng 5 thì bảo toàn lực lượng”.
Hướng chính của Tỉnh ủy lúc này là tăng cường tổ chức nội bộ và chuẩn bị thật kỹ mọi mặt để kỷ niệm ngày 1/5.
Theo hồi ký của đồng chí Lê Viết Lượng thì ngay sau Hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên lần thứ I kết thúc: “Để phong trào Thừa Thiên – Huế khỏi bị đơn độc, Tỉnh ủy Thừa Thiên quyết định giúp đỡ tỉnh bạn kịp đẩy phong trào phát triển lên. Trong lễ Pâques[20] năm 1930, đồng chí Lê Viết Lượng lại ra Quảng Trị và Quảng Bình hoạt động và tổ chức nối liên lạc giữa Thừa Thiên và Quảng Trị”.
Chi tiết trên được Lịch sử Đảng bộ thị xã Đông Hà (1930 – 1999) khẳng định một cách cụ thể: “Xứ ủy Trung Kỳ cử đồng chí Lê Viết Lượng – Xứ ủy viên dự khuyết, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên chịu trách nhiệm chỉ đạo thành lập Tỉnh ủy Quảng Trị. Ngày 20 tháng 4 năm 1930, đồng chí Lê Viết Lượng đến Quảng Trị gặp đồng chí Lê Thế Tiết bàn việc thành lập Ban Vận động Đảng bộ lâm thời. Ban Vận động thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Trị ra đời, từ đó các chi bộ cộng sản có trước được thừa nhận là chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam và tích cực vận động phát triển đảng viên, thành lập các chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam trên đất Quảng Trị”.[21]
Còn theo Tiểu sử Nguyễn Phong Sắc (Sách đã dẫn) “Trên cơ sở phát triển nhiều chi bộ cộng sản ở Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ…., và hoạt động của Ban Vận động thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị, ngày 21 tháng 4 năm 1930, Hội nghị thành lập Tỉnh Đảng bộ đã được tổ chức. Với tư cách là Bí thư Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã cử phái viên tham dự Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Trị”(tr.153).
IV. Hệ thống lại các sự kiện và kết luận
Từ các nguồn tư liệu trên chúng tôi có thể kết luận như sau:
1. Từ năm 1929, tại Bến Ngự đã có hai cơ sở liên lạc bí mật của tổ chức cộng sản là cửa hàng tạp hóa Mai Ký và nhà của đồng chí Cháu – cơ sở của những người hoạt động cộng sản Thuận Hóa.
2. Ngày 24/2/1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã tổ chức giới thiệu, nhóm họp đại diện hai Đảng bộ cộng sản, hai Tỉnh ủy của Thừa Thiên tại cơ sở của Đảng (nhà đồng chí Cháu) ở Bến Ngự, thống nhất hai tổ chức này thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên.
3. Ngày 03/4/1930, tại nhà đồng chí Cháu ở Bến Ngự (phía sau chợ Bến Ngự ngày nay), Hội nghị bàn việc thống nhất hai tổ chức cộng sản được tiến hành. Hội nghị tuyên bố thống nhất hai tổ chức cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Thừa Thiên và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn tỉnh Thừa Thiên) thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên. Ngày 3/4/1930 về sau trở thành Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế.
4. Từ ngày 7 đến 10/4/1930, Hội nghị Tỉnh ủy Thừa Thiên họp lần thứ I để phân công nhiệm vụ, bầu bổ sung Tỉnh ủy, thành lập Thị ủy Thuận Hóa.
5. Ngày 20/4/1930, đồng chí Lê Viết Lượng, Xứ ủy viên dự khuyết Trung Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên được Phân cục Trung ương Đảng và Xứ ủy Trung Kỳ phái ra Quảng Trị để chỉ đạo và chứng kiến việc thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Trị.
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Thừa Thiên, ngày 24/4/1930, truyền đơn, biểu ngữ xuất hiện nhiều nơi ở Huế và vùng lân cận với nội dung kêu gọi các tầng lớp công nhân, nông dân, lao động thủ công đến thanh niên, học sinh, tiểu thương, binh lính… tham gia đấu tranh đòi giảm thuế, tăng lương, mỗi ngày làm việc 8 giờ; đoàn kết tạo thành một khối chống đế quốc, chống chiến tranh.
Sau ngày Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế được thành lập, lần đầu tiên cờ Đảng Cộng sản xuất hiện công khai đúng vào dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động mồng 1/5/1930 tại đình làng An Cựu, trước Tòa Khâm sứ Trung Kỳ, dọc đường Paul Bert, đường Gia Long, tại Đài “Chiến sĩ trận vong” (trước Trường Quốc học), đỉnh núi Ngự Bình, Nhà máy Đèn, trước đồn Mang Cá, cửa An Hòa, cửa Thượng Tứ, phố Gia Hội… Tại một số địa phương khác trong tỉnh, các tổ chức quần chúng cảm tình Đảng đã tích cực hoạt động kỷ niệm ngày 1/5, bí mật rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm ở nhiều nơi như: chợ Trừng Hà, làng Dưỡng Mong, Hà Thanh, Thanh Lam, Viễn Trình (huyện Phú Vang), phố Bao Vinh, Triều Sơn Trung, Thanh Lương (Hương Trà), làng Nam Phổ Cần, Mỹ Lợi, Truồi (Phú Lộc), làng Phước Tích, Ưu Điềm (Phong Điền)… Bắt đầu một hiện tượng mới trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân Thừa Thiên Huế.[22]
Mùa xuân năm 2020 này, chúng ta trân trọng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng là dịp chúng ta kỷ niệm 90 năm Ngày Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế ra đời (3/4/1930 - 3/4/2020). Dương Phước Thu
[1]. Trước đây, thường gọi là Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội.
[2]. Nay là đường Phan Đăng Lưu, TP.Huế.
[3]. Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Lịch sử công tác xây dựng Đảng về tổ chức của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (1930 – 2010), Nxb Thuận Hóa, 2015, tr.11.
[4]. Trong đó có: Trần Hữu Duẫn, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn, Lê Bá Dị, Đồng Sĩ Bình, Phạm Văn Đại…
[5]. Chưa đầy một tháng trên cương vị Bí thư, ngày 20/7/1929, Nguyễn Đức Tịnh bị mật thám Pháp bắt, sau chúng đày lên Lao Bảo. Xem thêm Nhà đày Lao Bảo, Nxb CTQG, 2002, tr.254.
[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 1 (1924 -1930), Nxb CTQG, Hà Nội, 1998, tr.404.
[7]. Đồng chí Lê Viết Lượng, quê làng Cải Lương, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc, nay là thôn Bắc Kinh, xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1917. Năm 1930 là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, bị địch bắt tù đày. Sau Cách mạng tháng 8/1945, đồng chí là Chủ tịch tỉnh Nghệ An, rồi làm Chủ tịch UBHC Liên khu IV. Năm 1951 là Phó Tổng Giám đốc, năm 1953 làm Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (thay đồng chí Nguyễn Lương Bằng). Từ năm 1963, đồng chí là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Nghỉ hưu 1975. Mất năm 1985.
[8]. Những ngày đầu thành lập và xây dựng Đảng bộ Thừa Thiên (Hồi ký viết tay, hoàn thành vào 27.5.1966) của đồng chí Lê Viết Lượng, Xứ ủy viên dự khuyết Trung Kỳ lâm thời, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên, TL lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng TW Đảng và Kho Lưu trữ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, phông tài liệu trước 1945,
[9]. Lịch sử Nghệ An, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 784 ghi Hội nghị họp “ngày 1/1/1930”.
[10]. Nguyễn Phong Sắc, Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.146-147.
[11]. Nguyễn Phong Sắc, Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.147-148
[12]. Nhượng địa Hồng Kông lúc này còn thuộc Anh quốc, đến năm 1997 người Anh mới trả lại cho Trung Quốc.
[13]. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1979, tr.156.
[14].Tiểu sử Nguyễn Phong Sắc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 153.
[15]. Trên bia mộ đồng chí Nguyễn Phong Sắc ở gần Bến Thủy, Nghệ An, Ban Tổ chức Trung ương Đảng có khắc dòng chữ: Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là “Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ…”. Theo đồng chí Lê Duẩn, nguyên Tổng Bí thư của Đảng và theo các công trình khoa học của Tỉnh ủy Nghệ An, Thành ủy Hà Nội và các chuyên gia Đức Vượng, Trần Đình Nhơn…thì đồng chí Nguyễn Phong Sắc là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng – chúng tôi đã đi thực địa và dẫn lại theo cuốn Tiểu sử Nguyễn Phong Sắc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 150.
[16]. Những ngày đầu thành lập và xây dựng Đảng bộ Thừa Thiên (Hồi ký) TL đã dẫn, được viết kỹ từng chi tiết: “Sau đó, vào ngày chủ nhật đầu tháng 4.1930, tôi tổ chức họp Đảng bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Thừa Thiên – Huế và tuyên bố vấn đề thống nhất”. Cuối câu này, đồng chí Lê Viết Lượng mở ngoặc ghi thêm ngày cụ thể ngày “3/4/1930”. Về địa điểm họp đồng chí viết: “Địa điểm họp ở Bến Ngự (ở phía ven làng An Cựu, bỏ 3 ngõ vào ngõ 4C tức là trong xóm nữ đồng chí Cháu”. Chúng tôi đi thực địa và đối chiếu với tư liệu địa bạ thì xóm ấy nằm gần chợ Bến Ngự, phía sau Tòa Tổng Giám mục Huế ngày nay. Giai đoạn này, theo Đại Nam nhất thống chí thì phía bên kia sông An Cựu đối diện với chợ Bến Ngự là làng Trường Giang (có chùa Phổ Quang) và làng Bình An (có chùa Ấn Tôn nay là Từ Đàm). Còn xóm “nữ đồng chí Cháu” chính là một cơ sở bí mật của những người hoạt động cộng sản ở Thuận Hóa từ những năm 1929 (về sau là cơ sở của Thị ủy Thuận Hóa) đến Cách mạng tháng 8/1945.
[17]. Những ngày đầu thành lập và xây dựng Đảng bộ Thừa Thiên (Hồi ký viết tay), TL đã dẫn viết: “Sau khi Tỉnh ủy chính thức thành lập thì họp Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ I vào thượng tuần tháng 4 năm 1930”. Thời gian ghi trong hồi ký họp Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ I này phù hợp với thời gian công bố trong công trình Lịch sử công tác xây dựng Đảng về tổ chức của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (1930 – 2010), Nxb Thuận Hóa, 2015, tr.18 và cuốn Lịch sử Đảng bộ thành phố Huế: “Từ ngày 7 đến ngày 10/4/1930, Tỉnh ủy Thừa Thiên đã họp Hội nghị lần thứ I”, tr.77.
[19]. Những ngày đầu thành lập và xây dựng Đảng bộ Thừa Thiên (Hồi ký viết tay), TL đã dẫn.
[20]. Tức là ngày Lễ Từ phụ - Ngày của cha.
[21]. Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Đông Hà, Lịch sử Đảng bộ thị xã Đông Hà (1930 – 1999), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 44 và 45.
[22]. Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Lịch sử công tác xây dựng Đảng về tổ chức của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huê (1930 – 2010), Nxb Thuận Hóa, 2015, tr.19.