Nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) báo cáo kết quả sản xuất với Bác Hồ (1958). Ảnh: tư liệu
Nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ rõ trong điều 6: “... Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”. Đây cũng là biểu hiện rõ nét suy thoái của nhiều cán bộ, đảng viên không gương mẫu, gây suy giảm, thậm chí đánh mất lòng tin của quần chúng vào việc thực thi chính sách và đội ngũ những người thực thi chính sách.
Trong bối cảnh Đảng yêu cầu tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện Nói đi đôi với làm chính là thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên cho đến bí thư cấp uỷ các cấp, đồng thời thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
1. Từ những năm 1926 - 1927, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh với những học viên đầu tiên của mình tại lớp huấn luyện cán bộ do Người tổ chức ở Quảng Châu trong điều thứ 10 của Tư cách người cách mệnh: “Nói thì phải làm”. Cả trước đó và cho đến cuối cuộc đời mình, trên những chặng đường cách mạng, Người luôn nêu tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và cả hậu thế về đức tính đáng quý đó.
Năm 1945, khi mới giành lại được độc lập, đồng bào nhiều nơi đang phải nỗ lực chống “giặc đói”, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi mọi người nhường cơm sẻ áo, lập hũ gạo cứu đói và Người gương mẫu thực hiện 10 ngày nhịn ăn một bữa để cùng cứu giúp đồng bào. Mùa xuân năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi thực hiện Tết trồng cây và từ năm đó đến khi qua đời, 10 năm liền Người đều gương mẫu đi đầu tham gia Tết trồng cây - Để cho đất nước càng ngày càng xuân. Người kêu gọi nhân dân rèn luyện sức khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và với Người, “Bản thân tôi ngày nào cũng tập”. Khi kêu gọi nhân dân chống hạn, chống úng, tăng gia sản xuất, dù là Chủ tịch nước Người vẫn không nề hà đến tận nơi thăm bà con nông dân, ra tận ruộng xắn quần cùng tát nước, cấy lúa. Với cán bộ, đảng viên Người khuyên tu dưỡng Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và mọi điều toát lên từ nhân cách, từ mỗi lời nói, mỗi công việc của Người dù lớn dù nhỏ đều là hình mẫu thuyết phục của những phẩm chất tốt đẹp đó. Không chỉ kêu gọi và gương mẫu thực hiện Nói đi đôi với làm, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thường lên án gay gắt những cán bộ, đảng viên không gương mẫu, chỉ rõ những cán bộ đó: “Miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng” nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng”. Người yêu cầu những người làm không đúng với nói cần được xử lý nghiêm khắc.
2. Ngạn ngữ có câu “Quãng đường dài nhất của con người là từ miệng đến cánh tay” để nói sự khó khăn, thậm chí gian nan khi phải vượt qua chính mình nếu muốn thực hiện đúng nói đi đôi với làm. Muốn nói đi đôi với làm, cùng với tấm lòng trung thực còn cần có ý chí phấn đấu cao. Điều quan trọng hơn để chống việc nói một đằng, làm một nẻo là mỗi cán bộ, đảng viên cần luôn liên hệ với công việc hàng ngày, các biểu hiện cụ thể trong công tác, sinh hoạt của mình để tự và cùng nhau phê bình, để tự và cùng nhau điều chỉnh sao cho tăng thêm sự tận tụy, tâm huyết và trách nhiệm với từng công việc. Đây cũng là việc cần làm của mỗi cán bộ, đảng viên để chống: Quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan; chống các biểu hiện cục bộ bè phái, lợi ích nhóm, chống lợi dụng chức trách, quyền hạn; chống tham lam, lười biếng, háo danh và để xây: Lối sống thẳng thắn, trung thực, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Việc gương mẫu thực hiện nghiêm túc Nói đi đôi với làm là một nét nổi bật trong tấm gương đạo đức trong sáng, là điểm nhấn trong phong cách công tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính điều đó đã làm cho những lời căn dặn, lời chỉ dẫn của Người có sức thuyết phục, có tác dụng lớn trong việc giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Nhắc lại những căn dặn năm xưa của Người cũng để thấy rằng hôm nay, Nói đi đôi với làm không chỉ là một nội dung đạo đức thông thường mà ở đây cần được hiểu và thực hành ở tầm cao hơn. Đó chính là sự thống nhất tư tưởng, đường lối và những hoạt động thực tiễn của từng cán bộ, đảng viên cũng như các tổ chức của Đảng nếu muốn được quần chúng tin tưởng và ủng hộ./.
TS. Ngô Vương Anh