ClockThứ Sáu, 25/10/2024 14:52

Tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ dân tộc thiểu số

TTH.VN - Ngày 25/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị đánh giá sơ kết giai đoạn II thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em người dân tộc thiểu số (DTTS) và đánh giá chất lượng giáo dục mầm non vùng DTTS.

Nâng cao năng lực tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu sốTrẻ dân tộc thiểu số tự tin giao tiếp bằng tiếng ViệtGiao lưu tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số

 Trẻ dân tộc thiểu số tham gia ngày hội giao lưu tăng cường tiếng Việt

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp với trực tuyến tại các tỉnh, thành. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Theo số liệu báo cáo từ các địa phương, đến thời điểm tháng 5/2024, toàn quốc có 4.913 trường mầm non có đông trẻ em là người DTTS; có 68.720 nhóm, lớp mầm non có trẻ em người DTTS. Bình quân hằng năm, tổng số giáo viên mầm non (GVMN) được tập huấn về nội dung, phương pháp tăng cường tiếng Việt là 47.326 người; bồi dưỡng nâng cao trình độ đào tạo cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy vùng DTTS 51.539 người; bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ cho trẻ em người DTTS 11.743 người. Một số địa phương có biên soạn bổ sung tài liệu phù hợp với vùng miền, văn hóa cộng đồng dân tộc nơi trẻ sinh sống để tăng cường tiếng Việt cho trẻ.

So với mục tiêu của Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”, đến tháng 5/2024, số trẻ DTTS độ tuổi nhà trẻ ra lớp đạt 26,4%; số trẻ DTTS độ tuổi mẫu giáo ra lớp đạt 87,3%. Hằng năm, học sinh tiểu học người DTTS được tập trung tăng cường tiếng Việt đạt 99,1 %. Tuy vậy, công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn. Một số tỉnh chưa thực sự quan tâm đến công tác tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ, chưa triển khai đầy đủ kế hoạch theo lộ trình, công tác tham mưu ban hành kế hoạch còn chậm. Tỷ lệ trẻ em người DTTS ra lớp chưa đạt mục tiêu của đề án. Mặc dù đã tích cực triển khai, tuy nhiên, ở nhiều tỉnh, trẻ vẫn còn hạn chế về khả năng giao tiếp nói chung và tiếng Việt nói riêng; nhút nhát, chưa mạnh dạn tham gia các hoạt động giáo dục…

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Ủy ban Dân tộc đưa giáo dục mầm non vào đối tượng thụ hưởng của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 1: 2021-2025, giai đoạn 2: 2025-2030 nhằm hỗ trợ bồi dưỡng đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học đáp ứng tốt nhu cầu tới trường của trẻ, huy động trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi ra lớp đạt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo khi Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo được ban hành. Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện đề án chất lượng, hiệu quả.

Các địa phương tiếp tục triển khai kế hoạch giai đoạn 2 đề án, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ hiệu quả, phù hợp với địa phương. Đảm bảo đạt các mục tiêu của đề án theo giai đoạn. Quan tâm đầu tư trang thiết bị, học liệu; mua sắm, cấp phát cho trẻ em và giáo viên đồ dùng, trang thiết bị, học liệu, tranh ảnh nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và tham mưu ban hành chính sách địa phương đối với trẻ em người DTTS, giáo viên mầm non dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS tại các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; tiếp tục có chính sách tạo điều kiện để giáo viên học tiếng mẹ đẻ của trẻ...

MINH HIỀN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng khó, nhằm chuẩn bị sẵn sàng về ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp tiếng Việt để trẻ vào lớp 1.

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số

TIN MỚI

Return to top