ClockThứ Sáu, 05/01/2018 06:11

Nhớ về Xuân Mậu Thân 50 năm ấy

TTH - Nửa thế kỷ đã trôi qua, lòng tôi luôn nhớ hai đồng chí liên lạc đã đến An Ninh Thượng bắt liên lạc dẫn đưa Đoàn 8 - Sông Lô (nay là Trung đoàn 3, Sư đoàn 324) thoát khỏi vòng vây địch vào đêm 27/2/1968, bảo toàn lực lượng, tiếp tục phát triển chiến đấu đến ngày toàn thắng. Hồi đó, anh Quang là Đội trưởng Chính trị vũ trang quận Nhất, cùng với anh Trần Một (biệt động TP. Huế) dẫn đưa trung đoàn vượt qua vòng vây an toàn.

Khi đảng viên tiên phong, gương mẫu

Đại tá Hồ Hữu Lạn (ngoài cùng bên phải) trong dịp kỷ niệm 45 năm Chiến dịch Tổng tiến công Xuân 1968 diễn ra tại Huế. Ảnh: Bá Trí

Nhiều năm miệt mài liên hệ, tìm hỏi từ sau 47 năm Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, tôi may mắn gặp được anh Nguyễn Văn Quang, nguyên UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế. Anh hiện đã nghỉ hưu, trú tại 8/27 Trần Nguyên Đán, TP. Huế.

Gặp nhau, hai chúng tôi xúc động, bùi ngùi ôn lại những ngày cùng nhau chiến đấu trong những giờ phút cam go.

Tháng 11 và 12/1967, Trung đoàn 29 (Kiến Giang) chúng tôi thuộc Sư đoàn 325c, có nhiệm vụ đi trinh sát địa hình miền Tây Quảng Trị, khu vực Bắc-Tây Bắc, căn cứ Tà Kơn để xây dựng trận địa chiến đấu bao vây tiêu diệt quân Mỹ chiếm đóng. Chúng tôi chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu dài ngày cho mùa khô 1967-1968. Tây Quảng Trị- nơi rừng núi giáp Lào khô ráo, nước suối trong xanh, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến gặp nhau vui như ngày hội, nét mặt mọi người tươi cười hớn hở, tin tưởng một mùa xuân đại thắng. Có tin trung đoàn sẽ đi B dài (đi sâu vào chiến trường miền Nam), mọi việc trên địa bàn chiến đấu tạm dừng, cán bộ, chiến sĩ càng phấn khởi háo hức với nhiệm vụ mới. Chúng tôi nhận thêm gạo, mắm kem, mì chính, bổ sung thêm quân trang, vũ khí đạn dược.

Ngày 20/1/1968, trung đoàn được mang mật danh “Đoàn 8- Sông Lô”, tổ chức hành quân từ miền Tây Quảng Trị sang Tổng trạm Giao liên 15 ở Lào. Đây là một căn cứ hậu cần dã chiến, nằm sâu trên đất bạn, là đầu mối cung cấp vật chất hậu cần cho các đoàn quân vào Nam chiến đấu và thu dung cán bộ, thương bệnh binh ra Bắc an dưỡng, học tập. Trung đoàn nghỉ lại ở đây một ngày, sau đó hành quân thần tốc về Thừa Thiên Huế. Chúng tôi đi một ngày hai trạm. Ba lô súng đạn, gạo 15 ngày, súng ĐKZ, cối 82 ly, cao xạ 12,7 ly, một cơ số đạn nặng trĩu trên vai chiến sĩ, bình quân mỗi người gùi, vác 45kg mà vẫn băng băng vượt dốc. Đoàn quân rầm rập vượt đèo cao, suối sâu, xuyên rừng đại ngàn, các đơn vị động viên nhau, ai ai cũng muốn đi thật nhanh tới đích với khí thế “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.

Bộ Tổng tham mưu thường xuyên nhắc nhở, động viên trung đoàn hành quân nhanh chóng để tới đích, kịp tấn công cùng đơn vị bạn. Chúng tôi không quản ngày đêm, động viên nhau hành quân vượt qua rừng thông Mường Noòng, dốc núi ở biên giới Việt Nam - Lào, qua đường 12, địa đạo Lam Sơn Binh trạm 7 A Lưới; rồi bổ sung gạo, muối, vượt động Re Lao 1.482m, động Ta Tách 999m, trượt xuống sông Bồ đến điểm cao 360, vượt động Mái nhà đến chân núi Hòn Vượn, về dốc Ông Ầm ngã ba Hương Trà là điểm tạm dừng tập kết bộ đội. Đoàn văn công Quân khu Trị Thiên luôn theo bước chân trung đoàn biểu diễn. Nhạc sĩ Thuận Yến, nghệ sĩ xiếc Thanh Lự, các ca sĩ Thu Hiền, Thu Lượng, Thu Sen với những điệu mái nhì tha thiết, đã động viên đoàn quân trung hiếu về giải phóng quê hương. Chúng tôi thật cảm động khi cơ sở cách mạng tại chỗ đã tổ chức động viên Nhân dân Huế chuẩn bị nhiều bánh chưng, bánh tét tập kết sẵn tại ngã ba Hương Trà. Còn có nhiều thư động viên của em gái, sinh viên hẹn gặp lại trong ngày toàn thắng. Trong số bánh chưng ấy phần lớn giấu đạn, thuốc nổ và những vũ khí tiếp sức cho bộ đội chiến đấu.

Ba tiểu đoàn của Đoàn 8 - Sông Lô từ ngày 31/1 đến ngày 3/2/1968 đã lần lượt nối tiếp nhau vào chiến đấu trên 3 hướng. Đánh chiếm sân bay Tây Lộc, cống Thủy Quan là tiểu đoàn 7. Đánh chiếm thôn La - Quê Chữ mở rộng hành lang tấn công và tiếp tế vào Huế là Tiểu đoàn 8. Tiểu đoàn 9 chiếm làng An Hòa, Đài Phát thanh và chặn tàu Mỹ tiếp viện trên sông Hương.

Cả ba tiểu đoàn của Đoàn 8 - Sông Lô mặc dù ngày đêm hành quân liên tục, nhưng không quản mệt nhọc, hy sinh, đã lần lượt vào trận, chiến thắng giòn dã, cùng các đơn vị bạn tăng sức mạnh giải phóng và làm chủ TP. Huế 26 ngày đêm. Chiến thắng ở TP. Huế là đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968. Trên toàn miền Nam, TP. Huế là nơi giữ vững lâu nhất.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn miền Nam đã làm rung chuyển nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Chúng tập trung quân phản kích quyết liệt, nhất là TP. Huế. Mỹ - Ngụy ngày đêm tiếp viện tăng quân vào cảng Bãi Dâu, Mang Cá bé. Bắt đầu từ ngày 7/2/1968, chúng đã hoàn hồn nên ra sức phản kích trên toàn thành phố, thôn La - Quê Chữ, An Hòa, Đại nội và các vị trí quân ta đánh chiếm phía nam thành phố. Địch tập trung cao độ mọi loại hỏa lực. Đoàn 8 - Sông Lô chìm trong mưa bom bão đạn, nhưng vẫn kiên cường giữ vững trận địa, đánh bại mọi đợt tấn công của địch.

Đến ngày 25/2/1968, Đoàn 8 - Sông Lô được lệnh của Bộ Tổng tham mưu thu gọn đội hình, đưa hết thương binh, liệt sĩ nên rừng. Được đoàn Cửu Long vào chiến đấu hỗ trợ, Trung đoàn 3 (Đoàn 8 - Sông Lô) rút quân về An Ninh Thượng, chợ Thông. Đêm 27/2/1968, Trung đoàn được hai đồng chí Biệt động Thành Huế dẫn đường rút về hậu phương Quảng Điền an toàn, đó là đồng chí Nguyễn Văn Quang và Trần Một. Ngày 6/3/1968, Đoàn 8 - Sông Lô vượt qua đồn bốt Mỹ -Ngụy lên vùng Hòn Gió, Bình Điền, Tà Lương, A Sầu - A Lưới đánh địch phản kích ra vùng hậu phương A Lưới, kết thúc thắng lợi xuất sắc mùa xuân Mậu Thân 1968. Sau đó, Trung đoàn được củng cố vững mạnh, tiếp tục chiến đấu, lập chiến công vang dội ở Động ABia năm 1969, cao điểm 935 - Coóc Bai năm 1970.

Đoàn 8 - Sông Lô ngày nay là Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, đã cùng toàn sư đoàn tiêu diệt Lữ đoàn TQLC ngụy trên động Ko Pen (cao điểm 550) Nam Lào 1971. Một vinh dự đặc biệt của Trung đoàn 3 là qua các năm 1972-1974, đã chiến đấu liên tục trên chiến trường Trị Thiên, Tây Nguyên (ĐăcPet), Quảng Nam (Thượng Đức) và năm 1975 được quay về mặt trận Tây Nam Huế. Ngày 23/3/1975, Trung đoàn 3 được tăng cường xe tăng chiến đấu tiêu diệt địch ở Núi Bông, Núi Nghệ, La Sơn cắt đường số 1 vào đêm 24/3 và thọc sâu giải phóng TP. Huế lúc 11h ngày 25/3/1975. Ngày 26/3, Trung đoàn 3 trên hướng chủ yếu của Quân đoàn 2 thần tốc giải phóng TP. Đà Nẵng vào ngày 29/3/1975, vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30/4/1975 toàn thắng.

Đại tá Hồ Hữu Lạn

(Đoàn 8, Sông Lô)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhớ gác bếp của ngoại

Mỗi khi mùa đông gõ cửa, trong tâm trí tôi lại hiện về những kỷ niệm gắn liền với căn gác bếp nhỏ bé của ngoại, nơi đã từng là trái tim của ngôi nhà, lưu giữ biết bao ký ức ngọt ngào và thân thương.

Nhớ gác bếp của ngoại
50 năm một chặng đường gìn giữ văn hóa dân gian

Thừa Thiên Huế là vùng đất mang dấu ấn của thời di dân mở nước hơn 700 năm. Vì thế, cội nguồn văn hóa hình thành từ sự dung hợp bản sắc văn hóa của cư dân bản địa cùng cư dân Việt từ khắp các vùng miền của đất nước. Văn hóa dân gian luôn gắn liền với đời sống tinh thần của cộng đồng người Huế.

50 năm một chặng đường gìn giữ văn hóa dân gian
Nhớ đồng

Đúng chiều tối đầu tháng 5, Thừa Thiên Huế bất ngờ có mưa to, tôi ngủ ở làng với nội. Gọi là bất ngờ bởi hơn cả tuần liền, trời nắng như thiêu như đốt, nhiệt độ ngoài trời liên tục đạt mốc kỷ lục trên 40 độ C. Ở phố, cả gia đình tôi ru rú trong nhà, chẳng ai dám ra đường. Có được trộ mưa đã quý, lại mưa to, kéo dài cả hàng tiếng đồng hồ, ai mà chẳng hả lòng mát dạ và tôi cũng thế.

Nhớ đồng
Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng facebook về những chiếc xe lam - một thời đã hiện diện trên đất Huế và điện thoại hỏi tôi: “Anh còn nhớ mấy con trâu cày đường nhựa” không? Tôi trả lời ngay với chú em rằng: Làm sao quên được- nó là một phần đời tuổi thơ của chị em tôi trong những năm còn khó khăn.

Nhớ những chuyến xe lam
Return to top