|
Xe lam ngày xưa là phương tiện giao thông phổ biến. Ảnh: Tư liệu |
Không biết duyên hay phận, những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, bố tôi - từ một nông dân ở làng tích lũy vốn liếng “tậu” được chiếc xe lam. Đó là ước mơ cháy bỏng mà ông từ bỏ cái cuốc, cái cày để trở thành một tài xế xe lam “cày” trên đường nhựa nuôi các con ăn học.
Giá chiếc xe lam hồi ấy gần 30 cây vàng mà bố mua qua tay từ một thương gia đưa từ Sài Gòn ra. Loại xe này sản xuất từ nước Ý, có mặt ở Việt Nam cũng vào thời điểm này. Đặc trưng của nó có 3 bánh và một cabin cho người ngồi lái phía trước và một thùng xe phía sau, trong thùng này cho phép “độ” hai băng ghế để khách ngồi đối diện mặt nhau, chở dao động từ 8-10 người. Chiếc xe của bố có thương hiệu “lambretta”, có thể chở kín chỗ lên 10 khách và còn chất hàng lên trên trần xe được tầm 5 trăm kg.
Bố kể, hồi đó dáng bố cao gầy, hàng ngày chỉ quen với việc cỡi trâu ra đồng nhưng khi tập tễnh ngồi được bên trong buồng lái xe lam mới oai làm sao! Cũng nhờ theo xe lam, bố đã vượt ra khỏi làng quê nghèo bên dòng sông Bồ rồi “cưa đổ” cô gái con nhà tử tế ở Phù Lương (là mẹ tôi) và lập nghiệp luôn ở đây (hiện nay là phường Phú Bài, TX. Hương Thủy).
Theo lời bố, xe lam hồi ấy chỉ cần nổ máy, lăn bánh ra đường là có tiền vì phương tiện đi lại lúc đó khan thiếu. Xe chạy chẳng có phiên chuyến như các phương tiện bây chừ. Cứ chạy khi nào bác tài mệt là nghỉ. Sáng ra khỏi nhà, chiều về tiền bạc rủng rỉnh; nếu quy ra vàng mỗi ngày, bố kiếm được đôi ba chỉ. Nhưng những chuyến xe lam của bố hồi đó đâu phải chỉ chở hàng hóa, hành khách đi buôn bán, công chuyện mà còn âm thầm làm nhiệm vụ “giao liên” cho cách mạng. Xe lam của bố hay được đồng nghiệp kết nối cùng chở gạo, thuốc men, truyền đơn, chiến sĩ biệt động thành. Nhiều chuyến sớm trong ngày, trong thùng xe còn cất giấu súng đạn, tài liệu mật, đã được các mẹ, các bà ngụy trang trong bánh trái, cá khô, gà vịt…
Đến những năm đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, sống thời bao cấp, bố tôi vẫn đồng hành cùng xe lam. Dẫu sức khỏe của ông không còn sung mãn như trước nhưng vì yêu nghề và một phần các con đang tuổi ăn tuổi học, những chuyến xe lam của bố vẫn đều đều mỗi ngày lăn bánh đưa khách theo tuyến Huế - Phú Bài. Lúc này anh em tôi đã lớn và biết làm “lơ” xe vào các ngày Chủ nhật, ngày lễ khi được nghỉ học. Thật ra bố không bằng lòng, nhưng tôi muốn xin theo vì muốn biết thế nào là “đời xe lam”.
Được trải nghiệm với “đời xe lam” nên tôi nhớ rất rõ thời điểm này, không riêng Huế mà các vùng lận cận, như Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang… đều có HTX xe lam. Xe lam được phép chạy trên các tuyến đường nối liền giữa Huế với các chợ nông thôn, nhưng chợ phải lớn mới có bến xe. Còn các bến xe lam ở Huế thì nằm ở khu vực cạnh chợ Đông Ba và tại bến xe An Cựu (nơi siêu thị Go! Huế bây giờ). Những điểm bến này kết nối các tuyến xe lam, như: Huế - Phú Bài, Nong, Truồi; Huế - Chợ Nọ, Tân Mỹ, Huế - Sịa, An Lỗ…
Điểm khác biệt của xe lam so với xe buýt bây giờ là khi chạy trên tuyến là không có trạm dừng cố định cho khách lên xuống. Ai muốn đi cứ việc ra sát vệ đường vẫy tay đón. Khách muốn xuống chỗ nào thì xe dừng lại. Tiện nhất cho các cô, các bà buôn bán vì có thể mang theo cả quang gánh cột lủng lẳng vào sườn xe còn thúng mủng thì chất lên trần xe.
Xe lam như lời bố tôi kể là bước chuyển từ xe ngựa lên xe cơ giới, là “phương tiện” đi lại của biết bao tiểu thương kiếm sống bằng nghề buôn bán nhỏ, lao động, công nhân... Xe lam chở hoa quả, trái cây, sắn khoai, cá tươi... ra chợ. Ngồi lẫn với hàng hóa là đám học trò nông thôn lên thành phố học. Rồi xe lam còn chở cả đám cưới, đám ma, đám tiệc…
Những ai đã sống, công tác ở Huế vào thập niên 70, 80 sẽ không quên hình ảnh thân thương, tần tảo của những chuyến xe lam đêm ngày từ ngoại ô lên Huế. Đó là những chuyến xe tanh nồng mùi cá từ Thuận An, những chuyến xe lỉnh kỉnh rau trái từ xứ Nong Truồi, những chuyến chở than củi từ An Lỗ… Và thơ mộng nhất là những chuyến xe lam chở đầy áo trắng học trò. Đơn cử như anh chị tôi đến giờ hay hoài niệm những buổi đi học ở trường tỉnh, trường ngành về cả nhóm bạn phải đón xe lam mà lúc chưa đến nhà đã thò cả tay ra ngoài vẫy vẫy, miệng la hét om xòm nhộn nhịp cả đoạn đường.
Đúng là xe lam giống như “con trâu” kéo cày đường nhựa đã làm tròn “sứ mệnh lịch sử” - là phương tiện giao thông - vận tải trong thời buổi đất nước còn nghèo; trong đó có bóng dáng của bố tôi. Bây giờ, những chiếc xe buýt đẹp đẽ cùng với taxi hiện đại đã lấp đầy khoảng trống của xe lam để lại. Song không thể xóa nhòa hoài niệm về tháng ngày tuổi thơ của tôi với những chuyến xe lam.
Hôm rồi đọc báo biết tin, một hãng xe nội địa có thể dễ dàng thiết kế, đóng mới loại “xe lam” chở 8-10 người, sử dụng máy xe gắn máy đời mới loại 250 phân khối. Biết đâu, hình ảnh “xe lam đời mới” đó sẽ dệt mạng lưới giao thông để len lỏi trong những con phố vốn nhỏ ở đô thị Huế vận chuyển khách đi dạo phố phường, tham quan, ngắm cảnh du lịch…