Trong suốt tuần qua, những quyết định dồn dập liên quan đến công tác cán bộ, đến kỷ luật Đảng đã được công khai đến toàn dân. Điều đó cho thấy một thực tế: Quyết tâm làm trong sạch đảng đang đi từng bước vững chắc. Nói đi đôi với làm, tuần tự, đúng quy trình. Những cá nhân, tổ chức Đảng có những vi phạm “nghiêm trọng” hoặc “rất nghiêm trọng”, lần lượt phải chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình.
Điều đáng tiếc là tất cả những sai phạm đó đều không “xa lạ” với 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết TW4 khóa XII đã chỉ ra. Với đa số dư luận, một mặt cảm thấy vững tâm, nhưng cũng không ít người cảm thấy chua xót khi những tướng lĩnh cao cấp trong ngành công an, quân đội đã chót “dính chàm”.
Quyết tâm làm trong sạch Đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang được hiện thực hóa.
Sai phạm chung, dễ nhận thấy của những cán bộ bị kỷ luật vừa qua là “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ”- nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, sinh hoạt Đảng. Với vai trò là người đứng đầu hoặc giữ vị trí cao trong Tổ chức đảng, lẽ đương nhiên, họ phải nắm rõ nguyên tắc này nhưng vẫn cố tình vi phạm. Thực hiện dân chủ hình thức, lấy lệ, núp dưới bỏ bọc tập trung để đề cao vai trò cá nhân hoặc thiếu tôn trọng tập thể, nhân danh tập thể đưa ra những quyết định trái với nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoặc vượt quá thẩm quyền…
Nghị quyết TW4 khóa XII đã khẳng định, vi phạm hoặc xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ tạo môi trường cho những tư tưởng xa lạ với đường lối của Đảng tồn tại và hoành hành, thực chất là hủy hoại Đảng cả về tổ chức và tư tưởng; là một nguyên nhân dẫn đến suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Điểm chung thứ hai trong những sai phạm vừa qua là sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, thực hiện dự án kinh tế, sai phạm trong điều hành sản xuất, kinh doanh, làm thất thoát tài sản của nhà nước … Dư luận không khỏi đau lòng khi hàng ngàn tỷ đồng vốn ngân sách, hàng vạn mét vuông nhà đất công sản đã bị sử dụng sai mục đích, tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội có điều kiện biến “của chung” thành “của riêng”.
Điều đáng nói, những người vi phạm các nguyên tắc hoạt động của Đảng lại chính là cán bộ cấp ủy đảng, trong đó có cả Ủy viên T.Ư; người vi phạm điều lệ hoạt động của doanh nghiệp, lại chính là người đứng đầu doanh nghiệp; người bảo kê cho các hoạt động phi pháp lại là người được giao trọng trách thực thi luật pháp; người vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước lại là người đứng đầu trong lĩnh vực tình báo… Những sai phạm trên, được Ủy ban kiểm tra Trung ương kết luận là “gây hậu quả nghiêm trọng”, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của ngành và cá nhân, gây dư luận xấu và bức xúc trong xã hội. Một trong 27 biểu hiện suy thoái được Trung ương chỉ ra là: Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.
Sau kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Lần lượt các cán bộ sai phạm đã bị xử lý như: Khai trừ Đảng, cách tất cả các chức vụ trong Đảng, giáng chức, giáng cấp bậc hàm, bị truy tố trước pháp luật… Ai vi phạm đến đâu, trong bất kể lĩnh vực nào, cũng bị xử lý, bình đẳng trước các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Quyết tâm làm trong sạch Đảng chỉ có thể thực hiện khi người đứng đầu thực sự trong sạch, đạo đức, vững như bàn thạch, hành động vì sự tồn vong của Đảng, của dân tộc. Không một lực cản nào có thể ngáng trở, chùn bước, dù biết rằng, đấu tranh với đồng chí, đồng đội của mình là cuộc đấu tranh cam go nhất. Quyết tâm làm trong sạch Đảng cũng là để gìn giữ uy tín, thanh danh của Đảng và cao hơn nữa là giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng. Quyết tâm làm trong sạch Đảng cũng là mệnh lệnh của thế hệ hôm nay đối với thế hệ đi trước, giữ gìn và bảo vệ những thành quả đã phải đổi bằng xương, bằng máu của bao thế hệ người Việt Nam.
Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên, khi hay tin những cán bộ cao cấp, những tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang bị xử lý kỷ luật, có cựu chiến binh đã cười trong nước mắt. Ông mừng lắm, tin tưởng lắm nhưng cũng không giấu nổi sự chua xót. Tâm trạng của ông cũng là tâm trạng chung của nhiều người.
Nhiệm kỳ khóa XII đã đi quá nửa chặng đường. Hơn 50 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị xử lý, kỷ luật. Đó là con số không ai mong muốn. Giữa công đường, một vị từng là Ủy viên Bộ Chính trị khi được nói lời sau cùng, đã gửi lời xin lỗi đối với Đảng, với nhân dân. Nhưng giữa công đường, lại có cán bộ từng là lãnh đạo địa phương, từng trúng cử đại biểu Quốc hội nghẹn ngào “xin lỗi Bác Tổng Bí thư” và mong được đoàn tụ với vợ con nơi xứ người!
Trên đỉnh cao của quyền lực, người ta rất dễ bị ru ngủ bởi tiền tài, danh vọng và những cám dỗ vật chất. Bởi vậy, để không “mất cán bộ”, không mất mát niềm tin trong nhân dân, cái mà dư luận mong chờ nhất là những quy định của Đảng, những chính sách, pháp luật của Nhà nước phải được thực thi nghiêm minh trên thực tế. Việc kiểm soát quyền lực, “nhốt” quyền lực trong cái “lồng pháp luật” phải được đẩy mạnh hơn nữa. Và trên hết, việc chọn lựa cán bộ, dứt khoát phải đề cao chữ Đức, đề cao sự liêm chính. Có như vậy, chúng ta không hổ thẹn khi nói rằng, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.
Theo VOV