Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII yêu cầu kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền. Ảnh: Internet
Kiểm soát quyền lực được đề cập nhiều trong vài năm gần đây. Không phải lâu nay chúng ta bỏ quên kiểm soát quyền lực. Hiến pháp Việt Nam đã ghi: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Văn kiện Đại hội Đảng XII cũng chỉ rõ: “Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực Nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực…”. Như vậy, kiểm soát quyền lực là cơ chế ràng buộc của thể chế chính trị đối với tổ chức và cá nhân trong bộ máy Nhà nước. Kiểm soát quyền lực nhằm hạn chế, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng của nhóm lợi ích và cá nhân trong quản lý xã hội.
Quyền lực thể hiện trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực khác nhau. Quyền ở đây được hiểu theo nghĩa là quyền được giao cho người có chức phận thực thi công vụ. Nhưng khi đã có quyền người ta dễ quên mất quyền lực của họ được xã hội (Nhà nước) giao không phải là vô hạn mà có giới hạn nhất định. Vì quên hay cố tình lạm dụng nên mới xảy ra những việc làm trái quy định. Một thực tế dễ phát sinh khi mà quyền lực không được kiểm soát sẽ tạo ra lạm quyền, lộng quyền. Lợi dụng quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ, nhất là khâu đề bạt bổ nhiệm cũng không ngoại lệ. Đây là lĩnh vực nhạy cảm, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính trị của cán bộ trong bộ máy nhà nước. Sau những đợt thanh tra, kiểm tra mới “phát lộ” ra nhiều “góc khuất” mà lâu nay xem đó như lẽ bình thường mà không được coi như lợi dụng quyền lực. Chẳng hạn như Bộ trưởng Bộ Công thương (nhiệm kỳ trước), trong vòng một năm rưỡi trước khi nghỉ hưu đã bổ nhiệm 97 cán bộ; cựu Tổng Thanh tra Chính phủ bổ nhiệm 66 người. Có nơi như Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cấp ủy không biết, không được bàn khi bổ nhiệm cán bộ hàm cấp vụ phó v.v… Năm 2017, Bộ Nội vụ kiểm tra một số ít cơ quan Trung ương và địa phương đã phát hiện có 59 cán bộ bổ nhiệm không đúng quy định, phần lớn trong số đó có quan hệ bà con với lãnh đạo. Nếu kiểm tra thêm, chắc chắn con số không dừng lại ở đó.
Nhiều nơi tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân diễn ra khá phổ biến và trở thành vấn nạn trong cơ quan và doanh nghiệp. Lợi dụng quyền lực diễn ra ở tất cả các khâu từ đào tạo, quy hoạch, luân chuyển đến bổ nhiệm, trong đó quy hoạch và bổ nhiệm là dễ tiêu cực nhất. Theo quy định thì người trong diện quy hoạch mới được bổ nhiệm, trong khi cơ quan có nhiều người đủ các điều kiện, tiêu chuẩn. Quy hoạch có số lượng nhất định nên chỉ một số ít trong đó đủ tiêu chuẩn được đưa ra xem xét. Lúc này quyền lực của lãnh đạo mới thể hiện trong việc đưa ai, chọn ai. Mặc dù cấp ủy hoặc tập thể lãnh đạo có thể đưa ra người này, người khác nhưng khi người đứng đầu hoặc người có thẩm quyền “gợi ý” cho ai đó, thì tập thể khó phản bác hoặc không dám phủ nhận. Hiện tượng tương tự cũng diễn ra trong khâu bổ nhiệm hoặc đề nghị bổ nhiệm. Chính từ thực trạng này mà “người nhà, người thân” được ưu ái như vừa qua là khó tránh khỏi. Không thể phủ nhận trong số người nhà có đủ tiêu chuẩn, có tài nhưng tình trạng “ưu tiên” quá mức, quá lộ liễu như đã diễn ra thể hiện sự lạm quyền quá giới hạn cho phép.
Hiện tượng chạy chức, chạy quyền cũng làm gia tăng tiêu cực trong thể hiện lợi dụng quyền lực. Người chạy tìm đến người có chức, có quyền trong công tác tổ chức, nhất là những người có quyền quyết định hoặc người có ảnh hưởng “nặng ký”. Thường thì "chạy" đi đôi với vật chất và đây chính là tác nhân làm hư hỏng, biến chất người có chức quyền nếu không biết tự kiềm chế. Người chạy và người được chạy đều có lợi đã tạo nên vòng tròn khép kín, chỉ có người “trong cuộc” mới hiểu rõ cái giá như thế nào. Đó chính là tác nhân làm lệch lạc, méo mó quyền lực nói chung và quyền lực trong tổ chức cán bộ nói riêng.
Theo Nghị quyết số 26 ngày 19/5/2018 Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) "về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" thì : “Người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bổ nhiệm cấp phó của mình”, “Người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch”… Như vậy, nghị quyết là cơ sở pháp lý giao cho người đứng đầu được đề cử cấp phó và quyết định bổ nhiệm cấp dưới trong quy hoạch. Đây là quy định mở nhằm giao quyền cho thủ trưởng chịu trách nhiệm trong quy hoạch và bổ nhiệm. Mặc dù nghị quyết gắn trách nhiệm cho người đứng đầu, nhưng khi phát hiện tiêu cực họ sẽ có đủ lý do biện minh cho quyết định của mình (kiểu như “đúng quy trình” nhưng vẫn sai như đã diễn ra vừa qua). Đến lúc đó thì dù lãnh đạo bị kỷ luật nhưng sẽ gây khó khăn cho công tác tổ chức, khó xử lý với cán bộ được bổ nhiệm. Cho nên, phải gắn thực hiện nghị quyết của Trung ương 7 với chế tài trong Quy định 102-QĐ/TW về kỷ luật đảng viên vi phạm để đem lại hiệu quả tích cực.
Kiểm soát quyền lực nói chung và công tác tổ chức cán bộ nói riêng đòi hỏi phải có quy định cụ thể gắn trách nhiệm (quyền lực) và kỷ luật (nghiêm minh). Quyền lực phải đi đôi với dân chủ, công khai, minh bạch trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện trong công tác cán bộ. Kiểm soát quyền lực không chỉ chờ vào thanh tra, kiểm tra mà phải phát huy sức mạnh toàn hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan truyền thông đại chúng.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH