Chất lượng đảng viên là yếu tố hàng đầu gắn với sức mạnh và sự tồn vong của Đảng. Thời điểm cách mạng tháng 8/1945, Đảng ta có khoảng 5.000 đảng viên, sau khi kết thúc kháng chiến chống Mỹ cả nước có 1,5 triệu đảng viên và đến nay đã xấp xỉ 5 triệu đảng viên. Như vậy, số đảng viên đã tăng nhiều lần so với thời kỳ đầu hình thành. Điều đáng quan tâm là số lượng tăng nhưng không đi đôi chất lượng, thậm chí tính chiến đấu của một bộ phận đảng viên sa sút nghiêm trọng, nhất là trong những năm gần đây.
Năm 1969, trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Bác Hồ đã chỉ rõ: Bên cạnh những đồng chí tốt, còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích của mình trước hết... 50 năm đã trôi qua, nhưng những điều Bác nêu ra như còn mới nguyên, có chăng từ “một số ít” vào thời điểm đó đến nay đã trở thành “một bộ phận không nhỏ” đảng viên yếu kém, đe đọa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Chỉ trong một thời gian ngắn sau Đại hội XII của Đảng, số đảng viên bị kỷ luật gấp 3 lần so với 30 năm trước cộng lại. Trong đó có hàng chục nghìn đảng viên bị khai trừ, xóa tên, cách chức trong Đảng. Không chỉ là đảng viên thường mà còn có nhiều cán bộ, đảng viên cấp cao, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị; không phải chỉ trong doanh nghiệp mà cả tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Cho nên, sàng lọc, “đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng” theo Chỉ thị 28 của Ban Bí thư là cần thiết.
Trao bằng Cao cấp lý luận chính trị tại Trường chính trị Nguyễn Chí Thanh - một hình thức bồi dưỡng nâng cao lý luận chính trị cho đảng viên thuộc đội ngũ quản lý
Yêu cầu là nhằm chấn chỉnh và rà soát đảng viên bỏ bê sinh hoạt Đảng, có các “biểu hiện suy thoái” đã được chỉ ra từ Hội nghị TW4 (khóa XII). Vấn đề đặt ra là sàng lọc ai và ai có trách nhiệm sàng lọc phải đặt ra đúng tầm mức, nếu không sẽ phản tác dụng khi thực hiện. Tổ chức Đảng, lãnh đạo các cấp phải xác định bản lĩnh, vì lợi ích chung, có sự giám sát chặt chẽ nhằm đề phòng lợi dụng để áp đặt ý chí cá nhân, làm méo mó ý nghĩa của đợt sinh hoạt chính trị.
Trong một thời gian dài, chúng ta đã không thực hiện chặt chẽ, kín kẽ ở nhiều khâu, nên đã xẩy ra nạn ê kíp, cục bộ, bổ nhiệm, kết nạp đảng viên là người nhà, người thân tràn lan trong bộ máy các cấp. Những loại người không có tài, giỏi luồn cúi, nịnh bợ, chạy chọt lại được nâng đỡ vào các vị trí có lợi. Người làm không được việc nhưng lại “thừa khả năng” lươn lẹo, thủ đoạn hoặc bản chất cá nhân được che đậy tinh vi, gây không ít khó khăn cho công tác tổ chức, đánh giá của cấp trên. Những nơi có vợ, con, họ hàng, “anh em chiến hữu” của lãnh đạo cơ quan hoặc lãnh đạo cấp trên khi cần xem xét sàng lọc sẽ là vấn đề “tế nhị”! Những nơi chằng chịt nhóm lợi ích chi phối không dễ cho đánh giá khi sàng lọc khách quan? Những người có năng lực, trình độ, khả năng phản biện cao có nơi không được trọng dụng đúng mức, thậm chí bị cô lập. Thực tế những người trung thực, nói thẳng, nói thật, không cùng ê kíp, không hợp với cấp trên như “cái gai” rất dễ là đối tượng bị sàng lọc trước hết. Cho nên, cần thiết phải có hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát của các cấp có thẩm quyền nhằm tránh mỗi nơi hiểu khác nhau dẫn đến lạm quyền,trù dập ảnh hưởng đến mục đích khi thực hiện.
Hiện nay, một số lượng lớn đảng viên nghỉ hưu sinh hoạt ở địa phương, trong số đó có những người giữ các chức vụ cao khi còn đương chức. Bây giờ nghỉ hưu, một bộ phận có biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Bên cạnh đó nhiều cán bộ, đảng viên về hưu không muốn tham gia công tác, thậm chí không chuyển hồ sơ, không liên lạc với cấp ủy cơ sở, không tham gia sinh hoạt ở địa phương. Đây lại là đội ngũ đông đảo có tác động không nhỏ đối với quần chúng nhân dân. Đáng tiếc trong đó có những đảng viên còn tỏ ra công thần, ỷ thế, không quan hệ với quần chúng ở khu dân cư. Có người còn bộc lộ tiêu cực: “Khi làm việc cần danh nghĩa đảng viên để có chức này chức nọ, nay nghỉ hưu rồi còn gì nữa mà tham gia cho mất thời gian”. Số đảng viên này không phải số nhiều nhưng lại là yếu tố tác động tiêu cực ở cơ sở và ảnh hưởng đến số cán bộ đảng viên tích cực. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến đảng viên các địa phương có số lượng “đông nhưng không mạnh”. Không thể phủ nhận dù tuổi cao, sức yếu, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng có nhiều đảng viên tiếp tục lăn lộn, nhiệt huyết với phong trào, thể hiện được tính tiên phong, son sắt lời thề với Đảng. Tuy nhiên, số đảng viên đó chưa đủ sức lan tỏa, nhân tố thúc đẩy, duy trì tính gương mẫu của đảng ở những nơi đang cần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Cách đây gần một thế kỷ, trong bài viết “Thà ít mà tốt” đăng trên báo Pravada (Nga), Lênin đã chỉ rõ: “Đảng viên mà hữu danh vô thực thì cho cũng không cần”. Dân gian có câu: “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Chúng ta cần ít mà tốt, cần những người đảng viên nhiệt huyết hơn đông mà không mạnh. Vì vậy, không thể không sàng lọc đảng viên, dù bây giờ làm đã là muộn, nhưng không thể chậm hơn.
Nguyễn Phước Khánh