Đánh giá chung về đội ngũ cán bộ, khi nói về ưu điểm, NQ số 26 nêu rõ: “Đa số cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp có năng lực, phẩm chất, uy tín". Tuy vậy, NQ cũng nêu rõ thực trạng yếu kém: “Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ...”.
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên là nòng cốt. Nếu họ không có đủ uy tín sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ được giao. Những người đảm nhận chức trách, quyền hạn ở mọi cấp, mọi ngành từ Trung ương đến cơ sở, đại diện cho lợi ích của quần chúng nhân dân mà không có đủ uy tín, mất uy tín trước dân có tác hại to lớn không thể lường hết.
Quán triệt tinh thần NQ, để nâng cao uy tín cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, thời gian đến, các cấp uỷ, chính quyền trên địa bàn tỉnh khi xây dựng chương trình hành động cần chú trọng nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ.
Ở bất kỳ lĩnh vực nào, muốn nâng cao uy tín của mỗi cán bộ, đảng viên thì cần phải thường xuyên nâng cao trình độ năng lực. Chất lượng hiệu quả công việc phụ thuộc vào trình độ năng lực của người cán bộ, đảng viên. Sự vật luôn vận động và phát triển, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng phấn đấu tự học, tự rèn để nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
Cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu muốn hoàn thành nhiệm vụ có chất lượng hiệu quả thì cần phải có phong cách, tác phong công tác phù hợp. Đó là phong cách làm việc có kế hoạch, hiệu quả, chính xác, tỷ mỷ, sâu sát, cụ thể, tránh đại khái, qua loa, quan liêu, hình thức. Người cán bộ, đảng viên cần phải có phong cách, tác phong dân chủ, vì tập thể. Luôn luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của quần chúng và cấp dưới, luôn xuất phát từ lợi ích của tập thể, của xã hội, vì quyền lợi chung, vì dân vì nước để có quyết định đúng đắn kịp thời, chính xác. Đây là điều cốt yếu trong phong cách lãnh đạo, quản lý nhưng không ít cán bộ làm chưa tốt. Mặt khác, hoàn thiện các quy định, quy chế để kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khỏe, có sai phạm, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới đòi hỏi phải hoàn thiện cơ chế, đẩy mạnh thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng và đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận. Chủ động tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng rèn luyện đối với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở trong nước và ngoài nước. Xây dựng đội ngũ có tầm nhìn xa, trông rộng. Nếu chỉ thấy lợi trước mắt, cục bộ địa phương mà quên đi lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp, lợi ích của Nhân dân thì đó là nguy cơ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa...
PHAN LÀNG VÂN