Bước ngoặt quyết định
Cuối năm 1929, theo yêu cầu của cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930. Hội nghị đã quyết định hợp nhất các tổ chức Đảng (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được Hội nghị hợp nhất Đảng thông qua. Hội nghị thông qua lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến đồng bào, đồng chí trong cả nước nhân dịp thành lập Đảng.
Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng. Những văn kiện được thông qua tại Hội nghị hợp nhất do Nguyễn Ái Quốc chủ trì chính là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.
Với cách mạng Việt Nam, sự ra đời của Đảng Cộng sản là một minh chứng, một cơ sở lý luận khoa học, khẳng định rằng: “Đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930”. Sự lựa chọn ấy trở thành bước ngoặt quyết định trong sự phát triển và không ngừng lớn mạnh của dân tộc ta, tạo ra những tiền đề và nhân tố quyết định quan trọng đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Vững bước
Là một bộ phận của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ Thừa Thiên Huế ra đời vào đầu tháng 4/1930 trên cơ sở hợp nhất hai tổ chức Cộng sản ở Thừa Thiên Huế: Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Qua 90 năm (1930 – 2020), Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo Nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức của các chặng đường lịch sử, góp phần tô thắm trang sử đấu tranh oanh liệt, thắng lợi vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Kể từ sau khi tái lập lại tỉnh, Đảng bộ Thừa Thiên Huế đã trải qua 6 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh (từ Đại hội X đến Đại hội XV). Bám sát quan điểm đổi mới của Đảng, Thừa Thiên Huế đã vượt qua biết bao giai đoạn thăng trầm, nhanh chóng khắc phục hậu quả nặng nề của thiên tai bão lũ, kiên định vững vàng trước các sự kiện khủng hoảng về chính trị, kinh tế của khu vực và thế giới.
Sau 30 năm tái lập tỉnh, gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng quê hương, với sự đoàn kết, nhất trí cao trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận trong Nhân dân toàn tỉnh, chúng ta đã có những bước tiến vượt bậc, đạt được những thành tựu đáng tự hào trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại.
Càng tự hào về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng viên càng thấy rõ trách nhiệm to lớn là tiếp tục làm cho Đảng ta mãi mãi xứng đáng là ngọn cờ tiên phong của giai cấp và của dân tộc, giữ vững vai trò lãnh đạo và củng cố niềm tin yêu của Nhân dân. Chúng ta cần tiếp tục xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khoá XII), gương mẫu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, quan liêu; phát huy tính tự giác, tích cực học tập, rèn luyện của mỗi cá nhân; tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phát huy truyền thống hào hùng và những kinh nghiệm mà Đảng bộ đã tích lũy được trong 90 năm có Đảng, Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế quyết tâm đoàn kết, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp, tiến đến Đại hội XIII của Đảng.
Tích cực triển khai Nghị Quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu, tầm nhìn đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Chúng ta tin tưởng rằng, năm Canh Tý 2020, Thừa Thiên Huế sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ chế về thành phố trực thuộc Trung ương; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định, vững chắc; nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân; cùng cả nước phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
PHAN CÔNG TUYÊN