ClockThứ Hai, 24/12/2018 19:07
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Chí Diểu:(1908-2018):

Tấm gương lớn về ý chí cách mạng

TTH.VN - Tại Thừa Thiên Huế hiện lưu giữ nhiều tư liệu, đặc biệt là dấu ấn về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Diểu, như các di tích lịch sử văn hóa: Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu; Trường Pháp - Việt Đông Ba; Trường Quốc Học; Nhà ở, lăng mộ, từ đường và nghĩa trang Phan Bội Châu; Trụ sở Xứ ủy Trung Kỳ; Trụ sở Tòa soạn báo Dân.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Chí Diểu“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạngLãnh đạo tỉnh dâng hương tưởng nhớ nhà cách mạng Nguyễn Chí DiểuDấu ấn sâu đậm trong phong trào cách mạng“Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi”

Cán bộ, đảng viên và người dân tham quan Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu ở xã Phú Mậu (Phú Vang)Ảnh: Anh Phong

Đồng chí Nguyễn Chí Diểu sinh ra trong một gia đình nhà Nho ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Tên gọi Chí Diểu được đặt theo nghĩa Hán Việt. “Chí” là ý chí, chí hướng; “Diểu” là ngọn cây, ngọn cành cây; “Chí Diểu” nghĩa là ý chí, chí hướng trên cao.

Tốt nghiệp Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, ngày 15/9/1925, Nguyễn Chí Diểu vào Trường Quốc Học Huế. Tại đây, anh gặp Võ Giáp (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này). Hai người thân quý nhau, cùng thi đậu vào Trường Quốc Học Huế và được xếp vào cùng một lớp. Cả hai đều là học sinh giỏi của lớp, được nhận học bổng toàn phần và vào nội trú tại trường.

Nguyễn Chí Diểu học Trường Quốc Học Huế giữa lúc phong trào đấu tranh của nông dân, các tầng lớp trí thức, học sinh Trung Kỳ đòi giảm sưu cao, thuế nặng; đồng bào cả nước đấu tranh đòi nhà cầm quyền Pháp thả tự do cho nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (bị bắt ở Thượng Hải và bị bọn đế quốc đưa về kết án ở Hà Nội). Trước áp lực của đông đảo quần chúng nhân dân buộc thực dân Pháp phải tha bổng và đưa Cụ về giam lỏng ở Huế. 

Trong các ngày nghỉ học, Nguyễn Chí Diểu thường rủ Võ Giáp lên nhà thầy giáo Võ Liêm Sơn ở dốc Bến Ngự, gần nhà Cụ Phan và thầy Lâm Mậu để trao đổi những tin tức, sách báo tiến bộ, theo dõi các hoạt động của Viện Dân biểu Trung Kỳ được thành lập năm 1926 mà Cụ Huỳnh Thúc Kháng là Viện trưởng khóa I.

Tại nhà Cụ Phan, anh được nghe về Nguyễn Ái Quốc, về những hoạt động yêu nước của Người. Thời gian này, anh được tiếp cận  tờ Le Paria và tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc.  

Sau sự kiện học sinh Trường Quốc Học và một số trường tiểu học kéo đến nhà Phủ Doãn và tòa Khâm sứ đòi nhà cầm quyền Pháp trả tự do cho Cụ Phan Bội Châu và để tang Cụ Phan Chu Trinh, nhà cầm quyền Pháp tại Huế chỉ đạo trừng trị những người cầm đầu học sinh. Nguyễn Chí Diểu và một số bạn bè của anh bị đuổi học, trong đó có Võ Giáp, Nguyễn Khoa Văn… Anh và Võ Giáp tạm chia tay nhau, người về Thanh Tiên (Phú Vang), người ra An Xá (Lệ Thủy, Quảng Bình) chờ đợi cơ hội. Nhưng chỉ một thời gian sau, Nguyễn Chí Diểu lại bắt đầu những ngày tháng hoạt động cách mạng sôi nổi của mình.

Năm 1928, đồng chí Nguyễn Chí Diểu được phân công làm Ủy viên Kỳ bộ Trung Kỳ của Đảng Tân Việt, sau đổi thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Đây là thời kỳ hoạt động cách mạng sôi nổi của đồng chí Nguyễn Chí Diểu. Ở trọ tại căn nhà cũ gần miếu Âm Hồn, anh nhận làm thông tín viên cho báo Tiếng Dân của Cụ Huỳnh Thúc Kháng để có thẻ báo chí, tiện đi lại hoạt động. Đồng chí ra An Xá (Lệ Thủy, Quảng Bình) tìm gặp Võ Giáp và được sự ủy nhiệm của tổ chức, Nguyễn Chí Diểu đã kết nạp Võ Giáp vào Đảng.

Tháng 7/1929, cơ quan Tổng bộ Tân Việt ở Huế bị địch vây. Mặc dù vậy, các đồng chí lãnh đạo các kỳ bộ vẫn tìm cách gặp nhau để quyết định thành lập Đảng Cộng sản lấy tên là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào ngày 1/1/1930. Ngày 3/2/1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thắng lợi, 20 ngày sau, Hội nghị hợp nhất Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Sài Gòn, Nguyễn Chí Diểu trở thành đảng viên chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những đồng chí cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Với tình cảm cách mạng sôi nổi, đồng chí đi sâu tổ chức vận động lao động, thợ thuyền, đẩy mạnh phong trào đấu tranh ở các xí nghiệp Ba Son, Nhà Bè, Bình Tây, Khánh Hội, xây dựng các tổ chức Công hội đỏ trong đội ngũ công nhân viên chức. Thực hiện chủ trương của Đảng phát động phong trào cách mạng nhân ngày Quốc tế lao động 1/5, Nguyễn Chí Diểu đã lãnh đạo các cơ sở Đảng trong thành phố tổ chức treo cờ Đảng, rải truyền đơn, mít tinh nêu các yêu sách dân sinh, dân chủ. Nổi bật là hai cuộc bãi công của công nhân nhà máy điện chợ Quán và nhà máy xe lửa Dĩ An.

Hoạt động không bao lâu đồng chí được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định.

Có am hiểu nhất định trong phong trào nông thôn, Nguyễn Chí Diểu đã lặn lội trực tiếp chỉ đạo xây dựng địa bàn vùng Bà Điểm - Hóc Môn, vùng “18 thôn vườn trầu”. Về sau trở thành địa bàn đứng chân của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam kỳ qua nhiều thời kỳ.

Trong phong trào ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Chí Diểu, phong trào công nhân ở Gia Định được phát động sôi nổi.

Biết Nguyễn Chí Diểu lúc đó cải tên là Trọng - một trong những người lãnh đạo phong trào nông dân Gia Định, bọn mật thám ra sức truy tìm dấu tích của đồng chí. Tháng 10/1930, trong một lần đi công tác giữa thành phố Sài Gòn, đồng chí bị bắt và bị giam tại Khám Lớn, Sài Gòn.

Ngày 2/5/1933, thực dân Pháp mở phiên tòa “đại hình đặc biệt” tại Sài Gòn để xử 120 chiến sĩ cộng sản, trong đó có Nguyễn Chí Diểu. Nguyễn Chí Diểu bị kết án khổ sai chung thân và bị đày ra Côn Đảo. Trong tù, đồng chí lại là một trong những người chủ trì các hoạt động của Đảng, luôn nêu cao tinh thần cách mạng, luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh trực diện với địch.

Tháng 6/1936, trước áp lực của trào lưu dân chủ tiến bộ Pháp, chính quyền thống trị ở Đông Dương buộc phải trả tự do cho hàng trăm cán bộ, đảng viên đang bị chúng giam giữ. Theo sự phân công của Trung ương, đồng chí Nguyễn Chí Diểu phải về ngay Huế để nắm lại tình hình của Đảng bộ Trung Kỳ bị vỡ sau thời kỳ khủng bố trắng của địch.

Ở Huế không bao lâu, Nguyễn Chí Diểu vào Sài Gòn để báo cáo tình hình với Trung ương. Những ý kiến cụ thể của đồng chí đã giúp cho bộ phận Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo phong trào trong nước, hoàn chỉnh những nhận định về tình hình và đề ra chủ trương trước mắt, nắm chắc yêu cầu của công tác tổ chức.

Trở về Huế trực tiếp lãnh đạo các cuộc đấu tranh và bí mật hoạt động. Cùng với Phan Đăng Lưu, đồng chí đã đi vào các xưởng thợ, nhà máy vôi Long Thọ, nhà in báo Tiếng Dân, trường Kỹ nghệ Thực hành và một số xã vùng ven thành phố để tuyên truyền, vận động công nhân và nông dân đấu tranh đòi các quyền lợi thiết thực. Nguyễn Chí Diểu cùng các đồng chí trong tổ chức Cộng sản Thừa Thiên tổ chức cuộc họp ở hiệu sách Hương Giang (do đồng chí Hải Triều chủ trì) để đề ra biện pháp chống lại những thủ đoạn của kẻ thù và đề ra chủ trương mới - chuẩn bị tổ chức Đông Dương Đại hội tại Trung Kỳ, mở rộng khả năng hoạt động hợp pháp để phát triển phong trào cách mạng quần chúng...

Sau khi chỉ đạo thành công cuộc bầu cử nghị viện Viện Dân biểu Trung Kỳ khóa 3, đồng chí Nguyễn Chí Diểu được triệu tập dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương mở rộng tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định). Từ Hội nghị trở về, đồng chí ốm nặng. 

Sau hơn một năm chiến đấu trên giường bệnh, ngày 15/9/1939, đồng chí trút hơi thở cuối cùng, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với Đảng, đồng chí, đồng đội và đồng bào.

 Cao Huy Hùng

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tự hào mang tên Nguyễn Chí Diểu

Như một cơ duyên, năm 2019 này tròn 70 năm thành lập Trường trung học kháng chiến (THKC) Nguyễn Chí Diểu, ngôi trường đầu tiên của chính quyền cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế sau Cách mạng Tháng Tám và cũng là 40 năm Trường trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Chí Diểu ra đời.

Tự hào mang tên Nguyễn Chí Diểu
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Chí Diểu (1908-2018)
“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Thừa Thiên Huế là nơi sinh ra người con ưu tú, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc Nguyễn Chí Diểu. Những di tích lịch sử văn hóa mang tên “Nguyễn Chí Diểu” không chỉ là niềm tự hào mà còn có ý giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng
Return to top