Đảng được xây dựng, lớn mạnh từ Nhân dân. Chi bộ là gốc rễ của quần chúng. Theo chân đảng viên để tìm hiểu về công tác xóa thôn, bản trắng đảng viên; nghe cán bộ vùng giáp biên kể về việc giúp dân có cái ăn mùa giáp hạt… mới thấy được Đảng trong dân quan trọng đến nhường nào.
Đảng viên ngư dân là “hạt nhân” quan trọng trong quá trình vươn khơi bám biển
“Vì tôi là đảng viên”
30 năm tuổi đời, 8 năm tuổi Đảng, Trần Văn Cường (tổ dân phố Tân Bình, phường Thuận An, TP. Huế) là đảng viên hiếm hoi đang là ngư dân.
Anh là cái tên quá quen thuộc ở vùng cửa biển. Một chàng trai khi chưa đến tuổi 30 dám “cả gan” vay mượn, đầu tư hàng tỷ đồng để đóng mới con tàu gần ngàn mã lực. Sở hữu tàu to, kiên trì bám biển là mục tiêu của Cường, nhưng thế hệ trẻ vùng biển hiếm ai mạnh dạn như anh. Ngoài câu chuyện mưu sinh, giữ nghiệp tổ tiên thì lý do đóng tàu to của chàng thuyền trưởng trẻ này là: “Vì tôi là đảng viên”.
Đảng viên thì sao? Đảng viên là phải gương mẫu, tiên phong và đi đầu trong mọi phong trào. Ý niệm ấy trong Cường lớn hơn khi anh nói về trách nhiệm một đảng viên trước trọng trách giữ biên cương nước nhà.
“Vùng biển của Tổ quốc là nơi chúng ta có đặc quyền kinh tế. Bám biển không chỉ kiếm cái ăn mà còn góp phần giữ vững vùng biên cương Tổ quốc”, Cường bày tỏ.
Hơn 10 năm bám biển, Cường không thể nhớ hết đã qua bao nhiêu chuyến làm bạn cùng sóng nước. Nhưng có lẽ điều anh nhớ nhất là những lần vượt "bão”. Đó là thời điểm Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển, rồi liên tục gia tăng các hành động phá hoại tàu cá. Cường khi ấy đang là chàng ngư dân mới ngoài 20, vừa vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. “Trước khó khăn mà chùn bước thì đã sai với lời thề trước Đảng. Lúc ấy, nhiều tàu cá Việt Nam vươn khơi bị Trung Quốc cản trở, phá hoại khiến ai cũng lo lắng. Là đảng viên trẻ, tôi quyết không chùn bước, ngoài việc góp phần tuyên truyền cho ngư dân địa phương hiểu vùng biển chúng ta được khai thác, tôi cùng các bạn thuyền gia tăng mật độ vươn khơi. Từ sự kiện giàn khoan 981 càng thôi thúc tôi sở hữu riêng mình tàu cá để bám biển, giữ biển dài lâu”, Cường tâm sự.
Biển không phải lúc nào cũng thuận lòng ngư dân. Thiên tai, nhân tai cũng khiến nhiều con tàu chòng chành trên mặt nước. COVID-19 khiến việc đánh bắt, tiêu thụ hải sản gặp khó. Nhiều con tàu nằm bờ, ngư dân cũng ít mặn mà ra khơi. Những lúc này, vai trò của đảng viên ngư dân quan trọng trong việc thôi thúc ngư dân một lòng với biển.
Ông Đào Xuân Hạnh - Bí thư Chi bộ thôn 2 (xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang) là một tay biển cừ khôi. Mùa dịch nhưng ông chưa bỏ chuyến nào khi gió yên, sóng lặng. Chính ông cũng là người kết nối anh em ngư dân cùng nhau vượt khó. “Hải sản dù rẻ dù đắt, ngư dân cũng phải khai thác. Cái cốt yếu chính là Nhà nước luôn ở bên ngư dân. Chính phủ cũng có những chính sách hỗ trợ xăng dầu giúp chúng tôi có thêm động lực. Lơ là biển thì không chỉ đứt đoạn kế sinh nhai mà còn biển vắng đi những cột mốc canh giữ. Là đảng viên cần ý thức được điều đó”, ông Hạnh nói.
Đảng viên Trần Văn Cường miệt mài bám biển
Hồi ức của người đi tìm đảng viên
Những đảng viên như anh Cường là kết tinh của của những nỗ lực gây dựng tổ chức cơ sở Đảng thời xã trắng đảng viên.
Ngược núi để trò chuyện với già làng Hồ Thanh Xoa (xã A Ngo, huyện A Lưới) mới thấy được nỗi gian truân của người gây dựng tổ chức cơ sở Đảng.
Bây giờ, số người còn am tường việc già Xoa băng rừng tìm đảng viên ở những năm thập kỷ 90 không còn nhiều. Song, chính hành trình của già Xoa đã tạo nền tảng cho một Đảng bộ xã Hương Phong (huyện A Lưới) với khoảng 60 đảng viên như bây giờ.
Theo lời ông Xoa, lúc bấy giờ Hương Phong là xã trắng đảng viên duy nhất trên toàn quốc. Vùng đất này là nơi sinh sống của mấy trăm hộ dân người Kinh đi kinh tế mới. Trong số đó, nhiều người có gốc gác từ Thanh – Nghệ - Tĩnh. Người dân tộc Tà Ôi như ông Xoa làm thế nào để nói đồng bào người Kinh nghe và thuận? Chính Bí thư Đảng ủy xã Hương Phong hiện nay - ông Nguyễn Hùng cũng thừa nhận rằng, đó là hành trình vất vả. Khó từ việc tìm nguồn, xác minh lý lịch và cả tạo ra “cần câu cơm” cho quần chúng.
Dù đã hơn 80 tuổi nhưng già Xoa vẫn nhớ như in quá trình tìm "nguồn" lúc ấy. Trước khi tìm quần chúng ưu tú, ông quyết tìm việc cho người dân. “Ngoài khai thác lâm sản, người dân không có một phương án sản xuất nông nghiệp ổn định. Tôi phải vận động Nhân dân “tách hộ lập vườn”, rồi hướng dẫn bà con cách trồng lúa. Tổ chức các cuộc thi sản xuất lúa giỏi nhằm khích lệ người dân hăng hái tăng gia sản xuất, trước để chủ động cái ăn, sau có lương thực dự trữ mùa giáp hạt”, ông Xoa chia sẻ.
Dân no cái bụng, ông Xoa bắt tay vào việc tìm người ưu tú với ba tiêu chí: Cán bộ đương chức, trình độ học vấn và lý tưởng vào Đảng. “Khó nhất là khâu xác minh lý lịch, bởi nhiều đồng chí không phải người địa phương. Đích thân tôi phải cầm hồ sơ các đồng chí ấy lặn lội khắp các tỉnh thành để xác minh, có khi ròng rã cả năm trời. Và rồi 4 đồng chí cũng hội đủ những tiêu chí để đứng vào hàng ngũ, tiến đến việc thành lập Chi bộ Hương Phong”, ông Xoa bày tỏ.
Sự “thay da đổi thịt” bây giờ ở Hương Phong có dấu ấn rất lớn từ các tổ chức cơ sở Đảng. Bí thư Đảng ủy xã Hương Phong Nguyễn Hùng – một trong những đảng viên được già Xoa phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu kết nạp chia sẻ về tầm quan trọng của việc gây dựng tổ chức cơ sở Đảng bằng câu nói của Bác Hồ: Chi bộ hoạt động tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy.
Hương Phong chính là xã đầu tiên của huyện miền núi A Lưới cán đích nông thôn mới.
Già làng Hồ Thanh Xoa luôn gần gũi với người dân để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước
Hạt nhân nơi biên cương
Tiếp tục rong ruổi trên các ngả đường biên giới vùng cao A Lưới, địa phương có 53 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Huyện ủy, 223 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, đặc biệt tỉ lệ đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% mới thấy được sự cách trở đã thuộc về ký ức.
Biên giới tưởng xa mà lại gần. Những con đường bê tông dọc ngang kết nối thôn, bản. Những khóm hoa mười giờ hai bên đường điểm xuyến, làm tươi mát một vùng đất tưởng chừng cằn khô. Chàng trai trẻ thôn Căn Sâm, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới tên Dích chỉ tay vào một mảng xanh dưới chân hàng chè tàu khoe với chúng tôi: “Nhờ tuyên truyền, vận động cả đấy. Ngoài làm rẫy, người dân cũng trồng hoa”.
Anh Nguyễn Công Dích là Bí thư chi bộ thôn Căn Sâm, chuyện của anh đề cập chính là việc người dân hưởng ứng những phong trào làm sạch môi trường đã trở thành chủ trương của tỉnh và huyện. Dẫu không nói nhưng ai cũng hiểu, xoay chuyển ý thức của đồng bào dân tộc thiểu số là không hề giản đơn. “Bí thư phải dọn rác, đảng viên phải trồng hoa thì dân mới làm theo. Thôn của tôi bây giờ trở thành điển hình trong các phong trào bảo vệ môi trường đấy”, Bí thưc chi bộ thôn Căn Sâm quả quyết.
Ở A Lưới bây giờ, những bí thư chi bộ tuổi đời còn trẻ không hiếm, họ chính là sự chuyển tiếp thế hệ. Nói như Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Lưới - Hồ Đàm Giang: Đó là những hạt nhân nơi biên cương.
Trò chuyện, đồng bào ở rẻo cao bây giờ đã ít nhắc đến chuyện khó, chuyện khổ mà nghĩ về việc nuôi còn gì, trồng cây gì, hay chính sách, chủ trương gì của Đảng và Nhà nước cần làm theo.
Anh Hồ Văn Cân, Bí thư chi bộ thôn Pier2 (xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới) tự tin, cái đói cái nghèo không còn đeo bám, hủ tục lạc hậu cũng dần được xóa bỏ. “Nói về mô hình xóa nghèo thì nhiều lắm anh. Dân bây giờ biết làm ra lúa không chỉ để no bụng mà còn dự trữ; nuôi con bò cũng nghĩ đến việc gây dựng thương hiệu vùng cao; đan lát, dệt zèng dù thu nhập không cao nhưng quyết giữ vì nét văn hóa đặc trưng. Ban đầu, những điều đó người dân chưa hiểu, nhưng khi được tuyên truyền bằng phương pháp “mưa dầm thấm đất” và đặt lợi ích của dân lên trước thì họ sẵn sàng làm theo. Hay việc tuyên truyền về phòng, chống COVID-19, khi chúng ta nói hợp lý hợp tình, bà con tự nguyện thực hiện. Để làm những điều đó, chúng tôi phân công từng đảng viên phụ trách tuyên truyền, nhưng đảng viên phải là người đi đầu, làm tốt trước tiên”, anh Cân chia sẻ.
Bài toán xóa trắng đảng viên đã có lời giải, song để chi bộ vững mạnh, đảng viên gương mẫu không chỉ bằng lời nói. Kinh tế dẫu có đổi thay, nhưng còn đó câu chuyện đảng viên buộc phải ly hương. Để chi bộ không đứng trước nguy cơ tái trắng đảng viên, công tác phát triển Đảng ở vùng biên giới buộc phải vượt qua nhiều thách thức.
Bài, ảnh: Lê Thọ
Kỳ 2: Trong trăm ngàn cái khó buộc phải ló cái khôn