Thừa Thiên Huế đang tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng cách hướng đến xây dựng thành phố xanh - sạch - sáng. Ảnh: TH
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành 5 năm cuối cùng của cuộc đời mình, dành những thời khắc ý nghĩa, thiêng liêng đối với Người, dành hết tâm huyết cho bản Di chúc mà 50 năm qua đã trở thành áng văn kiện lịch sử, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn về nhiều mặt.
Toàn bộ bản Di chúc là niềm tin vào thắng lợi của cách mạng và niềm tin Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, đàng hoàng, to đẹp hơn sau khi kết thúc chiến tranh. Bản Di chúc 1.000 từ của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua năm tháng đã chính thức trở thành quốc bảo của dân tộc.
Bản Di chúc với những giá trị bất hủ đã để lại cho đất nước, cho dân tộc và Đảng Cộng sản Việt Nam những bài học quý báu, những định hướng hành động quan trọng trong sự nghiệp cách mạng thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong 6 vấn đề lớn đề cập tới trong Di chúc, Người đặc biệt chú trọng vấn đề đoàn kết.
Người khẳng định: Vấn đề đoàn kết có tầm quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng. Đoàn kết là nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam là do sự đoàn kết trong Đảng đem lại. Trước hết là đoàn kết ở trong Đảng. Bác căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Hình ảnh "giữ gìn con ngươi của mắt mình" được Bác dùng là hình ảnh sâu sắc và lắng đọng nhất, gợi nên ý nghĩa sâu xa trong tư tưởng vĩ đại của Người.
Trước lúc đi xa, Bác viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Bác đặt hai chữ “Toàn Đảng” đứng trước cụm từ “toàn dân” để nói về đoàn kết. Như vậy theo Bác, muốn tạo sự đoàn kết trong Nhân dân, trước hết phải tạo sự đoàn kết trong Đảng, phải có sự nhất trí cao trong Đảng mới có thể tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân. Muốn đoàn kết thì Đảng cần phải giữ gìn, phát huy mạnh mẽ hơn, đi trước và lo trước việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thừa Thiên Huế là một vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hoá đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang; là nơi Bác Hồ và gia đình đã từng sinh sống, được Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm động viên, cổ vũ, nhất là trong thời kỳ kháng chiến đầy gian khổ. Thấm nhuần tinh thần đại đoàn kết của Bác, trong kháng chiến, nhiều nhân sĩ trí thức ở Huế đã lên chiến khu, đi theo cách mạng, tham gia 2 cuộc kháng chiến góp phần giành độc lập tự do cho dân tộc và thống nhất đất nước. Tiêu biểu như cụ Ưng Úy, nguyên Thượng thư Bộ Lễ; cụ Phạm Khắc Hòe là một luật sư, nhà văn; Đổng lý Ngự tiền văn phòng triều đình Huế; các nhà khoa học tên tuổi như GS. BS. Tôn Thất Tùng, GS. BS. Đặng Văn Ngữ, GS. BS. Hồ Đắc Di, TS. Luật khoa Hồ Đắc Điềm, cụ Nguyễn Đoá, bà Nguyễn Đình Chi, Hoà thượng Thích Đôn Hậu, GS. Tôn Thất Dương Kỵ... Ngày Bác mất, Nhân dân Thừa Thiên Huế miền núi cũng như miền xuôi đều hướng về Hà Nội và trong niềm tiếc thương vô hạn đã bằng nhiều cách để tang tưởng nhớ Bác. Đặc biệt, đồng bào dân tộc miền Tây của tỉnh đã lấy họ Hồ của Bác làm họ của mình.
50 năm qua, thực hiện Di chúc của Bác, Thừa Thiên Huế đã không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần thi đua yêu nước trong mọi thời kỳ cách mạng, tạo sự nhất trí cao trong Đảng và sự đồng thuận trong Nhân dân. Ngày nay, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà đang tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Sau 44 năm giải phóng, Thừa Thiên Huế đang hướng đến xây dựng thành "đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường", là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục đào tạo lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế.
PHAN CÔNG TUYÊN