ClockThứ Sáu, 10/04/2020 13:59

Ứng phó Covid-19: Phép “sàng lọc” cán bộ lãnh đạo

Lãnh đạo giỏi thế nào sẽ thể hiện rất sinh động qua phòng chống dịch Covid-19, lo an sinh cho dân và có kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh cụ thể.

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3Sáng 10/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19Thêm 2 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnhNâng cao hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thểVài phút khai báo y tế trung thựcĐón tin tốt lành

Phòng, chống dịch Covid-19 được xác định là nhiệm vụ tối thượng (Trong ảnh: Đoàn của UBND tỉnh Đồng Tháp kiểm tra khu vực cách ly tập trung. Ảnh: VOV-ĐBSCL)

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và ảnh hưởng ngày càng nặng nề đến mọi mặt hoạt động của đời sống kinh tế- xã hội của đất nước. Các ca mắc Covid-19 vẫn tăng lên hàng ngày (đến 6h sáng 10/4, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 255) cho dù mức tăng có thấp hơn, số người được chữa khỏi cũng cao dần. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh cộng với khó khăn từ hạn hán, xâm nhập mặn ở một số nơi...càng làm cho cuộc sống thêm chật vật.

Chính bối cảnh khó khăn đó đòi hỏi cán bộ lãnh đạo các cấp cần có quyết tâm chính trị cao, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm và phải có trí tuệ, cùng với tập thể lãnh đạo, vượt qua khó khăn trong giai đoạn phòng chống dịch và hậu dịch bệnh. Nói cách khác, thời điểm này sẽ giúp chúng ta đánh giá được năng lực bộ máy, nhất là năng lực và uy tín của cán bộ lãnh đạo quản lý, như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là “qua ứng phó với đại dịch xem cán bộ giỏi thế nào”.

Phòng, chống dịch Covid-19 hiện được xác định là nhiệm vụ tối thượng. Các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đều xác định “chống dịch như chống giặc” và yêu cầu huy động mọi nguồn lực, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt để ngăn chặn đại dịch lây lan. Việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ này sẽ cho thấy vai trò của lãnh đạo của các cấp, các ngành, cho dù mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị có nhưng điều kiện, đặc thù và nguồn lực khác nhau.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các ngành, các cấp, các địa phương đã nhanh chóng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, bước đầu thu được những kết quả tích cực, được nhân dân và cộng đồng quốc tế đồng tình, đánh giá cao.

Tuy nhiên, cũng không thiếu những ví dụ cụ thể cho thấy nhiều nơi còn để xảy ra vi phạm trong công tác phòng chống dịch. Câu chuyện để xảy ra tụ tập đông người, karaoke hoạt động chui, tổ chức cưới, giỗ rình rang giữa mùa dịch... mà báo chí phản ánh, cho dù với lý do gì thì người đứng đầu nơi đó cũng có trách nhiệm, bởi chỉ cần một nơi buông lỏng cũng có thể khiến công sức phòng chống dịch lâu nay đổ sông đổ bể. Có thể dẫn ra nhiều trường hợp cán bộ đã bị đình chỉ công tác như Chủ tịch UBND thị trấn Thọ Xuân (Thanh Hoá), Chủ tịch UBND phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng ĐH Ngân hàng TPHCM...

Đã là nhiệm vụ tối thượng thì không thể chấp nhận sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý, nhất là khi các cấp cao nhất đã chỉ rõ: Chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, hài lòng với những kết quả đã làm được, cần phải tiếp tục thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn nữa, đồng bộ và hiệu quả hơn nữa để ngăn chặn và dập tắt dịch bệnh.

Lãnh đạo giỏi không chỉ truyền chỉ đạo cấp cao là xong mà còn phải có ý tưởng, hành động, kịch bản cho địa phương, đơn vị mình duy trì phát triển ở mức cao nhất có thể, khi mà tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. “Nhiệm vụ kép” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh đã chỉ rõ bên cạnh phòng chống dịch phải tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Phòng Thương mại và Công nghệp Việt Nam (VCCI) dẫn chứng, trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã có tới gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - con số kỷ lục từ trước đến nay. Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, có thể gần 30% số doanh nghiệp được khảo sát chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.

Cách ly xã hội trong tình hình hiện nay chắc chắn phải thực hiện quyết liệt vì sức khoẻ, tính mạng của người dân. Song là người lãnh đạo, không phải cứ "đóng cửa" nằm nhà là yên tâm, mà phải nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội để không chỉ củng cố nội lực mà còn tạo nền để chúng ta vực dậy nhanh hơn ở giai đoạn “hậu Covid-19”. Năng lực lãnh đạo phải được bộc lộ qua kế hoạch của từng cấp, từng ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

“Cán bộ giỏi thế nào” cũng sẽ thể hiện rất rõ qua bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân. Các nghiên cứu đều nhấn mạnh cú sốc Covid-19 sẽ để lại tác động nghiêm trọng đến giảm nghèo, trực tiếp thông qua bệnh tật và gián tiếp thông qua mất thu nhập. Và điều này buộc chúng ta phải hành động khẩn cấp.

Gói hỗ trợ chung đã được Chính phủ tính toán và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao về chủ trương giúp nhân dân đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh đó địa phương phải cho thấy vai trò của mình. Dẫu biết rằng những tỉnh, thành phố dư dả về ngân sách thì lãnh đạo dễ quyết hơn, song không vì thế mà nơi điều kiện yếu hơn thì lãnh đạo ngồi chờ và mặc những người dân yếu thế tự vùng vẫy.

Yêu cầu người dân đóng cửa tiệm, treo quang gánh, gác xe hàng hay xử phạt anh shipper, chị công nhân khi bỏ khẩu trang ăn cơm nơi vỉa hè, công viên chắc chắn không khó và sẽ là đúng luật. Cái khó là giải pháp nào giúp họ, bởi nhiều người còn nghèo lắm, “ráo mồ hôi là hết tiền” thì dễ gì yên tâm ngồi nhà cách ly. Lãnh đạo giỏi chắc thấu hiểu điều này để rồi suy nghĩ chăm lo cho người dân bằng những hành động cụ thể, thiết thực chứ không chỉ bằng lời nói.

“Trong nguy có cơ”, dịch bệnh đang có những tác động sâu rộng, toàn diện tới kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng song cũng chính thực tế đó lại là dịp “lửa thử vàng” để cán bộ thể hiện bản lĩnh “chống giặc”, thể hiện trí tuệ, vai trò lãnh đạo cũng như năng lực xử lý những tình huống khó khăn nhất. Điều này càng có ý nghĩa trong công tác nhân sự khi Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thư XIII của Đảng đang diễn ra.

Theo VOV.VN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều động, bổ nhiệm lãnh đạo các sở

Sáng 28/11, UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Phó Giám đốc Sở Nội vụ; Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); Phó Giám đốc Sở Y tế và Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh.

Điều động, bổ nhiệm lãnh đạo các sở
Tăng cường cán bộ nữ tham gia cấp ủy

Ngày 21/11, Đoàn công tác của Học viện Chính trị quốc gia (CTQG) Hồ Chí Minh do PGS.TS Lê Văn Chiến - Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện CTQG Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Thị ủy Hương Thủy về công tác cán bộ nữ.

Tăng cường cán bộ nữ tham gia cấp ủy
Return to top