Người dân A Lưới được nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội. Ảnh: HOÀI THƯƠNG
Chủ đề về CNXH và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa là đề tài rộng, vừa có tính lý luận vừa là hiện thực. Từng nội dung đã được Tổng Bí thư phân tích, mổ xẻ dưới các góc độ, làm rõ thêm những quan điểm, thành tựu đạt được và những ý kiến trái chiều, thậm chí phản đối.
Nhìn lại con đường Việt Nam đã đi qua từ sau Đại hội Đảng lần thứ 6, có thể đánh giá giá trị sâu sắc quan điểm đó.
Lâu nay, các thế lực phản động, số cực đoan chống đối cho rằng Đảng ta thiếu bản lĩnh, bảo thủ, cực đoan, giáo điều về đường lối, cố theo đuổi mô hình CNXH đã bị phá sản ở nhiều nước, nhất là sau khi Đông Âu, Liên Xô tan rã.
Lấy thực tế đó để chứng minh con đường Đảng ta áp dụng là sai lầm, lấy thất bại của hệ thống XHCN để mỉa mai sự tồn tại của chế độ, cho rằng Việt Nam máy móc theo học thuyết Chủ nghĩa Mác-Ăng ghen, rập khuôn mô hình của Lê-Nin “vẽ lên” ở châu Âu, Liên Xô cả trăm năm trước vốn đã lạc hậu. Từ một hệ lý luận không tưởng, chưa được kiểm nghiệm đã được áp dụng và “kiên định” đi theo sẽ khó tránh khỏi thất bại, sớm muộn sẽ bị sụp đổ như đã diễn ra ở các nước.
Chế độ CNXH Việt Nam được xác định là vì con người, vì lợi ích chính đáng của Nhân dân, không nhằm phục vụ lợi ích của bất cứ nhóm quyền lợi nào. Dù cần tăng trưởng về kinh tế, nhưng Nhà nước ta đã xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, vì lợi ích của Nhân dân.
Từ sau 1986, Đảng đề ra đường lối đổi mới, trong đó ưu tiên đổi mới về kinh tế; tiếp tục thực hiện đổi mới về chính trị, xã hội, từ kinh tế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế đó giống nhau về bản chất, nhưng có nhiều điểm khác biệt với kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Nó vừa là nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại theo quy luật thị trường, vừa đồng thời có sự quản lý của Nhà nước XHCN, Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Điều đó có nghĩa là giảm thiểu những khuyết tật, tồn tại của kinh tế thị trường, người dân được quan tâm về an sinh, người yếu thế được chăm sóc, giảm được phân hóa giàu-nghèo, điều tiết được lợi nhuận thặng dư tập trung vào một số ít nhà tư bản. Đây là mô hình sáng tạo, là kết quả của sản phẩm đổi mới tư duy về kinh tế của Đảng ta và được chứng minh bằng những kết quả trên thực tế.
Sau 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã có những biến đổi mạnh mẽ để có tiềm lực như hôm nay.
Giai đoạn 1975-1985 do chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, bị bao vây cấm vận, ảnh hưởng của chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam, nền kinh tế kiệt quệ, thiếu lương thực, hàng tiêu dùng, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Sau đổi mới, đến giai đoạn 1991-1995, thu nhập GDP đạt trung bình 8,2%/năm và năm 2020 mặc dù ảnh hưởng nặng nề đại dịch COVID-19 nhưng GDP vẫn đạt 2,91%, thuộc nhóm các nước phát triển cao nhất khu vực và trên thế giới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, nếu như năm 1989 mới đạt tổng thu 6,3 tỉ USD/năm thì đến 2020 đạt 268,4 tỉ USD/năm. Từ một nước thiếu ăn, đến nay chúng ta đã xuất khẩu gạo và nhiều mặt hàng nông sản đứng tốp đầu thế giới, xuất siêu lần đầu tiên đạt mức 19,1 tỉ USD năm 2020. Đời sống vật chất của Nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 1985 chỉ có 159 USD/năm thì đến 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm. Tỷ lệ hộ nghèo từ 58% năm 1993 giảm xuống 2,75% năm 2020. Thu nhập bình quân hộ nghèo tăng 1,6 lần so với năm 2015. Việt Nam về đích trước 10 năm, hoàn thành “Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc về giảm nghèo bền vững”, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Ngay như trong đợt bùng phát dịch COVID-19, Chính phủ chủ trương ngay từ đầu: Không ai bị bỏ lại phía sau, bảo vệ sức khỏe người dân là ưu tiên hàng đầu... Chính phủ đã chi cho gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng là hết sức lớn và chưa có tiền lệ. Những thành tựu đạt được trong 35 năm đổi mới và kiên định đi theo con đường CNXH là hoàn toàn đúng đắn.
Sau Đại hội lần thứ 6, Đảng ta xác định: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trên thế giới”. Trên quan điểm đó, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao, kinh tế với nhiều quốc gia trên thế giới, phần lớn có chế độ tư bản chủ nghĩa và không liên kết.
Các nước quan hệ với Việt Nam theo nguyên tắc bình đẳng, đôi bên cùng có lợi, không phân biệt thể chế chính trị, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Như vậy, Việt Nam lựa chọn con đường đi lên CNXH có sự khác biệt thể chế chính trị với phần lớn các nước nhưng không ảnh hưởng đến quan hệ đối tác, đảm bảo những yếu tố cơ bản để phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Vấn đề Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra về con đường đi lên CNXH là gián tiếp khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Những thành công Việt Nam đạt được đã chứng minh tính đúng đắn về con đường đi lên CNXH mà Đảng đề ra và kiên định thực hiện. Đó chính là cơ sở để Đại hội Đảng XIII tiếp tục định hướng phát triển đất nước với những mục tiêu cao hơn.
NGUYỄN PHƯỚC KHÁNH