ClockThứ Ba, 01/08/2017 14:31

Xây dựng Đảng: Công khai và minh bạch

Ngày hôm qua, 31/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông báo về Kỳ họp thứ 16 với nội dung tập trung vào việc xem xét, kết luận về các vi phạm, khuyết điểm của một số tập thể, cá nhân cán bộ và nguyên cán bộ cao cấp; xem xét, thi hành kỷ luật một số cá nhân, trong đó có Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Công Thương…

Cũng trong ngày hôm qua, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiến hành phiên họp thứ 12 với nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng với những biện pháp thận trọng nhưng quyết liệt.

Điều đó thể hiện sự nghiêm khắc đối với khuyết điểm của cả tập thể và đảng viên (kể cả cán bộ cao cấp), cho thấy tính công khai, minh bạch trong xây dựng Đảng và quyết tâm cao của Đảng trong việc biến Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng thành hành động để xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin đối với nhân dân.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp thứ 16. Ảnh: TTXVN 

“Xây” và “chống” là hai mặt của một vấn đề. Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) đã nêu rõ quan điểm: “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa "xây" và "chống"; "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách”.

Nhân dân luôn nhìn vào Đảng thông qua những cán bộ, đảng viên và việc làm cụ thể của họ. Bởi vậy, cán bộ cấp càng cao, trách nhiệm càng lớn. Cán bộ cấp càng cao thì việc họ làm, cả việc tốt và việc xấu, ảnh hưởng càng rộng; nhất là những việc xấu, gây hậu quả càng nặng nề mà nhiều khi không thể khắc phục.

Những sai phạm, thậm chí là là vi phạm nghiêm trọng ở Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ giai đoạn 2011 - 2016, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhiệm kỳ 2005 - 2010 và 2010 - 2015 cùng các cá nhân là cán bộ chủ chốt và những vi phạm nghiêm trọng của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa dẫn đến những sai phạm trong công tác cán bộ, tài chính, gây thiệt hại lớn về kinh tế… Nhưng hậu quả ở đây không chỉ dừng lại ở khía cạnh kinh tế, mà nghiêm trọng hơn, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng và bộ máy Nhà nước.

Chính vì thế, ngay cả nhà nước phong kiến trước đây cũng định ra luật lệ "Quan phạm tội, xử nặng hơn thứ dân" và có thể coi đó là điều sống còn đối với một chế độ. Vì nếu quan phạm tội được xử nhẹ hoặc không xử sẽ dẫn đến sự chà đạp lên pháp luật, không còn kỷ cương và xã hội rối loạn.

Trở lại với kết luận về những sai phạm của các tập thể, cá nhân và quyết định thi hành kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, có thể nói quyết định cho thấy sự minh bạch, công khai, dân chủ;  khẳng định Đảng không dung túng, càng không hề bao che cho khuyết điểm của đảng viên dù người đó là ai, giữ chức vụ gì; rằng không có “vùng cấm”, không có chuyện chỉ “tắm từ vai trở xuống”.

Suy cho cùng, đó cũng là một sự công bằng xã hội. Quyết định kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sau khi có kết luận (ngày 3/ 7) là một việc làm kịp thời, thể hiện quyết tâm cao của Đảng trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và quyết tâm cao trong việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng.

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng,  diễn ra ngày hôm qua, sau khi đánh giá kết quả trong 6 tháng đầu năm và rút ra những bài học kinh nghiệm,Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần tiếp tục tập trung thực hiện bằng được những phương hướng, nhiệm vụ đã đề ra; trong đó có việc khẩn trương thanh tra, kết luận, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có sai phạm tại 9 dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm…

Đồng thời điều tra, xét xử, xử lý các vụ án, vụ việc; nhất là các vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh, các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á, giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm, giai đoạn II vụ án Vũ Quốc Hảo…

Cần nói thêm rằng, cuộc đấu tranh phòng  chống tham nhũng không phải chỉ có cơ quan chức năng tiến hành mà phải huy động sức mạnh toàn dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc, “thành phong trào, thành xu thế” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã  khẳng định. Vì vậy, Ban Chỉ đạo cũng đã thống nhất ban hành Kế hoạch nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Tuy nhiên, đúng như tinh thần chỉ đạo của đồng chí  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng không phải và không thể làm một lần là xong, mà “phải làm đi làm lại như đánh răng rửa mặt hằng ngày”. “Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành một cách thường xuyên, toàn diện, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy phòng ngừa, xây là chính.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Ðảng là để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi vi phạm chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thiếu gương mẫu trong cuộc sống với mục đích "trị bệnh cứu người"; đồng thời, kiên quyết xử lý những tổ chức đảng, đảng viên cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín của Ðảng, đến sự phát triển của đất nước.

Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!”.

Việc kỷ luật cán bộ của Đảng là sự thật đau lòng. Nhưng, các quyết định  liên quan công tác kiểm tra, kỷ luật  của Đảng trong thời gian vừa qua, đã chứng tỏ sự công khai, minh bạch;  cho thấy sự nhất quán, nói đi đôi với làm và quyết tâm làm trong sạch đội ngũ, biến nghị quyết Trung ương 4 thành hành động để củng cố, xây dựng niềm tin của nhân dân với Đảng, để mỗi đảng viên thực sự xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Việc xử lý các cán bộ, dù đương chức hay đã nghỉ công tác, không làm cho Đảng yếu đi mà chỉ làm cho Đảng mạnh hơn; việc kỷ luật, dù là cán bộ cao cấp, không làm giảm sút uy tín của Đảng, mà càng làm cho nhân dân tin tưởng hơn ở sự nghiêm minh của Đảng.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nổi bật tuần qua: Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên; Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn

Tuần từ ngày 11/11 đến 17/11 diễn ra một số sự kiện nổi bật: Tổng Bí thư Tô Lâm dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; Chủ tịch nước thăm chính thức Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC; Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn; Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên tại Quảng Ninh, Đắk Lắk; Khởi tố và bắt tạm giam ca sĩ Chi Dân, người mẫu An Tây và ‘cô tiên’ từ thiện Nguyễn Đỗ Trúc Phương.

Nổi bật tuần qua Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên; Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn
Vinh danh các tác phẩm chính luận xuất sắc về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tối 20/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo 35 Trung ương chỉ đạo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư.

Vinh danh các tác phẩm chính luận xuất sắc về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Đoàn công tác của Quân khu 4 kiểm tra các hoạt động tại Bộ Chỉ huy Quân sự

Ngày 9/9, Trung tướng Trần Võ Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4 dẫn đầu đoàn công tác Quân khu đã đến kiểm tra kết quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị 9 tháng đầu năm 2024 và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 tại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh.

Đoàn công tác của Quân khu 4 kiểm tra các hoạt động tại Bộ Chỉ huy Quân sự

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top