Ghi nhận ở Đảng bộ Thượng Lộ
Từ năm 2005 trở về trước, các thôn: Dỗi, Cha Măng, Mụ Nằm nổi tiếng nghèo nhất xã, khiến cấp ủy, chính quyền địa phương trăn trở. Có tiềm năng đất đai, lao động dồi dào nhưng cảnh nghèo nhiều năm đeo bám người dân. Nhiều cuộc họp bàn nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ được cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhằm giúp dân thoát nghèo. Bí thư Đảng ủy xã Thượng Lộ Hồ Văn Hùng nói: “Sau khi bàn bạc, phân tích, cấp ủy, chính quyền rút ra nguyên nhân đời sống ở các thôn khó khăn, là do thiếu lực lượng “chèo lái” trong phát triển kinh tế, xã hội, mà nòng cốt là đội ngũ đảng viên. Từ đó, sự cần thiết phải có các chi bộ thôn được đặt ra đối với cấp ủy và chính quyền địa phương”.
|
Trồng cỏ chăn nuôi bò ở Hương Hòa
|
Hồi đó, ông Hồ Văn Hùng còn là Phó Bí thư Đảng ủy phải đích thân, cùng các lực lượng của xã về tận các thôn, bản tìm nguồn để đào tạo, bồi dưỡng kết nạp Đảng. Tiêu chí được đặt ra, là nguồn nhân lực trẻ, năng động, tâm huyết và có trình độ. Cấp ủy quan tâm tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, vai trò, trách nhiệm, động cơ, lý tưởng cho quần chúng ưu tú, cảm tình Đảng... Sau khi xây dựng đủ các điều kiện, tiêu chí từ năm 2005, các chi bộ thôn Cha Măng, thôn Mụ Nằm... được thành lập. Một yếu tố rất quan trọng được Đảng ủy xã quan tâm, là cơ cấu các bí thư chi bộ đều là những người có trình độ, uy tín trong ngành giáo dục, y tế và các đảng ủy viên. Từ khi có các chi bộ, công tác điều hành sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội ở các thôn từng bước nâng lên đáng kể. Đến nay, các thôn không còn hộ đói; hộ nghèo còn rất thấp, số hộ khá ngày càng nhiều.
Ông Hồ Văn Hùng cho biết, từ năm 1996 về trước, các thôn, khu vực trên địa bàn xã mới chỉ thành lập các tổ đảng, một số thôn chỉ có tổ đảng ghép. Từ sau năm 1996, công tác phát triển đảng viên được quan tâm, số lượng ngày càng tăng, xã đủ điều kiện thành lập Đảng bộ với 32 đảng viên, có 5 chi bộ. Đến nay, toàn Đảng bộ có 9 chi bộ với 92 đảng viên; trong đó, thôn Dỗi có lực lượng lớn nhất với 25 đảng viên. Từ khi có các chi bộ, các phong trào phát triển sản xuất, chính trị, xã hội ở địa phương được nâng lên rõ rệt. Các chi bộ, đảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm, về tận bản làng giúp dân xóa đói giảm nghèo; khai hoang phát triển kinh tế, đưa các loại cây trồng vật nuôi phù hợp vào sản xuất; động viên con em học tập, nâng cao trình độ để góp phần xây dựng quê hương giàu, đẹp. Chỉ tính riêng năm 2011, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT toàn xã trên 90%, 4 em đỗ vào các trường đại học...
Kinh nghiệm được đúc rút
Bí thư Huyện ủy Trần Xuân Bình cho rằng, có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình xóa thôn “trắng” chi bộ trên địa bàn huyện. Những kinh nghiệm rút ra là, cấp ủy cơ sở thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức cho các chi bộ và đảng viên về tầm quan trọng trong công tác phát triển đảng viên, xóa thôn “trắng” chi bộ. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong xây dựng Đảng, gắn với phát triển kinh tế, xã hội, ổn định quốc phòng an ninh ở địa phương. Trong quá trình xóa thôn “trắng”, gắn với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị phường, xã, thị trấn.
Hằng năm, các cấp ủy xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên, giao chỉ tiêu cho các chi bộ, lấy tiêu chí chất lượng đặt lên hàng đầu. Các chuyên đề về phát triển đảng viên được cấp ủy tổ chức thường xuyên. Các đoàn thể cấp xã, thôn, bản phát huy vai trò, nhất là Đoàn Thanh niên xây dựng kế hoạch định kỳ, giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, kết nạp. Các cấp ủy quan tâm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là chi bộ ghép. Bí thư Huyện ủy Trần Xuân Bình cho biết, một kinh nghiệm đáng lưu ý nữa là, đối với những chi bộ ghép, chưa đủ số lượng để tách, chưa có đảng viên đủ tiêu chí giữ chức vụ bí thư, thì Đảng ủy xã, thị trấn phân công cấp ủy viên, hoặc đảng viên các trường học về sinh hoạt để thành lập chi bộ riêng và giữ chức vụ bí thư. Đảng ủy xã chú trọng các đảng viên trong ngành giáo dục, cấp ủy viên bởi đây là lực lượng có trình độ, uy tín, năng lực điều hành công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới; đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương...
Đến ngày 30/6/2012, Đảng bộ huyện Nam Đông có 36 tổ chức cơ sở Đảng; trong đó, 16 đảng bộ, 20 chi bộ cơ sở, 107 chi bộ trực thuộc đảng bộ xã, thị trấn với 1.454 đảng viên. Đến nay, tất cả các thôn, khu vực trên địa bàn huyện đều có chi bộ. |
Trong các đợt sinh hoạt, cùng với nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội, các chi bộ ghép quan tâm bàn giải pháp phát triển đảng viên để tách chi bộ. Các chi bộ dành nhiều thời gian bàn bạc đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, xây dựng, bổ sung quy chế làm việc; khắc phục tình trạng hoạt động chồng chéo, buông lỏng trong lãnh đạo, điều hành, hoặc bao biện, làm thay. Các cấp ủy nâng cao sức chiến đấu, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh; củng cố, khắc phục chi bộ yếu kém, hoặc yếu kém từng mặt, nhằm lãnh đạo có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương... Mấy năm gần đây, đời sống nhân dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo đến nay giảm còn khoảng 11%, một phần là nhờ năng lực điều hành sản xuất, phát triển kinh tế của các chi bộ thôn, khu vực.
Bài, ảnh: Hoàng Triều