ClockThứ Tư, 20/11/2024 10:07

Một câu chuyện đẹp ở làng Phú Lễ

TTH - Là câu chuyện kể về gia đình cụ Ấm Hoàng đã quan tâm và chăm sóc ông Cả Khiêm và bà Nguyễn Thị Thanh (anh trai và chị gái của Bác Hồ) trong nhà một thời gian dài từ năm 1925 đến năm 1939.
 Làng Phú Lễ ngày nay. Ảnh: Xuân Tình

Đây là thời gian hai người bị quản thúc ở Huế, nơi đất khách quê người không có người thân thích, cũng vào thời gian mà chưa ai biết về Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ, vị cha già dân tộc. Sau này, từ căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc, nhớ về mối tình nghĩa đặc biệt và sâu nặng này, Bác Hồ đã gửi tặng gia đình cụ Ấm Hoàng một đồng tiền vàng để thể hiện sự cảm ơn sâu sắc của Người.

Nguyễn Hữu Hoàng (còn có tên khác cụ Ấm Hoàng), là một trong bốn người con của cụ ông Nguyễn Hữu Nhiếp - một quan chức nhỏ trong triều và cụ bà Trần Thị Quảng (mệ Sành), quê gốc ở làng Nam Dương, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền. Để tiện làm ăn, hai vợ chồng mua miếng đất ở làng Phú Lễ làm nhà, rồi mở cửa hiệu thuốc bắc để làm ăn sinh sống. Cụ là người có phong cách đạo mạo, đi đứng khoan thai, hiểu biết rộng, giỏi chữ Hán và tiếng Pháp, yêu nước theo tinh thần của một nhà nho.

Hàng ngày, cụ Ấm Hoàng mua báo, bà con, thanh niên trong làng ai biết chữ xin đọc ké cụ sẵn lòng cho mượn, trong số đó có chàng thanh niên làng Niêm Phò hay ghé qua đọc ké báo, đó là Nguyễn Vịnh – Nguyễn Chí Thanh (sau này trở thành chồng bà Nguyễn Thị Cúc, con rể của cụ Ấm Hoàng). Cụ có mối quan hệ thân thiết và luôn ủng hộ con đường cứu nước, cũng như tinh thần yêu nước của cụ Phan Bội Châu. Trong thời gian cụ Phan bị bắt và “an trí” tại Huế, cụ Ấm Hoàng lấy lý do bắt mạch bốc thuốc mới có cơ hội tiếp xúc và giúp đỡ cụ Phan trong thời gian cụ bị quản thúc từ năm 1925 - 1940.

Năm 1925, cụ Ấm Hoàng đưa em trai Nguyễn Hữu Quế tới nhà cụ Phan để xin học. Tại đây, nhiều lần cụ Ấm Hoàng được gặp ông cả Khiêm và bà Thanh. Trong một lần trò chuyện, cụ Phan tâm sự với cụ Ấm Hoàng rằng: “Ông Khiêm là một người có học lại có chất đồ Nghệ cương trực, ghét Tây, nhưng ông ấy hoang lắm, ông làm sao mời về nhà chăm lo, thuốc men, lấy vợ cho ông ấy, giữ chân ông ấy giúp tôi”. Với lời chia sẻ thân tình của cụ Phan, cụ Ấm Hoàng đã lấy lý do: “Thằng Chí nhà tôi hoang lắm, nói không nghe lời. Nhờ ông về nhà tôi dạy nó dùm tôi”. Nhờ vậy mới mời được ông Cả Khiêm về làng Phú Lễ, cùng đi với ông có bà Nguyễn Thị Thanh.

Ông cả Khiêm (1888-1950) là người có học, hiểu biết nhiều về văn học dân gian, y học cổ truyền, thông thạo về địa lý và có vốn Hán học uyên thâm. Ông thường đi chơi rồi ghé nhà người quen, gặp ai tâm đắc, vui vẻ, có khi ông ở lại mấy ngày để hàn huyên. Ngày 17/3/1920, khi bị thực dân Pháp giam lỏng ở Huế, ông cư trú tại làng Trạch Phổ (nay thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền), sau đó ông chuyển về làng Phú Lễ (nay thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền).

Bà Nguyễn Thị Thanh (1884 – 1954) có dáng người cao, hay chít khăn nhung, nghiêm cẩn từ trang phục đến nết ăn nết ở. Bà ít nói, ít bộc lộ, kỹ tính, không quảng giao như ông Cả Khiêm. Là người phụ nữ khẳng khái, dũng cảm, dám nghĩ và dám làm, tháng 11/1926, bà Thanh gửi thư cho Toàn quyền Đông Dương và Khâm sứ Trung kỳ nói rõ quan điểm chính trị của mình, đòi ân xá cho vua Thành Thái và vua Duy Tân. Trong thời gian sống ở Huế, ông Khiêm và bà Thanh thường tới thăm viếng, chăm sóc, đàm đạo với cụ Phan Bội Châu về vận mệnh đất nước, về những đồng chí của mình và tham gia vào nhóm trí thức yêu nước ở Huế.

Khi về sinh sống tại làng Phú Lễ, ông Cả Khiêm làm “lang vườn” bắt mạch chữa bệnh cho bà con chòm xóm và mở lớp dạy chữ Hán cho con em nhân dân lao động. Tuy cuộc sống rất đỗi vất vả, nhưng với tấm lòng nhân hậu và phóng khoáng, ông luôn sẵn lòng nhường cơm sẻ áo cho những người nghèo khổ, ông Cả Khiêm được Nhân dân nơi đây quen gọi là “Thầy Nghệ” một cách thân thiết và kính trọng.

Trong quãng thời gian này, theo gợi ý của cụ Phan, cụ Ấm Hoàng đã mai mối ông Cả Khiêm với bà Nguyễn Thị Giáng. Hai người đã có với nhau ba người con (Nguyễn Thị Cao sinh năm 1933; Nguyễn Thị Ba sinh năm 1937; Nguyễn Tất Thông sinh năm 1943)[1], nhưng ba người con đều mất sớm. Đây là nỗi đau đến tột cùng của hai vợ chồng. Ông Cả Khiêm luôn dằn vặt bản thân, là một thầy thuốc chữa bệnh cứu người nhưng lại không thể cứu nổi những đứa con của mình.

Có câu chuyện về ông cả Khiêm dạy cậu Chí (con trai của cụ Ấm Hoàng) tội ăn trộm vặt. Cậu Chí tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Chí – một nhà khoa học có đức, có tài, đã tham gia cải tiến tên lửa SAM-2, là một đứa con cầu tự tuy rất thông minh nhưng được chiều chuộng nên hồi nhỏ rất nghịch ngợm và khó bảo.

Cụ Yến rất buồn và than phiền với ông cả Khiêm: “Ông có cách chi dạy thằng Chí, chứ suốt ngày nó đi nhảy ao, bắt cá, lười học còn lấy tiền tôi trong tráp nữa”. Nghe vậy ông Cả liền bảo: “Mai ông mụ cứ đi chợ, ở nhà tôi ắt có thuốc dạy cho nó hết ăn cắp vặt, nhưng mụ đi chiều mới được về, trưa đừng về”. Cụ Yến đi chợ thì cụ Cả Khiêm trói cậu Chí lại đánh cho một trận thừa sống thiếu chết và dọa dìm xuống ao. “Hũ mắm treo đầu giàn” của cụ Yến, mười mấy năm có ai động tay chân với cậu, nay được ông Cả Khiêm dạy cho một bài học nên cậu Chí sợ suốt đời.

Tuy thời gian ở làng Phú Lễ không quá dài, nhưng với nhân cách sống trong sáng, cương trực, phóng khoáng, không màng danh vọng, sống thanh bạch dân dã, giàu tình nghĩa, ông cả Khiêm, bà Thanh được người dân nơi đây rất quý trọng, tình thân ngày càng thêm gắn bó.

[1] Nguyễn Chí Vịnh (2023), những câu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, tr31

LÊ THỊ MAI AN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sạch từ đường làng, ngõ xóm xuống biển

Lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, cộng đồng trách nhiệm vì một Huế xanh - sạch - sáng, thời gian qua, các ban ngành, đoàn thể, đơn vị của huyện Phú Lộc đã và đang cộng đồng trách nhiệm để cùng làm sạch các tuyến đường, bờ biển và nhân rộng các mô hình, hoạt động thiết thực.

Sạch từ đường làng, ngõ xóm xuống biển
Về làng “check-in”

Để quảng bá cảnh đẹp, thêm điểm vui chơi, giải trí, một số làng quê đầu tư cảnh trí đón khách về “check-in”.

Về làng “check-in”
Vua Hàm Nghi ghé làng La Chử

Làng La Chử được vinh danh là một trong những ngôi làng văn vật của đất Thần kinh. Đường thiên lý Bắc - Nam trước giờ đều chạy ngang, mang đến cho ngôi làng nhiều điều bất ngờ, thú vị. La Chử là một làng cổ, có lẽ được thành lập vào đời Trần không lâu sau khi Ngự sử trung tán Đoàn Nhữ Hài vào kinh lý năm 1307.

Vua Hàm Nghi ghé làng La Chử
Làng

Ngày còn nhỏ, cứ nghe được về làng là vui náo nức. Bởi lúc đó, làng còn là một chốn xa xôi, có ruộng lúa mênh mông và trời xanh cao tít.

Làng
Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo: Mấu chốt vẫn là vấn đề ý thức

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức lễ phát động “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”. Đây là chủ trương, giải pháp lớn, mang nhiều ý nghĩa để sớm hạ tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh xuống mức thấp nhất; thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo Mấu chốt vẫn là vấn đề ý thức
Return to top