Dư luận những ngày này dành sự quan tâm đặc biệt đến 2 phiên tòa đang diễn ra, trong đó có bị cáo từng là cán bộ cao cấp của Đảng. Đó là phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và 21 bị cáo khác về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Cũng trong thời gian này cũng đang diễn ra phiên toà xét xử Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng; Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank và 44 đồng phạm về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Đinh La Thăng trả lời luật sư trước toà ngày 10/1. Ảnh: TTXVN
Việc xét xử cá nhân, tổ chức sai phạm là cần thiết. Tuy nhiên, điều mà dư luận chú ý, đó là trong lịch sử của Đảng chưa khi nào phải xét xử những người đã từng là cán bộ cao cấp như vậy. Đó là điều đáng suy nghĩ. Vì lẽ, cán bộ cao cấp được đào tạo, thử thách và qua nhiều cương vị công tác thì ít nhất đủ tin cậy để không phạm phải tham nhũng.
Dư luận cũng cho rằng, việc công khai xét xử như vậy đã củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào quyết tâm của Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu, tạo ra phong trào lớn hiện nay mà bất kỳ thành viên nào trong Đảng cũng không thể đứng ngoài cuộc, không thể coi đó là việc của người khác. Càng chứng minh quan điểm chỉ đạo “không có vùng cấm”, “không có việc hạ cánh an toàn”.
Đại tá Nguyễn Ngọc Hưng, nguyên cán bộ Tổng Cục an ninh, Bộ Công an cho rằng, ai cũng có những ưu khuyết điểm. Trước đây Đảng ta chưa làm mạnh lắm nhưng lần này công khai rõ, bất kể cán bộ cao cấp, nếu sai vẫn thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng để giải quyết. Xử lý kỷ luật theo quy định như vậy thì Đảng mới mạnh được. Việc công khai thông tin tạo nên sức mạnh của Đảng.
Chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua đã được cả hệ thống chính trị quyết liệt thực hiện. Hàng loạt vụ án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử, nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý, kỷ luật và thông tin rộng rãi đến quần chúng nhân dân. Điều đó cho thấy sự thống nhất trong nhận thức của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đó không những là quyết tâm ngăn chặn, đầy lùi tệ nạn tham nhũng, gây thiệt hại về kinh tế, làm nghèo đất nước với các vụ đại án tham nhũng hàng trăm nghìn tỷ đồng mà qua cuộc đấu tranh này làm cho Đảng trong sạch vững mạnh. Hay như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “làm cho Đảng vững bền”.
Qua cuộc đấu tranh chống tham nhũng, không chỉ kỷ luật, xét xử người vi phạm mà chính là tạo đoàn kết, thống nhất trong Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu, thực hiện vai trò lãnh đạo và cầm quyền trong tình hình mới.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Đảng viên mắc kỷ luật đến đâu thì phải xử lý đúng theo kỷ luật của Đảng. Đó không phải là đấu tranh nội bộ, triệt phá bè cánh, mà là cách làm của 1 đảng đảng cách mạng chân chính, vì dân Đảng mới tự phê bình và phê bình. Sai phạm đến đâu sẽ phải xử lý đến đó. Lịch sử các đảng cộng sản trước nay đều như vậy. Mỗi lần như vậy chỉ có tăng sức mạnh của Đảng, tăng niềm tin của nhân dân”.
Mới đây, trong bài viết của mình nhân dịp năm mới Mậu Tuất 2018, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ suy tư rằng: “Nếu tình hình tham nhũng và suy thoái không được loại trừ, Đảng này, chế độ này, đất nước này sẽ đi về đâu? Người chép sử không bao giờ viết chữ "nếu". Chính vì vậy mà ngay lúc này, Đảng và những người nắm giữ vai trò chèo lái đất nước phải kiên quyết hành động”.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng cho rằng việc phanh phui, gột rửa những nhem nhuốc, tiêu cực sẽ không dừng lại, mà từ đây, với niềm tin đã được xốc dậy, cả đất nước sẽ đồng lòng, chung sức diệt trừ giặc nội xâm. Kết thúc bài biết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Nhân dân luôn đứng bên cạnh Đảng, đồng lòng đi theo Đảng bằng cả lý trí và trái tim để thực hiện đến cùng cuộc đấu tranh này”.
Còn Giáo sư Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, để giữ được niềm tin của nhân dân, đòi hỏi Đảng phải hết sức trong sáng về đạo đức.
“Đảng cầm quyền mà rơi vào suy thoái, biến chất là nỗi lo lắng lớn nhất của Bác Hồ. Cho nên Bác đặc biệt chú trọng chống quan liêu, tham nhũng, sâu xa hơn là chống giặc nội xâm, chống chủ nghĩa cá nhân. Còn với đảng cách mạng cầm quyền, nguy cơ lớn nhất là nguy cơ xa dân, nguy cơ thoát ly đời sống thực tiễn và đưa ra những quyết sách không hợp lòng dân. Cho nên Đảng có trong sạch thì mới vững mạnh, và đó là điều kiện của đạo đức cách mạng”, Giáo sư Hoàng Chí Bảo phân tích.
Chống tham nhũng hiện nay phải trở thành phong trào của quần chúng chứ không phải việc riêng của Đảng, việc riêng của Nhà nước, chính quyền. Khi đã trở thành phong trào quần chúng, nhân dân ủng hộ, đồng tâm hiệp lực cùng Đảng, Nhà nước thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ đạt kết quả vững chắc, tiếp tục củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với đất nước.
Theo VOV