ClockThứ Năm, 12/08/2021 10:14

Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á

TTH.VN - Ngày 09/8/2021, đồng chí Lê Trường Lưu - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thay mặt Tỉnh ủy đã ký ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Cổng TTĐT Tỉnh ủy xin đăng toàn văn Nghị quyết:

Góp sức để xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nướcXây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nướcKiên định mục tiêu “Trung tâm y tế chuyên sâu”

Toàn cảnh Bệnh viện Trung ương Huế nhìn từ trên cao

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIV) về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước, lĩnh vực y tế của tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật. Nhiều chỉ tiêu tại Nghị quyết đề ra đều đạt. Các thiết chế của trung tâm y tế chuyên sâu và mạng lưới y tế trong tỉnh được đầu tư, phát triển toàn diện. Hệ thống y tế toàn tỉnh đã phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, nhất là phòng, chống hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn. Đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; cải thiện chất lượng dịch vụ và tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân. Nguồn nhân lực y tế phát triển mạnh về số lượng và chất lượng, trình độ chuyên môn cao. Quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng được quan tâm, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đã huy động các nguồn lực xây dựng, hoàn chỉnh các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế tuyến huyện, xã được quan tâm đầu tư. Đội ngũ y, bác sỹ cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu. Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Mạng lưới y tế tư nhân phát triển khá.

Trường Đại học Y Dược Huế thực hiện tốt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực ngành y, dược trình độ đại học và sau đại học. Công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành quả nghiên cứu, đào tạo và khám, chữa bệnh cho nhân dân khu vực miền Trung - Tây Nguyên được đẩy mạnh.

Bệnh viện Trung ương Huế phát huy hiệu quả vai trò là hạt nhân của Trung tâm Y tế chuyên sâu, là bệnh viện hạng đặc biệt, có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Đã triển khai nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu, tiên tiến; khẳng định, nâng cao vị thế và uy tín Bệnh viện trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực để phát triển sự nghiệp y tế chuyên sâu còn hạn chế. Chưa có chính sách thu hút và ưu đãi các chuyên gia có trình độ cao về công tác tại địa phương. Chính sách xã hội hóa và thu hút các nguồn đầu tư dài hạn, kỹ thuật cao cho y tế còn thiếu. Sự gắn kết giữa phát triển y tế với du lịch - dịch vụ còn hạn chế. Mô hình tổ chức, công tác quy hoạch phát triển mạng lưới y tế và chính sách về y tế còn bất cập. Nguồn nhân lực và trang thiết bị tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa chưa đáp ứng yêu cầu; công tác phát triển và chuyển giao kỹ thuật chưa hiệu quả.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu tổng quát

Giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khoa học, công nghệ cao về y học, ngang tầm các trung tâm y tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, có cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, tiên tiến. Thúc đẩy y tế trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, xứng tầm là trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước và khu vực Đông Nam Á; đóng góp lớn vào quá trình phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội bền vững.

1.2. Mục tiêu cụ thể

1.2.1. Tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống y tế địa phương bảo đảm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

1.2.2. Xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế là trung tâm y học chuyên sâu của cả nước, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; có cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn các bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế về y tế.

1.2.3. Phát triển Trường Đại học Y Dược Huế theo mô hình “Trường - Viện” cấp quốc gia và hướng tới đạt chuẩn quốc tế.

1.2.4. Hình thành khu y tế công nghệ cao.

2. Chỉ tiêu đến năm 2025

2.1. Đạt từ 15 - 16 bác sỹ, 60 - 61 giường bệnh trên 10.000 dân (tính cả Trung ương, ngành, tư nhân).

2.2. Tuổi thọ trung bình của người dân khoảng 74,5 tuổi.

2.3. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 6,3%; trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 8,8%; tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 28,4‰. Tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi dưới 18,2‰.

2.4. Trên 95% người dân được theo dõi, quản lý, khám và chăm sóc sức khoẻ cập nhật trên hệ thống Hồ sơ sức khoẻ điện tử.

2.5. Tiếp tục duy trì trên 95% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.

2.6. Xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm trở thành Trung tâm vùng khu vực miền Trung.

2.7. Đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để phát triển Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh bảo đảm đủ năng lực triển khai các kỹ thuật chuyên ngành.

2.8. Xây dựng và thành lập Viện Thái y Huế trên cơ sở phát triển Bệnh viện Y học cổ truyền.

2.9. Hình thành tối thiểu 3 bệnh viện chuyên khoa trọng điểm tuyến tỉnh và 4 trung tâm y tế tuyến huyện là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế.

2.10. Phát triển mạnh lĩnh vực ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về triển khai thực hiện bộ ba ghép tạng “tim, gan, thận”. Mỗi năm phẫu thuật tim hở trên 1.000 trường hợp. Phấn đấu ghép thận từ 4 - 6 cặp/tuần và đẩy mạnh ghép tụy, tử cung, ruột non, chi; ghép đa tạng, tiến tới ghép tế bào gốc đồng loại.

2.11. Phát triển mạnh các kỹ thuật nội soi 3D, 4K; các kỹ thuật vi phẫu, nội soi khớp nhỏ, cột sống; lĩnh vực tạo hình thẩm mỹ và y học tái tạo; ứng dụng các kỹ thuật hiện đại để điều trị các vết thương phức tạp khó lành; thụ tinh trong ống nghiệm, lưu trữ phôi đông lạnh, phát triển kỹ thuật mang thai hộ; phẫu thuật ung thư kết hợp tạo hình vùng hàm mặt, Narigation, laser...

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước và sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Xây dựng cơ chế và chính sách phù hợp để phát triển ngành y tế trên địa bàn

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Quan tâm chỉ đạo, xây dựng cơ chế phối hợp giữa y tế địa phương với y tế Trung ương đóng trên địa bàn. Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về y tế và các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe như bảo vệ môi trường, văn hóa, thể dục, thể thao... vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm và dài hạn của tỉnh. Đồng thời, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị.

- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Tổ chức các lớp đào tạo chất lượng cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học, đào tạo chuyên gia đầu ngành nhằm triển khai có hiệu quả các kỹ thuật mới, các ngành mũi nhọn chuyên sâu.

- Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện bảo tồn duy trì đa dạng sinh học, bảo vệ dược liệu quý, nguồn gen cây thuốc quý hiếm ở địa phương và phát triển nguồn dược liệu trong nước; tập trung vào các dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển thị trường để góp phần đưa dược liệu vào phát triển kinh tế địa phương.

- Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội và ngân sách nhà nước trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế và cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu. Tăng cường hợp tác quốc tế, tìm kiếm và huy động nguồn lực của các tổ chức quốc tế trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án trong các lĩnh vực y tế. Tăng cường xã hội hoá công tác y tế, trong đó y tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

2. Xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế xứng tầm là trung tâm y học cao cấp, bệnh viện hạt nhân, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, có thương hiệu quốc tế

- Phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Trong đó, bao gồm cả tuyển dụng, huấn luyện, đào tạo trong nước và nước ngoài. Triển khai có hiệu quả công tác quy hoạch, tiến tới hoàn thiện tổ chức bộ máy. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức tốt.

- Tăng cường xây dựng các đơn vị chuyên sâu để giữ vững thế mạnh của bệnh viện, tiếp tục đẩy mạnh ghép tim, ghép tế bào gốc, ghép thận, gan, giác mạc với số lượng lớn, triển khai ghép tụy, tử cung, ruột non, chi; ghép đa tạng thận tụy, khối tim phổi... Tiếp tục phát huy triển khai các kỹ thuật thường quy; triển khai mạnh các phẫu thuật ít xâm lấn, các kỹ thuật đặc biệt trong các lĩnh vực chuyên khoa.

- Tăng cường phát triển các dịch vụ và kỹ thuật trong tất cả chuyên khoa. Tiếp tục chuyên khoa hóa và ứng dụng những phác đồ điều trị cập nhật, chăm sóc bệnh nhân toàn diện, triển khai hoạt động có hiệu quả các câu lạc bộ bệnh lý mạn tính, xây dựng các gói dịch vụ kỹ thuật điều trị cho từng loại bệnh thông thường.

- Xây dựng mô hình bệnh viện thông minh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục nâng cấp phần mềm bệnh án điện tử bệnh viện, chuẩn hóa và định dạng dữ liệu đầu ra cho các bảng mẫu, đặc biệt là các bảng mẫu chỉ số theo dõi kết quả cận lâm sàng. Triển khai có hiệu quả ứng dụng phần mềm xử lý và lưu trữ hình ảnh y tế (PACS).

- Xây dựng đồng bộ các thiết chế y tế hiện đại, chuyên sâu trở thành Trung tâm Y tế chuyên sâu của cả nước, cùng với Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế phát triển đạt chuẩn bệnh viện tiên tiến khu vực Đông Nam Á, tiến tới đạt chuẩn quốc tế về y tế theo hướng xây dựng mô hình “Trường - Viện” cấp quốc gia và thế giới. Kết hợp chặt chẽ với Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế hình thành Trung tâm y học cao cấp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học để ứng dụng các kỹ thuật điều trị chuyên sâu, tiên tiến. Hỗ trợ nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, dự phòng của các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án, nhất là việc thành lập mới các trung tâm y học hiện đại.

3. Xây dựng Trường Đại học Y Dược Huế theo mô hình “Trường - Viện” cấp quốc gia và hướng đến đạt chuẩn quốc tế

- Phát triển Trường Đại học Y Dược Huế theo mô hình “Trường - Viện”, là cơ sở về học thuật, nghiên cứu và khám, chữa bệnh.

- Xây dựng Trường Đại học Y Dược Huế trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Ứng dụng các thành quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn khám, chữa bệnh. Tạo môi trường để giảng viên và sinh viên thực hành nghề nghiệp, rèn luyện và phát triển năng lực chuyên môn. Đẩy mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực Y - Dược. Tăng cường đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo theo xu hướng tiên tiến, hiện đại.

- Bệnh viện Trường là cơ sở thực hành, ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật và cung cấp dịch vụ; tiến tới xây dựng Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế trở thành cơ sở thực hành lâm sàng đạt chuẩn khu vực và quốc tế, có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, tiên tiến, triển khai các kỹ thuật cao, mũi nhọn và tiên tiến của y học thế giới. Phát triển lĩnh vực tạo hình thẩm mỹ và y học tái tạo.

4. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống y tế địa phương bảo đảm thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới

- Đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm. Đồng thời, tiến tới xây dựng Trung tâm trở thành đơn vị kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm và trang thiết bị y tế khu vực miền Trung.

- Đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để phát triển Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Nâng cao năng lực triển khai các kỹ thuật chuyên ngành để chủ động kiểm soát bệnh tật, phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch y tế, vệ sinh lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện các chương trình mục tiêu về y tế trong tình hình mới.

- Xây dựng và thành lập Viện Thái y Huế trên cơ sở Bệnh viện Y học cổ truyền. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong phòng bệnh, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe. Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị của y học cổ truyền Huế, đặc biệt là của Thái Y viện triều Nguyễn. Qua đó, hình thành Trung tâm Đào tạo về y học cổ truyền và điểm tham quan du lịch, quảng bá y học cổ truyền Thừa Thiên Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.

- Hoàn thiện mạng lưới y tế trên địa bàn, bao gồm các cơ sở y tế và mạng lưới y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình. Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh và trung tâm y tế tuyến huyện để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ với chất lượng ngày càng cao.

5. Xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

- Bệnh viện Trung ương Huế, Đại học Y Dược Huế xây dựng kế hoạch đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cao ngành y tế cho các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tập trung cho lĩnh vực y tế chuyên sâu, theo dõi, trợ giúp và nghiên cứu nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bảo đảm về số lượng và chất lượng theo chuẩn quốc tế. Tăng cường hình thức đào tạo thực hành và đào tạo chuyển giao kỹ thuật theo ê kíp. Đào tạo liên tục nguồn nhân lực chất lượng cao đối với cán bộ làm công tác quản lý bệnh viện và quản lý ngành.

- Tăng cường phối hợp với các trường đại học ở các nước tiên tiến trên thế giới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế. Hình thành Trung tâm Đào tạo cán bộ y tế chất lượng cao để phục vụ nhu cầu xuất khẩu lao động y tế đến các nước phát triển, góp phần tạo thêm cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước, khu vực, địa phương.

6. Nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, dự phòng của các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện

- Tiếp tục đầu tư hoàn thiện, mở rộng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị tiên tiến, hiện đại cho bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Xây dựng 4 trung tâm y tế tuyến huyện là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế theo nguyên tắc bệnh viện trọng điểm, chất lượng nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị. Hình thành 3 bệnh viện chuyên khoa trọng điểm tuyến tỉnh. Nâng cao năng lực quản lý của các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực ở các bệnh viện.

- Tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống y tế cơ sở về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hệ thống thông tin y tế và nhân lực một cách toàn diện để đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân trong giai đoạn mới. Tăng cường cải cách hành chính gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, góp phần xây dựng hệ thống y tế địa phương hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.

- Tạo điều kiện khuyến khích để phát huy năng lực, vai trò của các cơ sở y tế ngoài công lập. Đẩy mạnh xã hội hoá để huy động mọi nguồn lực phát triển ngành y tế. Tiếp tục quan tâm tạo điều kiện phát triển các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh.

7. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển y tế với phát triển kinh tế du lịch, kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng và cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe

- Hình thành các sản phẩm nhằm thu hút khách du lịch nội địa và du khách quốc tế đến tham quan du lịch gắn kết hợp khám, chữa bệnh. Hướng đến xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành điểm đến về du lịch và chăm sóc sức khỏe bằng y học hiện đại, y học cổ truyền. Quy hoạch những nơi có địa điểm phù hợp để xây dựng những khu nghỉ dưỡng kết hợp với chữa bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho việc nghỉ dưỡng và chữa bệnh.

- Phát huy lợi thế riêng của đô thị di sản Cố đô, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế về y học để kết hợp quảng bá trung tâm y tế chuyên sâu và văn hóa Huế.

8. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế

- Ưu tiên chuyển đổi số trong lĩnh vực khám, chữa bệnh thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh, quản trị thông minh, góp phần làm nền tảng cho ngành y tế chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học và đào tạo, góp phần xây dựng hệ thống y tế địa phương hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.

- Gắn công tác đào tạo chuyên ngành y dược với công nghệ thông tin. Thu hút và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin có trình độ chuyên môn cao vào làm việc tại các cơ sở y tế. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ về nguồn lực, mô hình, kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng giải pháp, sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế.

9. Tạo nguồn dược liệu phục vụ sản xuất công nghiệp dược

- Thực hiện quy hoạch, sản xuất, bảo tồn, phát triển khai thác dược liệu tự nhiên. Phát triển trồng cây dược liệu và nguồn giống dược liệu. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa ngành nghề trồng cây dược liệu trở thành thế mạnh trong sản xuất của tỉnh.

- Có chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu; nghiên cứu, điều tra, khảo sát và xây dựng đề án hình thành và phát triển một số vùng trồng, sản xuất đông dược của tỉnh; chú trọng phát triển những loại đông dược phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương để mang lại hiệu quả cao.

- Có chính sách thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, chiết xuất dược liệu, các trung tâm kinh doanh dược liệu để tạo lập thị trường thuận lợi cho việc cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.

2. Đảng đoàn HĐND, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các huyện ủy, thị ủy, Thành ủy Huế, các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tổ chức nghiên cứu, học tập và xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Nghị quyết phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị.

3. Văn phòng Tỉnh ủy, các ban, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy giúp Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

TIN MỚI

Return to top