ClockThứ Bảy, 13/09/2014 15:46

Cụ ông 100 tuổi, mạnh khỏe như thanh niên

TTH - Cụ ông Lê Xu (Vinh Mỹ, Phú Lộc) gần 100 tuổi, thân hình nhỏ nhắn, nhưng vẫn vác được khúc củi nặng 30 - 40kg và đi lại nhẹ nhàng; vượt bộ hằng trăm cây số đi thăm con cháu là những việc bình thường với cụ.

Cụ Xu cởi mở và khá hài hước. Cụ cho biết con cái, cháu chắt của cụ đến nay gần 120 người. Các con cụ đều đi làm ăn xa ở trong Nam, chỉ còn lại một người con ở Nam Đông và một con ở cùng xã. Hai cụ còn sức khoẻ tốt nên vẫn muốn nuôi nhau, ở cùng con cháu cảm giác gò bó, mà rảnh rỗi quá cụ cũng không thích. Điều đặc biệt là dù sống đến ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng trong cuộc đời cụ chỉ có một lần ốm duy nhất phải sử dụng đến thuốc.

Vác khúc củi khá nặng nhưng cụ Xu đi lại nhẹ nhàng
“Có một điều hay ở vợ chồng cụ Xu làm cho thế hệ trẻ như chúng tôi phải ngưỡng mộ, là gần 80 năm chung sống ở đây, nhưng gia đình tôi và hàng xóm chưa bao giờ nghe thấy hai vợ chồng cụ to tiếng cãi vã, hay giận hờn nhau”- Anh Xanh, hàng xóm cụ cho biết.
Do có sức khoẻ tốt hơn, nên việc chợ búa, cơm nước hằng ngày, cụ Xu đều đảm nhận. Như bao người dân nông thôn khác, cứ đúng 4 giờ sáng cụ lại thức dậy, đi một vòng quanh khu vườn nhỏ, chọn lấy một vài thứ rau, hoa quả đã đến thời điểm thu hoạch, đưa ra chợ bán để mua những thực phẩm thiết yếu hàng ngày.
Cụ là một người siêng năng lao động, ngày nào không có việc làm là... ngứa ngáy tay chân. Mỗi ngày cụ đều tạo công việc cho chính mình như trồng và chăm sóc bầu, bí, chuối, mướp, lá lốt, xả… vừa vận động tay chân và cũng tạo nguồn thu nhập chính cho vợ chồng cụ. “Giàn mướp nhà tui năm ni được 90 trái, vừa rồi bán được 50 trái, quả mô cũng to và đẹp”, cụ khoe.
Ngoài việc chặt củi, làm vườn, khiêng vác nặng hàng ngày thì cụ còn có sức bền kỳ lạ, vẫn thường đi bộ lên thăm người con trai ở Khe Tre (Nam Đông), khoảng 90km cả đi và về. Với đôi dép Lào cùng bộ áo quần mang theo, cụ rải bước lên đến nơi chừng 10 tiếng. Thấy cụ lên, con cháu muốn giữ cụ ở lại vài ngày, nhưng vốn người không quen nghỉ ngơi, thư giãn lại nhớ đến công việc, lại lo cho cụ bà đang ở nhà một mình, nên chơi với con cháu một đêm lại quay về. Cụ tâm sự không quen ngồi xe máy, đi xe ô tô thì say sóng, nên đôi chân là “phương tiện” hàng ngày của cụ.
Hỏi về bí quyết sống thọ, cụ chia sẻ, trong 10 năm qua, mỗi bữa cơm cụ đều dùng một ly rượu nhỏ được ngâm bằng rễ cỏ cú (hương phụ); ngoài ra, cụ là một người siêng năng vận động, mỗi ngày dù nắng hay mưa, cụ đều chăm bón cho mảnh vườn nhỏ của mình. Những lúc rảnh rỗi cụ đều đi mót củi khô quanh xóm, dù hai vợ chồng già nấu nướng chẳng bao nhiêu, nhưng với tính siêng năng, xung quanh căn nhà của cụ được chất đầy củi, mà theo cụ dù nấu một năm liên tục cũng không hết.
Với cụ, dù tuổi đã gần trăm, nhưng hằng ngày vẫn miệt mài chăm chút mảnh vườn, dù cho những ngày mưa hay nắng, chưa một ngày cụ ngừng nghỉ lao động.
Bài, ảnh: Tiến Vinh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng về đoàn viên, người lao động

Tháng 5 - Tháng Công nhân luôn là đợt cao điểm chăm lo cho công nhân lao động. Năm nay, với chủ đề: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết", ngay từ thời điểm cuối tháng 4, nhiều hoạt động chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần đã được các cấp công đoàn đồng loạt thực hiện.

Hướng về đoàn viên, người lao động
Gắn kết chặt chẽ “ba nhà” trong giáo dục nghề nghiệp

Mô hình Hội đồng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cấp tỉnh ra đời mới đây được kỳ vọng là “lời giải” cho bài toán tuyển sinh - tuyển dụng, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động (LĐ).

Gắn kết chặt chẽ “ba nhà” trong giáo dục nghề nghiệp
Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động

Trong khuôn khổ hưởng ứng Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024, ngày 24/4, đại diện lãnh đạo tỉnh, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đi thăm, tặng quà cho các trường hợp bị tai nạn lao động, thân nhân người tử nạn do tai nạn lao động và khởi công xây dựng nhà "Mái ấm Công đoàn" cho đoàn viên trên địa bàn tỉnh.

Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động
Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập

Những năm qua, các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và đối với người khuyết tật (NKT) nói riêng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho NKT vượt qua khó khăn, trở ngại để vươn lên sống độc lập, hoà nhập với cộng đồng.

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập
Return to top