ClockThứ Năm, 20/10/2016 10:48

Đánh thức lòng nhân ái

TTH - Bên cạnh tỷ lệ khá cao học sinh đến trường có mức sống cao là không ít học sinh có điều kiện sống thấp.

Trước tình hình đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) Huế đã cho các trường cơ chế chủ động tạo các hoạt động nhân ái “lá lành đùm lá rách”. Phong trào đã giúp được không ít học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Tuy nhiên, với những trường hợp đột xuất đau ốm, bệnh nan y thì vẫn chưa có cách giúp đỡ.

Đầu năm học mới, Phòng GD&ĐT Huế nhận được một đơn cầu cứu của phụ huynh mong được giúp đỡ khiến cả phòng khá lúng túng. Em Võ Bá Hoàng Minh, học sinh lớp 4/2 Trường tiểu học Thuỷ Biều (thường trú tổ 9, khu phố I, phường Thuỷ Biều), không may bị bệnh ung thư, có khối u ở não không mổ được và đang xạ trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Một đợt xạ trị, ngoài bảo hiểm chi trả, gia đình phải trả thêm từ 25 đến 30 triệu đồng, cộng thêm tiền thuốc gần triệu đồng/ngày. Gia đình em Hoàng Minh thuộc hộ cận nghèo nên chỉ điều trị một lần là hết tiền. Em phải nằm liệt tại nhà. Nhà trường hỗ trợ nhiều nhưng số tiền không đáng bao nhiêu. Ông Phan Nam, Trưởng phòng GD&ĐT Huế cũng kêu gọi cán bộ phòng hỗ trợ, nhưng số tiền chẳng được là bao. Sau khi họp bàn, Phòng GD&ĐT Huế quyết định mở rộng phạm vi, ra thông báo toàn ngành với đối tượng là giáo viên và phụ huynh (thông qua học sinh).Thật bất ngờ, chỉ trong hai tuần, “lời hiệu triệu” đã được đáp lại với số tiền gần 200.000.000 đồng.

Cũng ngay vào thời điểm đó, phòng lại nhận được đơn kêu cứu của 4 trường hợp nữa và trường hợp nào cũng thương tâm. Đó là các em Hồng Gia Quân, học sinh lớp 3/6 Trường tiểu học Trần Quốc Toản bị u não, không mổ được, phải xạ trị; em Hồ Văn Minh Quốc, học sinh lớp ¼ Trường tiểu học Vỹ Dạ bị ung thư máu; em Đoàn Duy Thông, học sinh lớp ¾ cũng bị căn bệnh ung thư máu… Các em đều có hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn. Mẹ Thông bị bệnh hẹp van tim, em trai 4 tuổi bị hen suyễn nặng, một mình bố làm thợ mộc mà các đợt hoá trị của em ngày càng gần nhau hơn với số tiền lớn hơn. Ba mẹ Minh Quốc đều lao động phổ thông, mẹ bán cơm hến, ba lái xe thuê. Minh Quốc đã điều trị từ năm 2013, thời gian chữa bệnh dài khiến gia đình em suy kiệt kinh tế. Gia Quân được Trường tiểu học Trần Quốc Toản vận động quyên góp trong trường và mạnh thường quân, nhưng do bệnh nan y kéo dài nên gia đình và nhà trường đều không đủ kinh phí duy trì để em được xạ trị.

Trước tình hình đó, phòng lại phải họp bàn. Lãnh đạo phòng quyết định trao 40% số tiền quyên góp được trong đợt đầu cho gia đình em Võ Bá Hoàng Minh. xét tình hình chung, nhất là khi Hoàng Minh đã được sự ủng hộ trực tiếp của một số mạnh thường quân, một số trường hỗ trợ gia đình em… nên quyết định cuối cùng là dành 40% số tiền cho Quân; 60% còn lại, phòng mạnh dạn chia cho cả 4 trường hợp, tuỳ theo cấp độ nặng nhẹ để hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho các em.

Ông Phan Nam trầm ngâm: “Ban đầu đưa thông báo về trường, mình ngại lắm. Phụ huynh hiện phải góp nhiều khoản, dư luận cũng rất hay lên tiếng là các khoản đóng góp “làm phiền” phụ huynh. Không ngờ kết quả lại tốt thế, rất nhiều phụ huynh đóng góp tiền triệu. Đặc biệt, có một phụ huynh ở Trường tiểu học Lê Lợi góp đến 5 triệu đồng. Thì ra, khi “gõ” được vào sự thông cảm sẻ chia trong trái tim mỗi người, thì người tốt không thiếu”. Được biết, ngành GD&ĐT thành phố Huế sẽ tiếp tục nhận sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm và phụ huynh học sinh toàn thành phố để góp thêm niềm hy vọng sống cho những học sinh không may.

HƯƠNG GIANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đánh thức phố cổ Bao Vinh

Bao Vinh ngay từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã được các học giả Tây phương (xem thêm R. Morineau trong “Bao Vinh - Thương cảng của Huế”, Tập san BAVH, Số 2/1916) đánh giá “là khu vực đẹp mắt của Cố đô Huế”, một “điểm đến hấp dẫn” cả ban ngày lẫn ban đêm cho du khách khi đến Huế.

Đánh thức phố cổ Bao Vinh
Đánh thức gốm Pa Cô

Sau nhiều năm “ngủ quên” giữa đại ngàn, nghề gốm của đồng bào Pa Cô ở A Lưới đang được đánh thức. Nhờ nỗ lực của các cơ quan chức năng cùng những nghệ nhân đầy tâm huyết, nghề truyền thống của người đồng bào có nguy cơ mai một, thất truyền đang từng bước được phục dựng, bảo tồn.

Đánh thức gốm Pa Cô
Đánh thức tiềm năng du lịch vùng Tam Giang - Cầu Hai

Không chỉ nổi tiếng với hệ thống đầm phá quan trọng và đẹp nổi tiếng Việt Nam, Tam Giang - Cầu Hai còn có tiềm năng phát triển du lịch. Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, các làng quê nằm trải dài, lại sở hữu rất nhiều lễ hội dân gian vô cùng độc đáo..., các chuyên gia cho rằng sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, đưa vào các tour tuyến, trở thành điểm nhấn cho du lịch.

Đánh thức tiềm năng du lịch vùng Tam Giang - Cầu Hai
Du lịch Hương Thủy: Đánh thức tiềm năng từ liên kết trong du lịch

Du lịch của Hương Thủy dẫu có hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều trăn trở khi chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Với vị trí địa lý thuận lợi, việc kêu gọi đầu tư và liên kết với các điểm đến để đa dạng sản phẩm là một hướng đi có thể đánh thức tiềm năng của vùng đất này.

Du lịch Hương Thủy Đánh thức tiềm năng từ liên kết trong du lịch
“Đánh thức di sản” áo dài

Di sản phải thuộc về cộng đồng, phải do cộng đồng nắm giữ và chung tay bảo vệ, phát huy giá trị thì di sản ấy mới bền. Áo dài là một di sản đặc biệt của Cố đô Huế và nó vốn thuộc về cộng đồng.

“Đánh thức di sản” áo dài
Return to top