Một chuyến tham quan Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế của đoàn khách du lịch
Điểm đến nổi bật về du lịch giáo dục
Nhật Bản là thị trường khách truyền thống của Huế. Lâu nay, khách Nhật Bản đến Huế chủ yếu ở độ tuổi trung niên. Các sản phẩm được lựa chọn là tìm hiểu văn hóa, tham quan di sản, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Gần đây, giới trẻ, nhất là độ tuổi học sinh trung học ở Nhật Bản có xu hướng đi du lịch đến những vùng nổi tiếng là “đất học” để tìm hiểu lịch sử, có những so sánh với với đất nước Nhật Bản.
Theo đại diện Công ty cổ phần Du lịch Apex Việt Nam (hãng lữ hành lớn nhất ở Việt Nam đang khai thác thị trường khách Nhật Bản), Huế là điểm đến lý tưởng, nổi bật để tổ chức tour du lịch giáo dục cho khách trẻ tuổi Nhật Bản. Không chỉ có văn hóa độc đáo, hấp dẫn, mà Huế được ghi nhận là vùng đất học, từ ngày xưa cho đến hiện tại. Ở Huế, có nhiều ngôi trường đã nuôi dưỡng những nhân tài, có tầm ảnh hưởng không chỉ trong đất nước Việt Nam mà cả thế giới; trong đó, nổi bật nhất chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một đặc điểm khác góp phần thúc đẩy học sinh Nhật Bản chọn Huế để nghiên cứu, học tập là bởi chí sĩ Phan Bội Châu đã dành nhiều thời gian sống ở Huế và hiện tại có nhiều kỷ vật, nhà lưu niệm của cụ Phan còn được gìn giữ. Phan Bội Châu chính là con người lịch sử của hai đất nước và được xem là người khởi đầu cho mối lương duyên, hòa hợp giữa Việt - Nhật. Do đó, các em học sinh Nhật Bản sang Huế còn dành nhiều thời gian tìm hiểu quan hệ hợp tác, hữu nghị trên lĩnh vực ngoại giao giữa hai đất nước.
Theo ông Trương Thành Minh, Chủ tịch Hội Lữ hành Huế, khi đến Huế, học sinh Nhật Bản không chỉ nghiên cứu, tìm hiểu về đặc trưng giáo dục ở Huế, mà còn có những nghiên cứu phục vụ cho việc học tập của các em học sinh, bởi Huế có nhiều ngôi trường nổi tiếng, hệ thống đào tạo đại học đảm bảo chất lượng. Nhiều chuyến tham quan, học tập còn được kết hợp với tour thiện nguyện, tìm hiểu văn hóa, khám phá di sản, bồi đắp thêm cho kiến thức và giúp chuyến đi của khách Nhật Bản thêm phần ý nghĩa.
Giao lưu, tìm hiểu văn hóa
Gần đây, ngành du lịch Huế phối hợp với các lữ hành Nhật Bản tổ chức chuyến khảo sát tour du lịch giáo dục. Đoàn khảo sát cho rằng, Trường THPT chuyên Quốc Học Huế hội tụ được các tiêu chí để khách học sinh Nhật Bản ghé thăm. Đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Trường THPT chuyên Quốc Học Huế để có những thống nhất về việc triển khai, xây dựng chương trình tour du lịch học tập.
Thầy giáo Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học Huế chia sẻ, nhà trường ủng hộ sự hợp tác này, bởi các em học sinh Nhật Bản đến không chỉ tham quan trường rồi kết thúc, mà học sinh giữa hai bên sẽ có những buổi giao lưu, trao đổi kiến thức và có những buổi giao lưu bằng các trò chơi. Không chỉ mang yếu tố du lịch, điều này còn giúp học sinh Trường chuyên Quốc Học Huế năng động, có thể nâng cao kiến thức, phục vụ việc học tập, nhất là về lịch sử, văn hóa liên quan đến đất nước Nhật Bản tốt hơn.
Theo thầy Nguyễn Phú Thọ, việc khai thác du lịch sẽ có sự sắp xếp thời gian phù hợp, với một đoàn khách lớn không thể tham quan và giao lưu vào những giờ chính khóa, mà sẽ được phân bố thời gian phù hợp, sao cho không ảnh hưởng đến việc học tập các môn học chính của các em học sinh trong trường.
Gần đây, một số doanh nghiệp Huế cũng đã đưa vào khai thác một số chương trình tour giáo dục, như “Huế - Thương nhớ ngàn năm”, “Huế - Xưa và Nay” bằng việc tham quan, tìm hiểu nhiều điểm liên quan đến học tập ở Huế. Theo Hội Lữ hành, nếu các tour này nâng cao thêm chất lượng dịch vụ, có sự sắp xếp lịch trình phù hợp, có thể trở thành đối tác cho các lữ hành đưa khách về sử dụng.
Được biết, dù chỉ mới “khởi động” trong một thời gian khá ngắn gần đây, song Huế đã đón khá nhiều đoàn học sinh Nhật Bản sang du lịch, mỗi đoàn đến vài trăm học sinh. Đây được xem là nguồn khách tiềm năng, vì xu hướng này đang trở nên phổ biến ở tất cả các địa phương ở Nhật Bản. Việc khai thác sản phẩm du lịch giáo dục hiệu quả cũng được cho là tăng tính đa dạng, hấp dẫn hơn cho du lịch Huế. Thêm sự lựa chọn cho du khách khi đến Huế, không chỉ riêng khách Nhật Bản.
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG