ClockThứ Sáu, 24/05/2019 05:30

Du lịch giáo dục Huế

TTH - Từ vai trò thủ phủ Đàng Trong thời chúa Nguyễn rồi Kinh đô Đại Nam thời Nguyễn, suốt từ thế kỷ XVII - XX, Huế là trung tâm của cả nước, hội tụ nhân tài vật lực khắp mọi miền.

Đất học chốn Kinh sư ngày càng nổi bật từ đó, điển hình cô đọng như tinh thần xuyên suốt của câu ca một thuở: “Con trai đất Quảng ra thi...”. Tất cả đã góp phần làm nên và để lại trên đất Huế nhiều di sản giáo dục khoa cử độc đáo mà đến nay, có thể khẳng định là không nơi nào có được. Xứ Huế có quá nhiều di sản văn hóa có liên quan tới lịch sử giáo dục khoa cử nhưng ở đây, chúng tôi chỉ xin đề cập đến “tam giác vàng” Di Luân đường Quốc Tử Giám, lầu đài Tứ Phương Vô Sự và Văn Miếu, với nhiều giá trị giáo dục truyền thống nổi bật để có thể khai thác phát triển du lịch.

Dưỡng Tâm điện trong Kinh thành Huế (Delcampe.net)

Từ buổi đầu xứ Đàng Trong, trong nhu cầu và khát vọng cầu hiền, các chúa Nguyễn sớm cho xây dựng Văn Miếu ở Triều Sơn, rồi đến đầu năm Nhâm Thân (1692), Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu cho trùng tu, mở rộng quy mô lớn hơn. Về sau, do tình trạng ẩm thấp nên tháng 5/Canh Dần (1770), Định Vương Nguyễn Phúc Thuần cho dời xây Văn Miếu đến xã Long Hồ. Đầu thời Gia Long (1808), do ở Long Hồ nhỏ hẹp nên Văn Miếu lại được dời dựng đến An Ninh, xây dựng với quy mô và cấu trúc hoàn chỉnh nhất, từ chính đường, tiền đường, tả hữu tòng tự đường, nhà Sùng Văn, nhà Dụy Lễ, Thần Trù, Thần Khố... và cho trồng thông khắp nơi xung quanh. Hiện nay, tại Văn miếu Huế có 32 văn bia tiến sĩ văn, võ thời Nguyễn (Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, 2002, t.1, tr.106, 174, 722).

Để đào tạo hiền tài, hoàng đế Gia Long sớm đầu tư xây dựng Quốc Tử Giám, nhất là sau khi dựng tòa nhà đốc học ở đây (7/Quý Hợi 1803), triều đình đã cho định phép khảo khóa học trò. Quốc Tử giám thu nhận các giám sinh là con em Tôn Thất, về sau mở rộng sang cả chế độ tập ấm (ấm sinh) cho con cháu các bậc đại quan. Đến thời Minh Mệnh (2/Tân Tỵ - 1821), có đợt tái thiết Quốc Tử Giám quy mô lớn, với những hạng mục công trình giảng đường ở giữa, Di Luân đường ở đằng trước, còn hai bên tả hữu làm phòng ở cho tôn sinh, giám sinh (Đại Nam thực lục, t.1, tr.565, t.2, tr. 118).

Dấu mốc quan trọng đầu thời Duy Tân là cuối năm Mậu Thân (1908), triều đình cho di chuyển Quốc Tử Giám từ làng An Ninh (huyện Hương Trà cũ) về tới cửa Đông Nam Kinh thành (ở địa điểm hiện nay - trụ sở Bảo tàng Lịch sử) để cho gần với tân thư viện. Theo đó, việc xây dựng cho lấy số gỗ ván cũ vốn ở điện Hiếu Tư để xây dựng, lại trích gỗ ván ở gác Minh Trưng, hiên Đạo Tâm phía sau điện Long An để đổi dựng Di Luân đường, cho đổi Trì Khiêm viện làm Tả Giảng đường, còn nhà ở của quân Tứ vệ đổi làm Hữu Giảng đường, với chi phí hơn 5.000 đồng) (Đại Nam thực lục phụ biên đệ lục kỷ, 2011, tr.512).

 Ở tầm vóc đỉnh cao của nền giáo dục khoa cử thời phong kiến là môi trường và chất lượng dạy dỗ đặc biệt dành cho bậc Đông Cung, các hoàng tử, công chúa, với những người thầy tài năng lỗi lạc, đức cao vọng trọng, với những giáo trình văn võ toàn tài phù hợp cho từng đối tượng, từng lứa tuổi. Nhờ những đặc ân đó, họ từng bước được học và hành để dần dần tham chính triều ca hoặc đảm đương những trọng trách chốn hoàng gia, hậu cung. Mốc son sau cùng là đến tháng 5/Giáp Tý, Khải Định thứ 9 (1924), triều đình khánh thành một công trình đặc biệt, nằm về phía bên trái thành, chỗ cửa Hòa Bình, ban tên là Tứ Phương Vô Sự đài sau một năm xây dựng, để làm nơi dạy dỗ văn võ, cầm kỳ thi họa cho các hoàng tử, công chúa thuở thái bình thịnh trị. Đến tháng 9, nhà vua lại sắc sai Bộ Công chế biển ngạch để treo lên (Đại Nam thực lục phụ biên đệ thất kỷ, 2012, tr.460).

Tất cả cho thấy, Văn Miếu là nơi lưu danh muôn thuở các bậc khoa bảng đỗ đạt, Di Luân đường Quốc Tử giám tụ hội tinh hoa khoa cử cả nước và lầu Tứ Phương Vô Sự ở tầm đỉnh cao, dành riêng hoàng gia dạy dỗ các hoàng tử công chúa. Đáng tiếc hiện nay, công năng vốn dĩ của các di sản này đang bị đóng băng hay khoác thêm nhiều lớp áo mới chưa phù hợp khi đáng ra, đó phải là những địa chỉ điển hình, biểu tượng cho tinh hoa giáo dục khoa cử truyền thống Việt Nam được hiện diện, bảo lưu trên đất Cố đô.

Di Luân đường Quốc Tử giám trở thành một bảo tàng giáo dục khoa cử Việt Nam, nơi tái hiện nhiều hoạt động tương ứng, với toàn bộ những dụng cụ dạy - học như lều chõng, bút, nghiên mực, giáo trình, đề thi, bài làm, sổ sách giáo vụ, bằng khen, những nhân vật tiêu biểu... xưa nay. Văn Miếu ngoài chức năng lưu danh các vị khoa bảng Nho học, cần xây dựng thành một lễ đường giáo dục, là nơi tổ chức những nghi lễ trọng đại như khai giảng, bế giảng, trao học bổng hay bằng tốt nghiệp, tuyên dương khen thưởng... Tái hiện lầu Tứ Phương Vô Sự như một bảo tàng giáo dục hoàng gia thu nhỏ với tinh hoa giáo dục truyền thống dành cho các hoàng tử, công chúa, từ văn chương cho tới võ nghệ, đủ cả cầm kỳ thi họa... Các hoạt động tái hiện hay biểu diễn, thực hành có chức năng phù hợp với di tích cần được chú trọng phát huy, nhất là mở ra những dịch vụ mới, như hiện vật phục chế, phiên bản trở thành hàng lưu niệm cao cấp.

Kết nối Di Luân đường Quốc Tử Giám - Tứ Phương Vô Sự - Văn Miếu sẽ thành “Tam giác vàng” cho du lịch giáo dục độc đáo, đặc trưng duy nhất của Cố đô Huế. Thêm vào đó là những địa chỉ đỏ khác, như Trường Quốc Học (1896), Trường Bách công - Kỹ nghệ Thực hành (1899), Trường nữ bản xứ (1907), Trường Đồng Khánh - Hai Bà Trưng (1917), hay Đại học Huế (1957)... với nhiều sản phẩm và hoạt động dịch vụ đa dạng, sẽ mở ra một hướng mới, thiết thực bổ sung cho ngành công nghiệp không khói ở Huế là du lịch giáo dục.

Trần Đình Hằng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch

Với đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, nhiều tiện ích đô thị ở một số khu vực trên địa bàn TP. Huế hoàn thiện đã góp phần kích cầu du lịch, tạo động lực để các doanh nghiệp (DN) đầu tư thêm dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của du khách.

Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch
Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát vọng đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt
Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, bền vững. Ngành du lịch nói chung, du lịch Cố đô nói riêng đang thúc đẩy chuyển đổi số, gắn với công tác quảng bá và phát triển ngành công nghiệp không khói.

Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số
Để hút khách du lịch tàu biển lên thành phố Huế

Du lịch Huế đã từng bỏ lỡ nhiều cơ hội đáng tiếc khi không ít khách du lịch tàu biển cập cảng Chân Mây chọn những điểm đến khác mà không phải là Huế. Cùng với việc đầu tư hoàn thiện sản phẩm du lịch, Huế đang chú ý hơn khâu kết nối, quảng bá để hút khách lên thành phố Huế.

Để hút khách du lịch tàu biển lên thành phố Huế

TIN MỚI

Return to top