ClockChủ Nhật, 16/06/2019 15:32

Doanh nghiệp vận tải và lữ hành chưa “gặp nhau”

TTH - Nhu cầu vận chuyển khách du lịch số lượng lớn từ Cảng Chân Mây, Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng đến Huế và ngược lại ngày càng lớn, song dịch vụ vận tải chuyển khách du lịch, nhất là bằng các phương tiện lớn chưa phát triển tương xứng để đón đầu dịch vụ này.

Huế chưa là điểm đến của các lữ hành hàng đầuVinh danh các doanh nghiệp du lịch đóng góp cho Huế

Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý Vận tải và phương tiện-Sở Giao thông Vận tải về những giải pháp để phát triển loại hình vận tải du lịch cỡ lớn trên địa bàn.

Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý Vận tải và phương tiện - Sở Giao thông Vận tải. Ảnh: PHAN THÀNH

Một số doanh nghiệp lữ hành cho rằng, do thiếu phương tiện vận chuyển cỡ lớn nên họ buộc phải thuê các doanh nghiệp vận tải ở Đà Nẵng để đón và đưa khách đến Huế. Điều đó vừa ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch, vừa cho thấy loại hình dịch vụ vận chuyển của Huế chưa phát triển tương xứng. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi cho rằng, vận tải là ngành dịch vụ nên sẽ vận động theo cơ chế thị trường, tức là theo nhu cầu, khi có cầu, ắt sẽ có cung. Tuy nhiên, có một thực tế cần nhìn nhận là lâu nay, đa phần du khách đến Huế qua Cảng Chân Mây, Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, có khi cả Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài thì dịch vụ vận chuyển lại được sử dụng từ các doanh nghiệp của Đà Nẵng. Điều đó cho thấy, TP. Đà Nẵng phát triển loại hình dịch vụ này hơn chúng ta, với lượng xe lớn hơn, đáp ứng nhu cầu của du khách và nhất là các hãng lữ hành. Hơn nữa, ở họ đã có sự liên kết, kết nối làm tour từ lâu và có thể nói là tốt hơn chúng ta.

Nghĩa là Huế thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và vận tải?

Chưa hẳn vậy! Nhưng cũng cần nhìn nhận rằng, vẫn còn “độ vênh” nhất định giữa doanh nghiệp lữ hành và vận tải dẫn đến sự liên kết, liên thông giữa các doanh nghiệp này chưa tốt. Bên cạnh đó, gần như việc kết nối khách là của doanh nghiệp lữ hành, đặt xe, chọn dịch vụ cũng là doanh nghiệp lữ hành nên doanh nghiệp vận tải có phần bị động trong lĩnh vực này. Thế nên, dù doanh nghiệp vận tải có mạnh, có muốn đón khách nhưng doanh nghiệp lữ hành không tạo điều kiện thì họ cũng khó hoạt động chứ chưa nói đến phát triển.

Theo ông, cần làm thế nào để doanh nghiệp lữ hành và vận tải “gặp nhau”?

Tôi cho rằng, muốn thúc đẩy loại hình phương tiện vận tải du lịch phát triển, ngoài nội lực của doanh nghiệp vận tải cần có sự chung tay của doanh nghiệp lữ hành. Nghĩa là lữ hành Huế đủ mạnh để tổ chức tour, liên kết tour và chủ động dịch vụ vận tải chứ không chỉ là doanh nghiệp thứ cấp, đại loại như B’, khi Đà Nẵng không đủ phương tiện mới nhờ đến Huế.

Hơn nữa, ngành du lịch Huế cũng cần có thêm nhiều điểm đến mới, hấp dẫn hơn, đủ sức lôi cuốn, thu hút du khách thì sẽ giữ chân của du khách lâu hơn. Khi du khách ở Huế dài ngày hơn, họ có nhu cầu đi tham quan nhiều hơn và sẽ sử dụng phương tiện vận tải nhiều hơn. Đó là điều kiện cần để dịch vụ vận tải du lịch phát triển.

Đa số phương tiện vận chuyển du lịch cỡ lớn đều có biển số ngoại tỉnh. Ảnh: PHAN THÀNH

Sở Giao thông Vận tải và Sở Du lịch đã “ngồi lại” với nhau và có những giải pháp gì để cùng giúp các doanh nghiệp lữ hành, vận tải tìm được tiếng nói chung?

Trong quy hoạch phát triển giao thông thời gian tới, chúng tôi có đề cập và tham mưu với UBND tỉnh phát triển loại hình phương tiện vận tải du lịch bằng các phương tiện lớn để đón đầu các nguồn khách du lịch lớn đến Huế. Song, về cơ chế đặc thù hiện vẫn chưa có nên dịch vụ vận tải bằng các phương tiện lớn chưa phát triển xứng tầm.

Sở Giao thông Vận tải và Sở Du lịch đã nhìn thấy những cơ hội này, song về cơ bản, như chúng tôi đã nêu, vận tải phát triển theo nhu cầu thị trường, khi khách cần, ắt phải có cung.

Thế nhưng, con số 630 phương tiện vận tải loại từ 29 chỗ ngồi trở lên (kể cả xe hợp đồng và du lịch) trên địa bàn xem chừng quá khiêm tốn với một địa phương có thế mạnh về du lịch như Huế?

Đúng vậy! Với số lượng như thế này, chúng ta rất khó đáp ứng nhu cầu của các hãng lữ hành, nhất là với những đoàn khách lớn, như một số đoàn khách tàu biển cập cảng Chân Mây vài ngàn người/chuyến.

Chúng tôi cũng đã làm việc với một số doanh nghiệp lữ hành cũng như Hiệp hội ô tô để thúc đẩy dịch vụ vận tải du lịch phát triển, song, do thiếu chủ động trong nguồn khách, các lữ hành chưa kết nối đón tuor nên doanh nghiệp chưa mạnh dạn “rót” vốn đầu tư phương tiện loại lớn.

Trong lúc chưa “ăn” được dịch vụ vận tải cỡ lớn, ngành giao thông có những kế hoạch, phương án gì phát triển các loại hình vận tải thay thế, như xe điện để vận chuyển hành khách giữa các điểm du lịch?

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương được thực hiện thí điểm xe bốn bánh có gắn động cơ (còn gọi là xe điện) để vận chuyển hành khách du lịch ở những tuyến đường đã được quy định. Qua quá trình hoạt động, nhờ làm tốt công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp phù hiệu hoạt động… nên Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn chấp thuận cho tỉnh triển khai thí điểm thêm xe sử dụng động cơ xăng sinh học cho các điểm du lịch, di tích… Hiện đã có hợp tác xã đăng ký hoạt động mô hình này.

Riêng xe điện, sau thời gian vận hành, nhận thấy hiệu quả của loại hình vận tải này, chúng tôi cùng với Sở Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh mở rộng phạm vi, đối tượng phục vụ, ngoài vận chuyển du khách còn triển khai thêm các dịch vụ cưới hỏi và sắp tới sẽ mở thêm một số dịch vụ vận chuyển khách đến các lễ hội dân gian, như lễ hội thanh trà Thủy Biều, chợ quê ngày hội ở cầu ngói Thanh Toàn…

Khách du lịch sử dụng dịch vụ vận chuyển do doanh nghiệp Huế cung ứng Ảnh: ĐỨC QUANG

Lợi thế đó hẳn là ngành sẽ khuyến khích và hỗ trợ phát triển loại hình vận tải này?

Như đã nêu, xe điện chỉ được thực hiện thí điểm nên hiện tại chưa thể phát triển thêm do phải đợi dự án thí điểm kết thúc đánh giá những mặt được và chưa được… Sau khi sửa Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được Quốc hội thông qua chúng tôi mới có các động thái tiếp theo. Hiện, trên địa bàn có 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này với khoảng 60 xe, trong khi tỉnh đã đăng ký 300 xe với Bộ GTVT. Về cơ bản, loại hình vận tải này phần nào đáp ứng được nhu cầu tham quan của du khách ở một số địa điểm du lịch. Riêng các điểm du lịch xa TP. Huế hiện vẫn sử dụng các loại phương tiện thông thường.

Xin cảm ơn ông!

TÂM HUỆ (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả

Xây dựng chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh và vận hành doanh nghiệp (DN) hiệu quả là nội dung khóa đạo tạo được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/11.

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần hoàn thành các nghĩa vụ thuế trước khi giải thể

Trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, giải thể doanh nghiệp (DN) đã trở thành một lựa chọn bất đắc dĩ của nhiều chủ DN, nhất là các DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, việc không nắm các quy định pháp luật về giải thể DN, nhất là tuân thủ các nghĩa vụ thuế liên quan khiến thời gian thực hiện thủ tục giải thể DN kéo dài.

Doanh nghiệp cần hoàn thành các nghĩa vụ thuế trước khi giải thể

TIN MỚI

Return to top