ClockThứ Bảy, 06/07/2019 13:00

Du lịch cộng đồng: Tiềm năng nhưng chưa khai thác tốt

TTH - Là điểm đến được đánh giá có nhiều thế mạnh về du lịch cộng đồng (DLCĐ), tuy nhiên, khả năng khai thác loại hình du lịch này ở Huế chưa được như mong muốn.

Du lịch cộng đồng, nghĩ từ những điều tận thấy ở Thủy ThanhHỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng để phát huy bản sắc văn hóa vùng miềnNgười dân cũng là "sản phẩm" du lịch độc đáo

Du khách trải nghiệm làm gốm Phước Tích

Thiếu và yếu

DLCĐ ở Huế bắt đầu hình thành vào đầu những năm 2000, tại một số địa bàn như ở Thôn Dỗi (Nam Đông), làng cổ Phước Tích (Phong Điền), cầu ngói Thanh Toàn (Hương Thủy). Qua gần 20 năm, nhiều điểm đến mới về DLCĐ được hình thành, như ở Thủy Biều (TP. Huế), Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Điền), Gành Lăng (Phú Lộc)...

Lượng khách khi đến Huế tham gia DLCĐ còn khá khiêm tốn. Theo thống kê từ ngành du lịch, riêng trong năm 2018, tổng số khách đến Huế là hơn 4,3 triệu lượt nhưng chỉ có khoảng 300.000 lượt khách đi DLCĐ, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng. Do đó, nhiều điểm DLCĐ hoạt động khó khăn và cầm chừng.

Hạ tầng phục vụ du lịch được cho là tồn tại lớn nhất. Tại các điểm DLCĐ hiện nay, giao thông tiếp cận còn khó khăn, hầu hết chưa có bãi đỗ xe hoặc các bãi đỗ xe tạm bợ, hệ thống nhà vệ sinh công cộng chưa đảm bảo để phục vụ khách du lịch.

Anh Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty CP Du lịch Đại Bàng nêu ví dụ, tại Ngư Mỹ Thạnh, giao thông từ TP. Huế về Quảng Lợi thuận lợi, nhưng hạ tầng giao thông ở khu vực đó lại khó khăn, các loại xe khách không thể tiếp cận và phải đi bộ khá xa mới đến nơi, gây khó khăn trong phục vụ khách.

Du khách đến điểm du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh

Ông Trần Minh Tân, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, Sở Du lịch cho hay, lưu trú trong dân (homestay) là sự khác biệt của DLCĐ. Một số điểm đã triển khai dịch vụ này, tuy nhiên, nhìn chung cơ sở vật chất phục vụ khách hầu hết tạm bợ, chưa chuyên nghiệp, chưa tạo ra nét đặc trưng riêng của mô hình homestay gắn với nét văn hóa truyền thống của địa phương đó. Các cơ sở lưu trú dạng homestay phục vụ khách du lịch trên địa bàn các huyện, thị xã còn hạn chế về số lượng, chất lượng chưa cao, hoạt động mang tính tự phát.

Một số dịch vụ du lịch gắn với DLCĐ, như trải nghiệm làm nông dân, trải nghiệm nghề thủ công truyền thống, các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống… chưa được đầu tư để khai thác. Điều này khiến du khách khá nhàm chán khi đến các điểm DLCĐ. Một số nơi có khai thác thêm các dịch vụ nhưng còn manh mún, thiếu chất lượng, kéo theo thời gian lưu lại ngắn. Trong khi đó, các doanh nghiệp kết nối để cung ứng dịch vụ chưa có.

Hỗ trợ phát triển

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho biết, nguồn kinh phí còn hạn chế là nguyên nhân khiến cơ sở hạ tầng, giao thông chưa được đầu tư, nâng cấp đúng mức. Điều này sẽ sớm khắc phục khi đề án hỗ trợ phát triển DLCĐ đến năm 2025 đang hoàn thiện và trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua. Theo đó, những điểm nghẽn cản trở DLCĐ sẽ sớm được khắc phục, góp phần đa dạng hóa du lịch của tỉnh nhà.

Theo ông Lê Hữu Minh, sẽ có 14 điểm du lịch thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố sẽ được hỗ trợ về kinh phí xây dựng hạ tầng, sản phẩm du lịch, đào tạo nhân lực… Mục tiêu được đặt ra khi chính sách hỗ trợ phát triển DLCĐ được thông qua là bên cạnh việc thúc đẩy phát triển du lịch tại các vùng quê, còn góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch chung của toàn tỉnh, phấn đấu để du lịch khu vực này đạt các chỉ tiêu đến năm 2025 có 600.000 lượt khách du lịch tham gia DLCĐ. Doanh thu ước đạt 500 - 600 tỷ đồng. Lao động, việc làm và gia tăng các hộ kinh doanh lên khoảng 4.000 - 5.000 lao động…

Với việc “dồn lực” cho DLCĐ, du lịch Huế hướng đến phát huy tiềm năng du lịch, khai thác hiệu quả loại hình du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái. Cùng với du lịch làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, du lịch nông nghiệp, DLCĐ sẽ giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng lao động, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng vùng nông thôn gắn với phát triển du lịch.

Tuy vậy, cũng cần chọn mô hình điểm để phát triển toàn diện, vừa đa dạng dịch vụ, tiếp cận dễ dàng và lao động chất lượng. Như làng cổ Phước Tích, có nhiều điều kiện phát triển, nhưng vẫn chưa phải là điểm đến hấp dẫn khách, thu nhập của người dân chưa như mong muốn.

Từ thực tế của Phước Tích, điều cần làm nữa của du lịch Huế là chủ động về nguồn khách cho các điểm DLCĐ. Song song với xây dựng sản phẩm, kết nối với doanh nghiệp, cung ứng dịch vụ để phục vụ khách cần được thực hiện hiệu quả hơn. Chỉ khi điểm đến hấp dẫn, tiếp cận dễ dàng và có nguồn khách ổn định, mới giúp điểm DLCĐ hoạt động hiệu quả.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

Sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 đã kéo theo sự phát triển của xu hướng du lịch thông minh. Các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành du lịch không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm mới, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn cần những sự thay đổi phù hợp với tình hình mới.

Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh
Return to top