ClockThứ Sáu, 28/02/2020 06:15

Du lịch Huế cần tái cơ cấu để đa dạng thị trường khách

TTH - Đánh giá của Tổng cục Du lịch, so với các địa phương trong cả nước, Huế vẫn đang duy trì được lượng khách đến. Do đó, song song với phòng chống dịch COVID-19, du lịch Huế cần nỗ lực duy trì hoạt động vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Huế là điểm đến đảm bảo các tiêu chí an toànHuế là điểm đến an toàn, thân thiện và thu hút kháchThị trường truyền thống giúp Huế duy trì lượng khách

Đoàn kiểm tra trao đổi với du khách về cảm giác khi đến Huế du lịch

Cố gắng duy trì hoạt động

Ngày 27/2, Tổng cục Du lịch có chuyến kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Thừa Thiên Huế và lắng nghe những khó khăn, kiến nghị từ phía ngành du lịch Huế, các doanh nghiệp (DN) du lịch để có những giải pháp, giúp du lịch Việt Nam nói chung và Huế nói riêng vượt qua giai đoạn khó khăn bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Sở Du lịch báo cáo, trong tháng 2/2020, lượng khách du lịch đến Huế ước đạt 297 nghìn lượt, giảm 21,4% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 139 nghìn lượt, giảm 24,41%. Dự kiến trong tháng 3/2020, khách du lịch đến Huế sẽ còn giảm thêm.

Theo Tổng cục Du lịch, dịch bệnh COVID-19 gây ra rất nhiều khó khăn cho du lịch cả nước. Ở một số địa phương, lượng khách giảm đến 80 – 90%, lao động trong ngành đều nghỉ việc, hoặc tạm thời nghỉ việc không lương, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Huế là một trong ít địa phương đang duy trì được lượng khách, đó kết quả phải được ghi nhận. Đến ngày 27/2, cả nước ghi nhận 18 tỉnh, thành phố có khách du lịch phải cách ly, riêng Huế là địa phương chưa có trường hợp khách du lịch nào thực hiện yêu cầu này.

Ông Ngô Hoài Chung yêu cầu, đối với Huế hiện nay, ngoài triển khai tốt hơn nữa các giải pháp về phòng chống dịch bệnh COVID-19, quan trọng nhất là làm sao cố gắng duy trì hoạt động du lịch. Huế cần nỗ lực chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá điểm đến an toàn, có các gói kích cầu thu hút khách… để giúp ngành du lịch có một “sức khỏe” đủ tốt, chịu được giai đoạn khủng hoảng như hiện nay, tạo tiền đề cho sự bức phá khi dịch bệnh kết thúc, sau một thời gian dài nhu cầu đi du lịch bị kìm nén.

Theo ông Ngô Hoài Chung, để giúp các DN có “đề kháng” tốt duy trì qua giai đoạn khó khăn, Tổng cục Du lịch đã xây dựng các chính sách và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, khả năng ngay đầu tuần sau, Thủ tướng sẽ có quyết định. Cụ thể, Tổng cụ Du lịch đề xuất với Thủ tướng miễn thuế VAT cho các DN du lịch trong qúy I, II, III năm 2019; giảm 50% thuế VAT cho DN trong quý IV năm 2020 và quý I năm 2021; cho phép DN du lịch chậm nộp thuế VAT, thuế DN, bảo hiểm xã hội trong năm 2019, năm 2020 và đến hết tháng 6/2021; giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch và khu vui chơi giải trí trong năm 2020 để DN phục hồi kinh doanh; giảm giá điện cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch với mức giá điện tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; đề nghị Thủ tướng sớm chỉ đạo triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các DN như, giảm lãi suất vay, chậm trả lãi suất vay.

Các khách sạn ở Huế duy trì tốt việc phát khẩu trang cho khách và cung cấp dung dịch sát khuẩn

Thêm những thị trường mới

Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Sở Du lịch đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh liên kết với Hãng hàng không Vietnam Airlines tổ chức vận động các DN dịch vụ khách sạn, vận chuyển, nhà hàng, sản phẩm lưu niệm và điểm đến… tham gia chương trình kích cầu du lịch với hình thức ưu đãi, khuyến mãi, tặng thêm sản phẩm dịch vụ gia tăng… Mục tiêu của Huế trong các gói kích cầu là tặng các ưu đãi, khuyến mãi mang tính đồng bộ chứ không hạ giá. Các cơ sở lưu trú cũng đang tích cực nâng cao chất lượng, bổ sung thêm các dịch vụ để phục vụ du khách…

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch phân tích, dự báo thời gian đến, hoạt động du lịch sẽ còn khó khăn vì dịch bệnh đang lan ra khắp thế giới. Ngay cả khách nội địa, tâm lý đi du lịch cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề. Trong giai đoạn này, tăng cường tính liên kết, đoàn kết của DN, chia sẻ các kinh nghiệm để cùng nhau chống dịch, hạn chế những thiệt hại từ dịch bệnh gây ra càng thêm phần quan trọng.

Thông tin từ Tổng cục Du lịch, Tổng cục đang xây dựng bộ tiêu chí du lịch an toàn cho cả nước và dự kiến trong vài ngày tới sẽ công bố chính thức. Cùng với đó là chiến lược quảng bá vô cùng mạnh mẽ, phối hợp với các hãng thông tấn lớn trên thế giới để quảng bá điểm đến du lịch an toàn; trong đó, Huế sẽ được tập trung giới thiệu bởi đang là điểm đến thật sự an toàn.

Ông Ngô Hoài Chung yêu cầu, để có những chuẩn bị tốt, ngay từ bây giờ, Huế cần tiếp tục nâng cấp chất lượng sản phẩm, nâng cấp điểm đến, đào tạo lại nhân lực, không chỉ cho giai đoạn trước mắt mà cả sau dịch.

“Huế đang có thị trường duy trì lượng khách tốt là Tây Âu và Bắc Mỹ, nhưng chưa đủ, Huế cần định hướng thêm thị trường khách Ấn Độ, với gần 1 tỷ dân vô cùng tiềm năng hay thị trường Nga cũng phù hợp. Riêng với các thị trường truyền thống Đông Bắc Á, Huế cũng cần định hướng lại thị trường, hướng đến dòng khách cao cấp, có mức chi tiêu cao”, ông Ngô Hoài Chung nhấn mạnh.

Sau khi kiểm tra một số điểm tham quan, khách sạn, công ty lữ hành và nhà hàng trên địa bàn TP. Huế, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá cao sự chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh của Huế, có cảm giác rất an tâm khi đến các điểm tham quan khi đặt mình là du khách. Dù thế, Huế không được chủ quan trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ lan ra toàn thế giới.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương mại đa kênh để mở rộng thị trường

Hiểu được quy luật "ở đâu có dòng người, ở đó có dòng tiền", các doanh nghiệp (DN) bán lẻ ngày càng khai thác tối đa nhiều kênh bán hàng khác nhau để tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường.

Thương mại đa kênh để mở rộng thị trường
Ngăn chặn nạn “chặt chém” khách: Cùng vào cuộc

Mặc dù môi trường du lịch Huế ngày càng được cải thiện nhưng thi thoảng những vụ việc “chặt chém” khách về giá lại làm cho du lịch Huế “mang tiếng xấu”. Tuyên truyền và có chế tài xử phạt là điều cần làm, nhưng để hiệu quả, cần sự phối hợp vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và mỗi một người dân, du khách.

Ngăn chặn nạn “chặt chém” khách Cùng vào cuộc
Phát triển du lịch bền vững và thân thiện môi trường

Ngành du lịch Thừa Thiên Huế luôn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Việc hợp tác với các đối tác để tạo ra những sản phẩm du lịch mới mang tính chất xanh và bền vững, từ đó nâng cao trải nghiệm của du khách khi đến với Huế là giải pháp thiết thực mà ngành du lịch Cố đô lựa chọn.

Phát triển du lịch bền vững và thân thiện môi trường
Siết chặt quản lý thị trường bất động sản

Thời gian qua, giá bất động sản (BĐS) tăng cao, khiến cho thị trường vừa mới hồi phục đã xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để ngăn chặn tình trạng “thổi giá”, gây nhiễu loạn thông tin, tránh để người dân trở thành nạn nhân của những đợt sốt đất ảo đã từng diễn ra.

Siết chặt quản lý thị trường bất động sản
Return to top