ClockThứ Sáu, 14/02/2020 14:11

Thị trường truyền thống giúp Huế duy trì lượng khách

TTH - So với một số địa phương, ảnh hưởng từ dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus COVID-19 gây ra đối với ngành du lịch Huế không lớn.

Hạn chế ảnh hưởng đối với ngành du lịchTheo dõi liên tục sức khỏe của khách du lịch khi đến HuếLinh hoạt để hút khách nội địa

Du khách tham quan di tích Huế. Ảnh: Đăng Tuyên

Ổn định nhờ thị trường truyền thống

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh thông tin, tính đến ngày 11/2, lượng khách đến giảm khoảng 15% so với trước, dự kiến đến khoảng tháng 3 – 4, số lượng khách có thể giảm khoảng 20%. Dù có giảm, song đây là con số có thể chấp nhận được với ngành du lịch Huế trong bối cảnh dịch bệnh khiến ngành du lịch cả nước ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt là ở một số địa phương trong khu vực, lượng khách sụt giảm đến 50%, thậm chí có nơi lên đến 80%.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tín hiệu mừng là lượng khách đến tham quan các điểm di sản Huế trong những ngày vừa qua đang ổn định, nhất là khách quốc tế; chỉ giảm một lượng nhỏ khách nội địa. Cụ thể, ngày 8/2, tổng lượng khách đến tham quan di sản là 7.924 lượt; trong đó, 6.368 lượt khách quốc tế; ngày 9/2 có 7.537 lượt khách, trong đó, 6.363 lượt quốc tế và ngày 10/2 có tổng cộng 7.180 lượt khách, trong đó, 6.113 khách quốc tế.

Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho biết, qua kiểm tra các bến xe, lượng xe du lịch luôn rất lớn. Các điểm du lịch vẫn duy trì hoạt động và lượng khách cũng đảm bảo. Có được những con số trên là nhờ những thị trường khách truyền thống đến Huế vẫn duy trì ổn định, nhất là các thị trường, như Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á.

Du khách chủ động đeo khẩu trang khi đi tham quan

Ngoài yếu tố thị trường khách, theo các doanh nghiệp du lịch, một điều mà Huế đang “ghi điểm” rất tốt với du khách là công tác phòng chống dịch bệnh. Từ lãnh đạo tỉnh, đến từng cơ quan, doanh nghiệp, điểm du lịch và cả người dân đều chung tay. Do đó, đến nay Huế vẫn được đánh giá là điểm đến an toàn nhất tại miền Trung. Một doanh nghiệp lữ hành cho hay, nhiều du khách vẫn duy trì nhu cầu đi du lịch, trong khi đó, điểm đến nào được cộng đồng đánh giá an toàn sẽ được chọn. Vì thế, nhiều đơn vị lữ hành đã có sự điều phối, thay đổi lịch trình sang Huế tham quan nhiều hơn.

Một du khách đến Huế du lịch chia sẻ, đã đọc và biết về dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Vị khách này cho rằng, nếu biết cách phòng tránh sẽ không có gì đáng ngại khi đi du lịch. Đến Huế, thấy việc phòng chống dịch bệnh đang được làm rất tốt nên khách yên tâm đi tham quan.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh vào ngày 8/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh như thế mà Huế vẫn duy trì thu hút du khách là điều rất đáng mừng, các địa phương khác cũng phải học tập về cách làm của Huế.

Điểm đến an toàn và thân thiện

Thông tin từ Hiệp hội Du lịch, một tín hiệu khả quan nữa là tính đến ngày 11/2, ngoài các tour đã đặt từ trước đó, đã có những du khách mới đặt tour đến Huế, dù con số này chỉ khoảng 10 – 15%, song đó là sự đánh giá rất cao của du khách về Huế và tin tưởng lựa chọn.

“Huế duy trì các công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, tiếp tục giữ được là điểm đến an toàn, thân thiện, tạo ra một môi trường trong lành, cùng với đó là công tác quảng bá, chăm sóc khách hàng tốt, chắc chắn sẽ thu hút khách. Dịch bệnh ảnh hưởng chung, song đây chính là cơ hội cho Huế để tiếp tục xây dựng và khẳng định thương hiệu điểm đến an toàn và thân thiện”, ông Đinh Minh Thắng nhận định.

Du khách làm thủ tục để vào tham quan Đại Nội

Sở Du lịch cho hay, đã yêu cầu các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ phải có những ứng xử đúng mực đối với các đoàn khách nước ngoài, không phân biệt đối xử làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của địa phương.

Trở lại với vấn đề thị trường khách du lịch, tại cuộc họp trực tuyến của các Hiệp hội Du lịch mới đây để bàn giải pháp thu hút khách trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, giải pháp then chốt hiện nay chính là đa dạng thị trường. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh, việc cơ cấu lại thị trường là rất quan trọng với mỗi điểm đến, nên tập trung hoạt động xúc tiến vào các thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á và tại các thị trường có nhiều tiềm năng như Canada, Úc, Ấn Độ...

Lãnh đạo Sở Du lịch khẳng định, Huế đang hướng đến thị trường truyền thống, bền vững, chứ không hướng đến những thị trường mang tính bất thường, bởi khi có biến động sẽ rất khó giữ ổn định. Tập trung xây dựng các sản phẩm phục vụ khách truyền thống, cùng với các dịch vụ để thu hút thêm một số thị trường khác, đó là định hướng phát triển. Sau dịch bệnh này, ngành du lịch sẽ có cuộc đánh giá toàn diện về thị trường khách, đưa ra các giải pháp để thu hút và khai thác hiệu quả hơn.

Ngoài những giải pháp phát triển lâu dài, trước mắt, ngành du lịch và các đơn vị cung ứng dịch vụ cần có những giải pháp kích cầu, tăng thêm một số sản phẩm, dịch vụ gia tăng để phục vụ du khách tốt hơn.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương mại đa kênh để mở rộng thị trường

Hiểu được quy luật "ở đâu có dòng người, ở đó có dòng tiền", các doanh nghiệp (DN) bán lẻ ngày càng khai thác tối đa nhiều kênh bán hàng khác nhau để tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường.

Thương mại đa kênh để mở rộng thị trường
Giữ nghề gắn với phát triển du lịch ở bản Dỗi

Tại bản Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông có một người đặc biệt luôn lặng lẽ, tận tụy giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Đó là ông Pơloong Chướch, một nghệ nhân cao tuổi đã dành cả cuộc đời để gắn bó với nghề đan lát.

Giữ nghề gắn với phát triển du lịch ở bản Dỗi
Return to top