ClockChủ Nhật, 24/09/2017 16:21

Du lịch Nhật Bản - những trải nghiệm thú vị

TTH - Ở Nhật giá cả rất đắt đỏ. Người nước ngoài đến du lịch Nhật Bản phải trả nhiều tiền cho việc đi lại, ăn nghỉ. Vì thế, việc giảm giá vé tham quan và dịch vụ du lịch cho người nước ngoài là để giúp họ giảm bớt chi phí...

Chùa Kinkaku-ji nổi tiếng, nơi thu hút du khách bậc nhất ở Kyoto

1 - Trong chuyến du lịch Nhật Bản hồi cuối tháng 8 vừa qua, gia đình chúng tôi không mua tour của các hãng lữ hành, mà tự tổ chức để được đi đến những nơi mình thích, tự mình khám phá xứ sở hoa anh đào. Chúng tôi tự lập chương trình tham quan, tự tìm kiếm phương tiện đi lại, nơi lưu trú và ăn uống, cũng như tự mua vé vào các điểm tham quan. Nhờ đó, đã có những trải nghiệm thú vị về đất nước, con người và cách làm du lịch ở Nhật Bản.

Trải nghiệm đầu tiên là rất ít khi phải trả tiền vé tham quan các di tích, danh thắng ở Nhật Bản. Trong suốt hành trình kéo dài 10 ngày, chúng tôi chỉ phải mua vé tham quan các điểm: chùa Kinkaku-ji và chùa Kyomizu-dera ở Kyoto; thành Matsue-jo ở Shimane, bảo tàng Yushukan và bảo tàng Idemitsu ở Tokyo. Trong khi đó, có những nơi rất hoành tráng như: Ngự sở (Hoàng cung Kyoto), đền Fushimi Inari-taisa ở Kyoto; đền Meiji-jingu (Minh Trị thần cung), chùa Asakusa ở Tokyo; chùa Renko-ji ở Nagano, đền Izumo-taisha ở Shimane…, là những di tích cấp quốc gia, thậm chí là quốc bảo (kokuho) của Nhật Bản, nhưng đều miễn phí tham quan.

Thành Kinkaku-jo, quốc bảo của Nhật Bản ở thành phố Matsue

Hỏi Nakamura Masami, anh bạn người Nhật đồng hành trong suốt chuyến đi: “Vì sao có những di tích, điểm tham quan nhỏ bán vé tham quan, trong khi có những di tích quan trọng, được công nhận là quốc bảo hay di sản văn hóa thế giới lại không thu phí tham quan?”. Nakamura giải thích: “Việc thu phí tham quan hay không là do ban quản lý các nơi này quy định. Hầu hết các jinza (thần xã), taisha (đại xã) của Shinto (Thần đạo), các otera (chùa chiền), các danh thắng nổi tiếng ở Nhật Bản đều không thu phí tham quan. Nhưng một số địa điểm nổi tiếng do chính phủ quản lý như Kinkaku-ji, Kyomizu-dera, Matsue-jo… và những bảo tàng quốc gia thì có thu phí vào cửa. Việc thu phí này không chỉ để hỗ trợ hoạt động hay góp thêm kinh phí trùng tu, tôn tạo, mà còn để hạn chế lượng khách đến những nơi này”.

Nhật Bản xếp hạng các di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh theo ba cấp: bukazai (tài sản văn hóa), yuzo bunkazai (tài sản văn hóa quan trọng) và kokuho (quốc bảo). Mỗi cấp có một chế độ quản lý riêng. Trong đó, chỉ quốc bảo mới chịu sự quản lý trực tiếp từ bunkacho (cơ quan quản lý văn hóa thuộc Bộ Văn hóa và Giáo dục Nhật Bản). Hai cấp thấp hơn giao cho địa phương hoặc đoàn thể tôn giáo trực tiếp quản lý và điều hành. Họ tự quyết định việc bán vé (hay không bán vé) để tạo nguồn thu nhằm duy trì các hoạt động thường ngày và hỗ trợ việc trùng tu tôn tạo các nơi này.

Nakamura Masami cũng cho tôi biết thêm, tiền trùng tu, tôn tạo các di tích quan trọng thường do chính phủ cấp thông qua các đề án bảo tồn, tôn tạo. Tuy nhiên, rất nhiều di tích được trùng tu, bảo tồn từ tiền đóng góp của các nhà hảo tâm. Chẳng hạn như đền thờ chính ở Meiji-jingu. Còn tiền cúng dường công đức và nguồn thu từ kinh doanh hàng lưu niệm là nguồn tài chính để duy trì hoạt động tại các chùa chiền, đền miếu thần xã, đồng thời hỗ trợ thêm cho công tác bảo tồn, tu bổ di tích hàng năm.

2 - Một điều thú vị khác mà chúng tôi đã trải nghiệm, là “chế độ hai giá” rất đặc biệt khi mua vé tham quan một số di tích hay thụ hưởng những dịch vụ du lịch ở Nhật.

Du khách xem giới thiệu về loài hến ở hồ Shinji-ko tại Shijimi-kan

Khi đến tham quan thành Matsue-jo, một di tích lịch sử lâu đời ở tỉnh Shimane, được Chính phủ Nhật Bản công nhận là quốc bảo, tôi thấy bảng giá vé tham quan ghi vé người lớn là 560 yen, vé trẻ em là 280 yen. Nhưng khi trả tiền, thì người bán vé cho biết vé của ba người Việt chúng tôi là 280 yen/người, còn vé của anh Nakamura Masami là 560 yen. Thấy chuyện lạ, tôi thắc mắc thì được trả lời rằng giá vé tham quan dành người nước ngoài được quy định bằng nửa giá vé dành cho người Nhật.

Sau khi tham quan tòa thành Matsue cổ kính, chúng tôi xuống bến thuyền ở trước thành, mua vé lên thuyền đi thăm hệ thống thủy đạo bao quanh tòa thành trong hai giờ. Cô bán vé du thuyền thu mỗi người nước ngoài 860 yen tiền vé, trong khi mỗi người Nhật phải trả 1.250 yen. Cô ấy còn hỏi: “Trong đoàn có ai sinh năm 1997 không? Nếu có thì người đó sẽ được miễn phí đi du thuyền vì năm 1997 là năm khai trương tuyến du lịch đường thủy này. Năm nay vừa tròn 20 năm kỷ niệm nên những người sinh vào năm đó đều được miễn phí”. Lại thêm một ngạc nhiên thú vị.

Sau chuyến tham quan thành Matsue-jo, tôi có cuộc gặp quan chức Sở Du lịch và Công nghiệp Matsue tại tòa Thị chính thành phố. Khi hỏi vì sao các điểm tham quan và dịch vụ du lịch lại giảm giá vé cho người nước ngoài, ông Nishikori Yuji, Giám đốc Sở này cho biết: “Ở Nhật giá cả rất đắt đỏ. Người nước ngoài đến du lịch Nhật Bản phải trả nhiều tiền cho việc đi lại, ăn nghỉ. Vì thế, việc giảm giá vé tham quan và dịch vụ du lịch cho người nước ngoài là để giúp họ giảm bớt chi phí. Đây là một biện pháp kích cầu du lịch, nhằm thu hút du khách đến với Matsue nhiều hơn. Không chỉ Matsue áp dụng biện pháp này, mà nhiều nơi khác cũng làm tương tự”.

3 - Ở Matuse, chúng tôi có ghé thăm Shijimi-kan, trung tâm nghiên cứu và giới thiệu về loài hến, tiếng Nhật gọi là shijimi, đặc sản của địa phương. Loài hến này sống trong hồ Shinji-ko, một thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Shimane, rất giống với loài hến ở Huế, từ chủng loại, hình dáng, màu sắc, kích thước.

Chính quyền Matuse đã thành lập trung tâm để trưng bày và giới thiệu mọi mặt về loài hến: các kết quả nghiên cứu khoa học về hến ở hồ Shinji-ko; những hình ảnh về loài hến, từ chu kỳ sinh trưởng, cách thức đánh bắt, đến biện pháp bảo tồn; cách bảo quản và chế biến sử dụng… Đây cũng là nơi họ bày bán hến tươi và các chế phẩm của hến, từ các món ăn tại chỗ như: shijimi gohan (cơm hến), shijimi shiru (xúp hến), shijimi udon (bánh canh hến), shijimi cream (kem hến)..., cho đến các món hến đóng gói để du khách mua về dùng dần. Các kết quả nghiên cứu, hình ảnh, sản phẩm về hến ở đây được trưng bày, giới thiệu rất bài bản, khoa học và mỹ thuật; phong cách phục vụ khách hàng rất chuyên nghiệp. Họ còn xây cả một onsen (bồn tắm nước suối nóng) ở ngay lối vào trung tâm, để du khách thư giãn khi đến tham quan, mua sắm. Vì thế, Shijimi-kan là một địa chỉ du khách không thể bỏ qua khi đến thăm thành phố Matsue.

Theo tìm hiểu, mỗi năm có khoảng 20 triệu du khách quốc tế đến Nhật Bản du lịch. Rất nhiều người trong số đó đã quay lại Nhật Bản, không phải một lần mà nhiều hơn. Như tôi chẳng hạn.

Bài, ảnh: TRẦN ĐỨC ANH SƠN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

Sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 đã kéo theo sự phát triển của xu hướng du lịch thông minh. Các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành du lịch không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm mới, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn cần những sự thay đổi phù hợp với tình hình mới.

Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh
Thành phố ẩm thực

Từ mạch nguồn Thuận Hóa - Phú Xuân gần 720 năm trước, Huế có nguồn tài nguyên tinh hoa ẩm thực, mang lại lợi thế cạnh tranh cho du lịch Cố đô. Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mang lại cho Huế vận hội mới mà nhắc đến Huế, cùng với những sắc diện tươi mới, người ta sẽ nghĩ ngay đến một thành phố ẩm thực của tinh hoa hội tụ.

Thành phố ẩm thực
Đưa đông y vào sản phẩm du lịch

Đưa đông y nói chung và y thuật cung đình nói riêng vào khai thác du lịch được xem là một trong những loại hình, sản phẩm du lịch đặc sắc. Huế có nhiều lợi thế lĩnh vực này, song việc khai thác các tiềm năng và thế mạnh của đông y vào du lịch chăm sóc sức khỏe (CSSK) vẫn chưa phát huy hết các giá trị.

Đưa đông y vào sản phẩm du lịch
Return to top