ClockThứ Tư, 05/10/2022 07:31

Giá dịch vụ đang chi phối các tour du lịch

TTH - Theo các doanh nghiệp du lịch, giá dịch vụ tour đang chi phối khá nhiều quyết định đi du lịch của du khách, kể cả khách quốc tế.

Lịch trình tour du lịch Huế từ Đà Nẵng trọn gói khuyến mãi lớn từ Sơn Trà TravelChinh phục Thác Dương Cầm cho những tín đồ thích du lịch mạo hiểmĐánh giá, tiến đến phát triển tour du lịch “Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế”Nhộn nhịp tour du lịch lễ Quốc khánhPrison tour - Học lịch sử qua trải nghiệm

Giá tour đang chi phối khá nhiều quyết định đi du lịch của khách quốc tế hiện nay

Giá tour chi phối khách quốc tế

Hướng dẫn viên Nguyễn Đình Quyên (tiếng Anh) thông tin, thời gian qua, khách quốc tế đã trở lại, với dòng khách Tây Âu và Bắc Mỹ mà hướng dẫn viên này chuyên phục vụ, khách chủ yếu đi theo gia đình, nhóm nhỏ. Qua quan sát, thấy khách không thật sự thỏa mái trong các chuyến đi như thời điểm chưa có dịch. Trong quá trình đi tour, khách sẵn sàng bỏ điểm, điều rất hiếm xảy ra với các dòng khách Âu – Mỹ; khách có xu hướng chi tiêu tiết kiệm, dè xẻn hơn so với trước. Khi trao đổi với khách, khá nhiều người đã mua tour trước dịch, khi dịch đã được kiểm soát, các nước đều mở cửa thì các nhà bán tour chỉ hoãn lại trong khoảng thời gian nhất định. Do đó, khách đã đi du lịch trong thời điểm này, nếu không sẽ bị mất tiền.

Nhu cầu của khách không có nhiều thay đổi, với khách châu Âu, châu Mỹ, châu Úc vẫn có nhu cầu về các sản phẩm nghiêng về văn hóa; trong khi đó, khách châu Á vẫn duy trì những sản phẩm giải trí, du lịch biển nhiều hơn. Từ nhiều hướng dẫn viên, lái xe du lịch đang tham gia phục vụ khách được biết thêm một thông tin liên quan khác, là khi đến Huế, nhiều khách đã mua các tour để tham quan, trải nghiệm, song chủ yếu là các tour có giá tương đối “mềm”. Những dịch vụ có chi phí cao chưa được nhiều khách lựa chọn như trước.

Trong thời điểm mà những tác động kinh tế từ dịch bệnh vẫn còn thì những thay đổi về lựa chọn dịch vụ trên cũng là điều khó tránh khỏi. Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành phân tích, từ sự chi phối bởi kinh tế, nơi nào có dịch vụ mà giá thành tốt sẽ được khách chọn làm điểm đến. Nhiều ý kiến cho rằng, Huế là điểm đến có dịch vụ rẻ, nhưng những yếu tố quan trọng trong du lịch, như di chuyển, ăn ngủ tại Huế lại cao. Điều này khiến giá tour ở Huế cao hơn 30-40% so với một số địa phương khác trong khu vực.

“Không thể trách trong tình cảnh hiện tại, nhưng phân tích rõ hơn để thấy những khó khăn của người làm du lịch ở Huế. Nếu tour di chuyển bằng xe khách chỉ ở Đà Nẵng và Hội An sẽ có giá khoảng 4 triệu đồng, nhưng khi ra Huế sẽ tăng gấp đôi. Giá vé máy bay đến Huế đang rất cao, dịch vụ lưu trú cao cấp ở Huế đang thiếu nên cũng có giá cao hơn so với trong khu vực. Ở một số điểm đến, vé tham quan đang giảm 50%, hoặc miễn phí, còn ở Huế có phí tham quan các điểm đến…, tất cả cộng lại đội giá tour ở Huế cao hơn rất nhiều. Như khách Thái Lan đến miền Trung thời gian qua, nếu đi tour 4 ngày 3 đêm sẽ không đến Huế; còn những đoàn khách đi tour 5 ngày 4 đêm sẽ đến Huế 1 đêm”, ông Cơ phân tích.

Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist chia sẻ thêm, một xu hướng khi các hình thức, hoạt động kinh doanh du lịch đang có sự thay đổi. Trước đây, các đối tác nước ngoài đưa khách đến sẽ thông qua các đối tác cung ứng trong nước, nay các tourleader (điều hành tour) kiêm luôn nhiệm vụ của đối tác trong nước. Họ tự tìm kiếm trên internet, trên các trang OTA (đại lý, đơn vị bán phòng khách sạn, tour du lịch, vé máy bay... trên nền tảng trực tuyến) và họ muốn tìm những nhà cung cấp. Khi hợp tác sẽ có % số tiền mà doanh nghiệp, nhà cung cấp trả cho người làm tiếp thị khi giới thiệu hoặc bán được sản phẩm, dịch vụ của họ.

Huế cần có những sản phẩm mới để thu hút du khách

Chất lượng và chiến lược dài hạn

Khi nói đến cạnh tranh điểm đến, sẽ dựa trên một số yếu tố cơ bản, như sản phẩm, cách tiếp cận điểm đến và giá dịch vụ. Rõ ràng, muốn hay không muốn, giá cả luôn là vấn đề hàng đầu trong cạnh tranh điểm đến hiện nay; có tác động hai chiều, tích cực và tiêu cực đến các hoạt động kinh doanh du lịch.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, xét về giá dịch vụ để cạnh tranh, rõ ràng du lịch Huế đang không được các yếu tố ủng hộ. Dựa trên thực tiễn phát triển từ các yếu tố cơ bản chi phối giá dịch vụ du lịch, tour tuyến, sẽ còn thêm một thời gian nữa để du lịch Huế cải thiện. Khi sân bay, hệ thống giao thông kết nối, hệ thống các sản phẩm, dịch vụ được nâng cấp mới tăng tính cạnh tranh cho Huế. Do đó, mục tiêu xuyên suốt của ngành du lịch Huế trong hiện tại là nâng chất lượng dịch vụ, lấy đó là nền tảng của cạnh tranh. Các dịch vụ đòi hỏi sự tinh tế và người cung ứng dịch vụ phải biết cách “chiều khách” hơn; có những dịch vụ gia tăng để tăng thêm sự hài lòng cho khách.

Từ thực tế đó, giới chuyên môn cũng cho rằng, với Huế, không nên nghĩ đến khái niệm “giảm giá” để cạnh tranh, thu hút khách. Ai từng kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cũng hiểu, giảm giá tour đến mức nào cũng được, nhưng đương nhiên đi kèm với đó là chất lượng các dịch vụ… Trong khi các nơi “nâng tầm dịch vụ”, Huế không nên “hạ tầm dịch vụ” để cạnh tranh. Thứ nữa, những tác động của dịch bệnh dần sẽ kết thúc, khi đó, yếu tố giá rẻ sẽ không còn chi phối việc đi du lịch của khách.

Phía Hiệp hội Du lịch đưa ra một số giải pháp ngắn hạn để tăng khả năng thu hút khách, nhất là trong giai đoạn bước vào mùa du lịch quốc tế, như mỗi doanh nghiệp định vị khách hàng của mình. Làm chiến dịch khảo sát lại ý kiến của khách hàng để tìm ra nhu cầu của khách đang quan tâm. Có những đánh giá khách quan lý do khiến khách không chọn tour của doanh nghiệp để chọn tour khác, giá cả hay chất lượng. Làm việc lại với tất các đối tác cung cấp dịch vụ trong thời gian lâu năm nên có chiến dịch nâng tầm dịch vụ cho mình. Tập trung chăm sóc nhóm khách hàng cũ, tri ân khách hàng…

Ông Vũ Hoài Phương, nguyên Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch cho rằng, bên cạnh những giải pháp mang tính vĩ mô như xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, xây dựng các cơ chế mới, đảm bảo môi trường du lịch… mà tỉnh đang triển khai, về dài hạn, ngành du lịch Huế cần mở rộng khai thác sản phẩm tour mới, sáng tạo hơn. Ngay từ bây giờ, Huế có thể tiến hành khảo sát, đánh giá và tiến đến quy chuẩn chất lượng các dịch vụ du lịch. Trong các nhóm đối tượng khách sẽ có 2 phân khúc: Nhóm muốn được đi du lịch và nhóm muốn được hưởng thụ. Nên cần có những phân tích, xây dựng dịch vụ phù hợp, đúng với mong muốn của khách dựa trên chất lượng và sự tinh tế.

Bài, ảnh: Quang Sang

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống

Chiều 18/12, tại Khách sạn Saigon Morin diễn ra Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát huy giá trị âm nhạc truyền thống Huế trong phát triển văn hóa, du lịch” do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức.

Phát triển văn hóa, du lịch Cố đô bằng âm nhạc truyền thống
Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển Đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Văn hóa, thể thao và du lịch năm 2024 đạt kết quả rõ nét
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Mở cửa thương mại toàn cầu để nuôi sống thế giới

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho biết, tình trạng đói nghèo toàn cầu sẽ gia tăng nếu thế giới không nỗ lực duy trì một hệ thống thương mại ổn định và cởi mở.

Mở cửa thương mại toàn cầu để nuôi sống thế giới

TIN MỚI

Return to top