ClockThứ Tư, 12/09/2018 05:45

Hạ tầng - động lực để thúc đẩy du lịch phát triển

TTH - Trong du lịch, nếu hạ tầng chưa đồng bộ, giao thông di chuyển khó khăn sẽ là “điểm nghẽn” của sự phát triển.

Phát triển du lịch thể thaoChấm dứt dự án đầu tư khu du lịch - bến thuyền - thể thao dưới nước Lăng CôKhoảng 60 ngàn lượt khách đến Huế dịp lễ Quốc khánh

Du khách tàu biển cập cảng Chân Mây

Nhìn ở tỉnh bạn

Mới đây, ngành du lịch Huế có chuyến khảo sát, kết nối du lịch với tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng. Điều dễ dàng nhận thấy khi đến hai địa phương này là hạ tầng rất đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông. Lãnh đạo ngành du lịch Quảng Ninh và TP. Hải Phòng chia sẻ, việc đầu tư hạ tầng đồng bộ, nhất là ưu tiên về hạ tầng giao thông, giúp du lịch phát triển nhanh.

Ở Quảng Ninh, ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch thông tin, Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn đang thi công vào giai đoạn cuối; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn – Móng Cái đang được thi công, giúp việc di chuyển từ TP. Hạ Long đến Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn chỉ còn khoảng 30 phút; tuyến đường cao tốc nối TP. Hạ Long nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cũng sắp hoàn thiện. Những dự án mang tính đột phá, giúp du khách từ TP. Hà Nội đến Quảng Ninh chỉ còn khoảng 90 phút... Ngoài ra, cầu Bạch Đằng được hợp long, giúp việc di chuyển từ Quảng Ninh sang Hải Phòng và ngược lại thuận lợi, điều này sẽ kết nối du lịch hai địa phương hiệu quả hơn.

Cát Bà là thị trấn du lịch nổi tiếng của TP. Hải Phòng, nằm bên vịnh Hạ Long. Những nhà làm du lịch Hải Phòng cho hay, trước đây, để đến Cát Bà phải đi qua 2-3 lần phà. Khách từ Hà Nội về nhanh thì mất nửa ngày, có ngày trễ phà mất một ngày. Điều này khiến du lịch Cát Bà chậm phát triển, từ khi có cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á, giúp khách đến Cát Bà thuận lợi hơn. Theo ông Vũ Huy Thưởng, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hải Phòng, hiện nay, đến Cát Bà chỉ còn qua một chuyến phà. Hiện thành phố đã có kế hoạch để xây dựng cây cầu bắc qua tuyến phà còn lại. Khi không còn trở ngại về giao thông, khách đến Cát Bà chắc chắn sẽ nhiều hơn nữa.

Ngành du lịch hai địa phương này thông tin, chính việc tập trung phát triển hạ tầng mà thời gian gần qua đã thu hút được nhiều dự án du lịch lớn đến đầu tư. Nhất là tại Cát Bà, hiện đang có hai resort tiêu chuẩn 5 sao đang triển khai giai đoạn đầu. Dự báo khoảng 1-2 năm nữa, nơi đây sẽ là điểm đến hàng đầu của khu vực phía Bắc.

Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài sắp được đầu tư nâng cấp

Tập trung cho dự án trọng điểm

Lãnh đạo ngành du lịch Huế nhìn nhận, điều dễ dàng nhận thấy để phát triển du lịch thì hạ tầng phải đi trước một bước, hệ thống giao thông đấu nối các điểm du lịch dễ dàng. Chẳng hạn như Thủy Biều, khách lên đây chỉ là khách lẻ, những chiếc xe có trọng tải thấp, còn loại xe 45 chỗ sẽ không lên được. Địa phương hoàn toàn biết điều này, nhưng cái khó nhất của Huế chính là nguồn vốn.

Đối với các địa phương Quảng Ninh hay Hải Phòng, nguồn ngân sách đóng góp cho tỉnh, thành phố chủ yếu thuộc về ngành công nghiệp. Khi có ngân sách nhiều, họ đầu tư được hạ tầng tốt và quy mô lớn. Một điều khác nữa, khi họ đầu tư là để phát triển nhiều ngành nghề, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch chỉ là một phần trong đó.

Thiếu vốn khiến việc đầu tư hạ tầng còn ít, bởi sẽ có nhiều lĩnh vực khác cũng cần được đầu tư không kém cạnh. Tuyến đường được xem là huyết mạch nối từ Tỉnh lộ 10 về biển Thuận An đã lên kế hoạch từ lâu, nhưng rồi cũng chính vì nguồn vốn mà phải tạm ngưng. Ý nghĩa và tầm quan trọng của tuyến đường này dễ dàng nhận thấy, kết nối du lịch biển và di sản; qua đó, thu hút khách ở lại lâu hơn với Huế.

Một cán bộ ngành du lịch chia sẻ, để có đủ nguồn vốn làm tuyến đường này không phải không có cách đối với nguồn ngân sách còn hạn hẹp. Vị cán bộ này cho rằng, tỉnh cần có nghị quyết về chi tiêu ngân sách, thay vì đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, mỗi năm cần dồn lực cho một dự án trọng điểm. Chẳng hạn như tuyến đường về Thuận An, trong năm 2019, các ngành khác cắt giảm chi tiêu, tập trung để làm tuyến đường này. Khi làm xong, những năm tiếp theo, địa phương và các ngành liên quan phải lấy con đường này để phát triển. Hai bên tuyến đường xây dựng chuỗi dịch vụ khách sạn, nhà hàng… cho đến Thuận An. Những năm tiếp theo, cắt giảm chi tiêu cho các ngành liên quan và dồn lực cho các ngành khác. Cứ thế, xoay vòng cho các ngành tiếp theo.

"Cái khó bó cái khôn", những cái khó này đang khiến Huế thiếu hẳn những công trình mang tính “thế kỷ”.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chỉnh trang, phát triển đô thị Sịa

Thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền hôm nay đã mang một diện mạo mới, tuy nhiên, tốc độ phát triển đô thị ở địa phương này vẫn còn chậm.

Chỉnh trang, phát triển đô thị Sịa
Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch

Với đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, nhiều tiện ích đô thị ở một số khu vực trên địa bàn TP. Huế hoàn thiện đã góp phần kích cầu du lịch, tạo động lực để các doanh nghiệp (DN) đầu tư thêm dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của du khách.

Hoàn thiện hạ tầng, kích cầu du lịch
Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu cho phát triển nhanh, bền vững. Ngành du lịch nói chung, du lịch Cố đô nói riêng đang thúc đẩy chuyển đổi số, gắn với công tác quảng bá và phát triển ngành công nghiệp không khói.

Quảng bá và phát triển du lịch từ chuyển đổi số
A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp

A Lưới chủ động lồng ghép các nguồn lực từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp từng bước theo hướng toàn diện, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần giảm nghèo bền vững.

A Lưới đột phá trong phát triển nông nghiệp
Return to top