Du khách hào hứng tham gia lễ thượng nêu. Ảnh: Trang Hiền
Hóa thân làm gia chủ
Năm ngoái, Roland (quốc tịch Na Uy) đến Huế du lịch vào những ngày giáp Tết. Nhìn đường phố ngập tràn sắc màu, anh thích thú hòa mình vào không khí tưng bừng chuẩn bị Tết của người dân. Roland đăng ký tham gia trải nghiệm lễ dựng nêu và lễ tiễn ông Táo do Công ty CP Huế Của Ta tổ chức tại nhà Hoàng thái hậu Từ Cung (145 Phan Đình Phùng, TP. Huế).
Chuẩn bị cho mâm cỗ cúng ông Táo, chiều 22 tháng Chạp, Roland tháp tùng nhân viên của công ty đi chợ. Không khí người mua, kẻ bán tấp nập ngày Tết, hoa đủ màu khoe sắc khiến Roland thú vị. Gì cũng lạ, anh đưa máy ảnh bấm lia lịa. “Tôi thật may mắn khi đến Huế trong dịp này, được tìm hiểu đời sống văn hóa, trải nghiệm Tết cổ truyền của các bạn. Nhộn nhịp, độc đáo và ấm áp, Tết của các bạn rất khác biệt”, Roland hào hứng chia sẻ.
Sáng 23 tháng Chạp, không gian nhà lưu niệm Hoàng thái hậu Từ Cung trở nên nghiêm trang. Các nhân viên Huế Của Ta và cả Roland trong lễ phục tất bật sửa soạn hương án với đầy đủ vật phẩm, hương hoa bày biện trước sân nhà. Lư hương được thay cát mới, bàn thờ ông Táo được lau dọn tinh tươm. Được ông Nguyễn Đình Ân, Giám đốc Công ty CP Huế Của Ta giới thiệu, hướng dẫn từ trước nên Roland tỏ ra khá thuần thục. Anh đốt trầm, thắp nhang, rót rượu và khấn nguyện. Đôi khi, anh chàng “quên bài”, lúng túng liếc nhìn ông Ân rồi nhanh chóng làm theo. Chàng khách Tây cứ như chủ nhân thật sự, vái lạy trước bàn thờ gia tiên, cầu khấn những điều tốt lành. Xong đâu đó, Roland thực hiện nghi thức thả cá chép tiễn ông Táo về trời để cầu chúc một năm mới tốt lành, vạn sự như ý. Được giới thiệu về ý nghĩa “cá vượt vũ môn” làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời, anh nâng niu đôi cá chép trên tay, thả từ từ, nhẹ nhàng, thành kính xuống sông An Cựu.
Cũng trong buổi sáng, Roland còn được tham gia lễ dựng nêu. Không đầy đủ nghi thức cờ lọng, trống kèn, đội nhạc... nhưng lễ dựng nêu ở đây vẫn được tiến hành bài bản, trang trọng dù trời đổ mưa. Bắt đầu bằng một đám rước, Roland cùng các nhân viên Huế Của Ta trong trang phục chỉnh tề vác cây nêu bằng tre tiến hành theo nghi thức truyền thống. Anh còn tự tay ghi điều ước trong năm mới treo lên cây nêu. Với sự trợ giúp của nhiều người, cuối cùng cây nêu cũng được Roland dựng lên giữa sân, vươn mình giữa bầu trời. anh cười vui vẻ: “Ngày Tết dựng nêu để cầu mong những điều tốt đẹp cho một năm mới đang tới nên tôi rất hạnh phúc khi được tham gia trải nghiệm tuyệt vời này. Khoác lên mình chiếc áo, mũ truyền thống và sự thân thiện, ấm áp của mọi người khiến tôi cảm nhận đây là một gia đình. Tuy là lần đầu nhưng được chuyển tải thông điệp rõ ràng nên việc thực hành lễ nghi với tôi không khó khăn lắm. Tôi cũng mong rằng, những ước nguyện của mình sẽ trở thành sự thật”.
Khách du lịch thích thú tham gia gói bánh tét ở Khách sạn Mường Thanh Huế. Ảnh: KSMT
Thấu hiểu văn hóa
Khi còn là hướng dẫn viên, những lần đưa khách đi du lịch dịp Tết, ông Nguyễn Đình Ân thấy khách ngoại quốc rất thích thú được tìm hiểu Tết cổ truyền của người dân địa phương. Nhiều hoạt động dù nhỏ nhưng diễn ra đúng thời điểm ấy vẫn thu hút du khách. Ông chia sẻ: “Huế là nơi có nhiều lễ hội văn hóa, dù vậy, việc tổ chức cho du khách khám phá Tết cổ truyền trước và trong Tết chưa nhiều. Tết Bính Thân cũng là lần đầu tiên Huế Của Ta tổ chức lễ cúng ông Táo và thượng nêu cho khách du lịch trải nghiệm”.
Không phải là người Huế nhưng mong muốn giới thiệu đậm nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của Huế nói riêng và Việt Nam nói chung, ông Ân đã tìm hiểu cặn kẽ nghi lễ này để tổ chức bài bản, thành tâm. “ Tết Huế có những nét riêng thú vị; trong đó lễ nghi, cúng kiếng là phần quan trọng nhất, được người Huế thực hiện rất trang nghiêm, kính cẩn. Ngoài việc tạo thêm một điểm đến cho du khách trải nghiệm Tết Huế, đây còn là cơ hội để chúng tôi chuyển tải đến du khách thông điệp rằng, Huế - Kinh đô xưa vẫn còn giữ được nhiều phong tục trong dịp Tết cổ truyền. Hoạt động này được công ty duy trì hàng năm để khách thấu hiểu và thêm yêu đất nước, con người Việt Nam”.
Năm nay, không gian đón Tết cổ truyền do Huế Của Ta tổ chức được mở rộng tại không gian chợ quê cầu ngói Thanh Toàn, với nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra từ ngày 23 tháng Chạp đến mùng 6 Tết. Các hoạt động mang tính cộng đồng hơn khi du khách được cùng người dân thực hiện lễ tiễn ông Táo và thượng nêu ở khu vực cầu ngói. Nếu muốn, du khách có thể tham gia vào thử thách chặt tre gian nan.
Suốt 10 ngày Tết ở Thanh Toàn, du khách được tham gia các trải nghiệm thú vị khi đi sâu khám phá đời sống của người dân. Bằng xe đạp hoặc đi bộ, khách được tham quan phong cảnh làng quê yên bình đẹp như tranh vẽ, được hít căng lồng ngực không khí trong lành đậm hồn quê. Không chỉ ngắm cảnh người dân tấp nập mua sắm, sửa sang nhà cửa, họ còn được tham gia các hoạt động trải nghiệm, như: gói và nấu bánh chưng, tham quan chợ quê ngày Tết với các hoạt động viết thư pháp, bài chòi và nhiều trò chơi dân gian khác. Họ cũng sẽ thực sự cảm nhận được không khí đón Tết của người dân địa phương khi trở thành những vị khách quý đến chúc Tết nhà dân...
Theo chia sẻ của nhiều hướng dẫn viên, khách Tây đến Việt Nam rất muốn tìm hiểu đời sống người dân qua việc khám phá cuộc sống thường nhật, phong tục tập quán. tour đón Tết cổ truyền không chỉ giúp du khách có thêm lựa chọn khi đến Huế mà còn là sản phẩm để những người bạn ngoại quốc hiểu rõ hơn về phong tục tập quán của người dân địa phương, như lời ông Ân tâm sự: “Có những điều đơn giản trong cuộc sống hàng ngày nhưng cũng là cách quảng bá để du khách hiểu hơn về văn hóa đất nước, con người. Từ trải nghiệm thực tế, du khách chính là những người truyền tải văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam đến với những người khác”.
Bài, ảnh: Nguyệt Tú